Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thiếu mắt xích kết nối nông dân - thị trường

Thiếu mắt xích kết nối nông dân - thị trường
Publish date: Tuesday. October 6th, 2015

Lao động dư thừa trong nông nghiệp còn nhiều trong khi khả năng tạo việc làm của khu vực công nghiệp, dịch vụ còn yếu kém.

Chính thực trạng kể trên, đòi hỏi chúng ta phải có sự chủ động trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất.

24 triệu người làm việc trong nông nghiệp

Tỷ trọng lao động nông nghiệp Việt Nam đã giảm tương đối nhanh từ 72,3% năm 1985 xuống 65,3% năm 2000, lần đầu tiên xuống dưới mức một nửa số lao động vào năm 2010 (49,5%) và giảm nhanh xuống còn 46,8% năm 2013 (tương đương 24,4 triệu người).

Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang ngành khác có xu hướng chậm lại.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm khá nhanh, trong giai đoạn 2001-2007 giảm bình quân 3,2%/năm, giai đoạn 2008-2013 là 2,2%/năm, đến năm 2013-2014 chỉ còn 1,2%.

Theo khảo sát của IPSARD, có tới 86% số hộ chăn nuôi có dưới 10 con lợn (ảnh minh họa, chụp tại huyện Phù Yên, Sơn La).

Tỷ lệ dân số sống ở nông thôn còn ở mức khá cao, nhưng vai trò của thu nhập nông nghiệp ngày càng giảm.

Tỷ lệ thu nhập nông nghiệp trong tổng thu nhập hộ nông thôn giảm từ mức 43,4% năm 2002 xuống còn 31,8% năm 2012.

Đồng thời, quá trình giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp chậm hơn so với tốc độ giảm tỷ trọng GDP nông nghiệp, khiến năng suất lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều so với công nghiệp và dịch vụ.

Tình trạng thiếu sử dụng việc làm khá phổ biến ở nông thôn, đặc biệt tại các vùng đất chật, người đông, quy mô sản xuất manh mún.

Trong khi đó, lao động di cư chủ yếu tham gia vào khu vực phi chính thức, thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi (hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, nhà ở, trường học...) nên họ tiếp tục giữ ruộng đất như cơ chế bảo hiểm rủi ro.

Cùng với những cản trở trong hoạt động của thị trường đất nông thôn, di cư vào khu vực phi chính thức gây khó khăn cho tích tụ và tập trung ruộng đất vào tay những nông dân giỏi, nông dân chuyên nghiệp, cản trở quá trình chuyển đổi trong nông nghiệp.

Các nguyên nhân chính của tình trạng này là do:

Phát triển công nghiệp, dịch vụ tập trung chủ yếu ở 2 cực tăng trưởng quanh Hà Nội và TP.HCM hạn chế tác động lan tỏa ra các vùng nông thôn khác; phát triển công nghiệp mạnh, nhưng khả năng tạo việc làm kém;

Trong khi đó, ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cơ chế gắn kết giữa đào tạo nghề và tạo việc làm hiệu quả; thiếu tổ chức hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của lao động di cư từ nông thôn ra thành thị; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Khả năng tạo thu nhập và việc làm tại khu vực nông thôn còn yếu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

69% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 0,2ha

Diện tích đất nông nghiệp nước ta đã tăng từ 6,9 triệu ha lên 9,4 triệu ha, rồi 10,2 triệu ha, chủ yếu là tăng diện tích cây công nghiệp.

Qua đó tỷ trọng đất cây hàng năm giảm từ 80,9% xuống còn 62,9%, cây công nghiệp tăng khá nhanh từ 11,6% lên 37,1%.

Diện tích đất lúa tuy giảm từ 61,9% xuống còn 40,1% tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng vẫn giữ mức 4,1 triệu ha so với 4,3 triệu ha năm 1985.

Có thể thấy việc đa dạng hóa cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng thay đổi của nhu cầu thị trường của Việt Nam như vậy còn chậm so với các nước khác.

Đa dạng hóa sản xuất bị hạn chế, đồng thời quy mô sản xuất của hộ nông dân khá manh mún.

Trên cả nước, số hộ canh tác có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,2ha chiếm 69%, dưới 0,5ha chiếm đến 94%; đối với đất trồng cây hàng năm nói riêng, các chỉ số này lần lượt là 76% và 96%.

