Thiếu Định Hướng Nông Dân Đổ Xô Đào Ao Trên Đất Lúa Nuôi Cá
Hàng trăm ha dừa, mía và đất ruộng tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biến thành ao nuôi cá lóc trong thời gian ngắn. Diện tích nuôi cá không ngừng tăng lên nhưng các địa phương vẫn gặp khó trong việc quản lý.
Thực trạng trên rất đáng báo động, nó không những phá vỡ quy hoạch, cơ cấu mùa vụ tại nhiều địa phương mà còn tiềm ẩn rủi ro cao cho người nông dân khi nguy cơ cung vượt cầu là rất lớn.
Anh Nguyễn Văn Khanh đầu tư gần 100 triệu đồng phá 4 công dừa hơn 20 năm tuổi đào ao nuôi cá lóc. Số tiền mà theo anh nếu dừa trúng giá khoảng 10 năm mới có được. Đầu tư số tiền lớn, nhưng anh không có cơ sở nào để tin đồng vốn mình bỏ ra sẽ mang lại hiệu quả.
"Lợi nhuận từ dừa không cao, mía cũng bắp bênh, nên chuyển qua nuôi cá lóc thấy lợi nhuận cao hơn." (Nhưng anh có nghĩ một giai đoạn nào đó, người ta nuôi cá lóc nhiều quá thì nó cũng quay lại giống dừa và mía không?) Cái đó thì cũng sợ, nhưng mà bây giờ hưởng ứng theo phong trào, thấy người ta nuôi có lời cũng móc hầm nuôi thôi", anh Nguyễn Văn Khanh, nông dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thừa nhận.
Với suy nghĩ tương tự, anh Võ Minh đã bỏ nghề thương hồ để thuê đất nuôi cá lóc thương phẩm. Tất cả tài sản của gia đình được đặt cược vào 2 ao cá hơn một tháng tuổi. Điểm chung giữa anh Khanh và anh Minh là dù biết mạo hiểm nhưng vẫn làm.
(Tại sao mình sang đất nuôi cá lóc?) "Thấy người ta nuôi có lời, mình cũng nuôi". (Anh có nghĩ mình nuôi giống người ta mà người ta nuôi nhiều quá sẽ dội chợ ế hàng mình bị lỗ không?) "Tới đâu hay tới đó, chấp nhận nghề nuôi cá lợi nhuận thì có, mạo hiểm thì phải ráng thôi", anh Võ Minh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cố bấu víu việc liều lĩnh của mình.
Hiện diện tích nuôi cá lóc tại Trà Vinh không ngừng tăng lên. Chỉ riêng huyện Trà Cú, đến giữa tháng 7, nông dân đã thả nuôi khoảng 300 ha, cao gấp 3 lần năm 2012.
"Những hộ nuôi cá lóc nằm trên khu kinh tế mở Định An, Chính phủ đã quy hoạch rồi nên chúng ta không thể quy hoạch chồng lên quy hoạch. Cái thứ 2 một số hộ nuôi trên đất mía đã quy hoạch, chủ yếu là bà con nuôi tự phát", ông Huỳnh Văn Thảo – Trưởng phòng NN & PTNT Trà Cú – Trà Vinh nhấn mạnh.
Hiện nay, nguồn cung cấp con giống chủ yếu cho các hộ nuôi cá lóc ở ĐBSCL phần lớn là từ 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tại An Giang từ đầu năm đến nay, nông dân cũng đã đào gần 300 ha đất ruộng nuôi cá lóc giống. Câu hỏi đặt ra là: Nếu đầu ra cá lóc thương phẩm ách tắc do dư thừa thì hàng ngàn nông dân sản xuất con giống tại 2 tỉnh sẽ làm ăn ra sao?
"Thấy người ta nuôi có lời xúm lại nuôi kiếm ăn. Thị trường tiêu thụ thì người ta lại mua mình bán thôi. Người ta lại mua tới nơi", ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thừa nhận xu hướng của người nuôi cá tự phát.
"Theo chúng tôi biết, hiện nay cá lóc chưa ký kết được xuất khẩu ra nước ngoài, do đó thị trường tiêu thụ có chừng mực. Nếu người dân mở rộng diện tích quá nhiều, cung vượt cầu thì thiệt hại rất lớn", ông Trần Trung Hiền – Giám đốc Sở NN & PTNT Tỉnh Trà Vinh lo ngại.
Đã có nhiều bài học từ việc ồ ạt trồng khoai lang tím, dưa hấu, nuôi cá rô đầu vuông... Chuyện đào hàng ngàn hecta đất ruộng để nuôi cá lóc, một mặt hàng chỉ tiêu thụ nội địa ở ĐBSCL một lần nữa cho thấy sự cần thiết của công tác dự báo thông tin thị trường và định hướng chính xác cho nông dân. Cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm về những vấn đề hết sức quan trọng trên, đến giờ vẫn là sự nhập nhằng và mù mờ tại