Đối với hoạt động chăn nuôi, hơn 50% số hộ nuôi lợn chỉ có từ 1-2 con, 77% số hộ có dưới 5 con lợn, và 86% số hộ có dưới 10 con lợn; chỉ có dưới 1% số hộ có từ 50 con lợn trở lên. 90% số hộ trên cả nước có từ 1-2 con gà, chỉ 0,2% số hộ có từ 50 con gà trở lên.

Đối với lĩnh vực thủy sản, có 95,4% số hộ trên cả nước sản xuất trên diện tích mặt nước dưới 2ha và có đến 3/4 số hộ sản xuất trên diện tích mặt nước dưới 0,2ha. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hơn 50% số hộ hoạt động trên diện tích dưới 1ha và 92% số hộ hoạt động trên diện tích dưới 5ha.

Ruộng đất phân tán cản trở quy mô sản xuất, cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất.

Nhiều phân tích cho thấy, hộ nông dân càng có nhiều mảnh đất thì lợi nhuận trung bình thu được từ mảnh đất đó càng giảm và chi phí (đặc biệt là chi phí lao động) càng tăng. Quy mô sản xuất manh mún, thu nhập nông nghiệp thấp không thể tạo động lực cho hộ nông dân đổi mới công nghệ, hướng tới việc sản xuất sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh hạn chế về nguồn tài nguyên đất hạn hẹp, nguyên nhân chính của tình trạng này là: Hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp rất yếu ớt.

Hoạt động thị trường thuê đất ở nông thôn cũng rất hạn chế.

Rất nhiều nông dân sản xuất không hiệu quả, kiếm thu nhập chủ yếu từ các hoạt động phi nông nghiệp, phi chính thức nhưng vẫn muốn giữ đất để bảo hiểm rủi ro do thiếu hệ thống an sinh xã hội chính thức tại nông thôn...

Thiếu cơ chế liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp trong tích tụ và tập trung ruộng đất.

Nỗi lo về an ninh lương thực khiến Chính phủ vẫn đề ra các chỉ tiêu cao về duy trì diện tích đất lúa.

Trong tổng diện tích đất nông nghiệp đã được giao và cho thuê, 1/3 được sử dụng để trồng lúa, và các loại cây trồng hàng năm, cây công nghiệp khác đều chỉ chiếm dưới 5%, kể cả một số loại cây để sản xuất thức ăn chăn nuôi mà Việt Nam đang rất thiếu như ngô, đậu tương cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ cả về diện tích gieo trồng và sản lượng.

 Rất nhiều nông dân sản xuất không hiệu quả, kiếm thu nhập chủ yếu từ các hoạt động phi nông nghiệp, phi chính thức nhưng vẫn muốn giữ đất để bảo hiểm rủi ro do thiếu hệ thống an sinh xã hội chính thức tại nông thôn... 


Related news

Bí quyết chọn gà đen nghìn đô giúp đại gia tránh tiền mất tật mang Bí quyết chọn gà đen nghìn đô giúp đại gia tránh tiền mất tật mang

Gà Indonesia (hay còn gọi là gà đen Ayam Camani) nhỏ có bộ lông xước và rất ít lông, các đầu cánh lông bị rách. Còn gà đen Trung Quốc (hay còn gọi là gà Hắc Phong) khi còn nhỏ lông xốp và mượt.

Friday. November 6th, 2015
Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp dân khấm khá Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp dân khấm khá

Việc thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã tạo thêm động lực để các cấp Hội ND tỉnh Sóc Trăng nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hỗ trợ hội viên, ND phát triển sản xuất, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hội…

Friday. November 6th, 2015
Bộ trưởng thấy lạnh xương sống vì chất cấm Bộ trưởng thấy lạnh xương sống vì chất cấm

“Đọc thông tin ở Bình Dương phát hiện chuối ngâm vào thuốc diệt cỏ 2,4 D, tôi thấy lạnh xương sống. Cứ nghĩ những đứa trẻ ăn phải chuối đó thì sao. Đó là tội ác chứ không phải chỉ là vi phạm” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Friday. November 6th, 2015
Nhóm hàng rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP Nhóm hàng rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Với Việt Nam, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu cao sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản; mức độ trung bình đối với gạo, càphê, cao su, gỗ, điều; mức độ tác động tiêu cực cao sẽ đến với ngành chăn nuôi.

Friday. November 6th, 2015
Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định TPP về nông nghiệp Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định TPP về nông nghiệp

Sáng 6-11, Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng loạt thách thức, cơ hội đã được chỉ ra.

Friday. November 6th, 2015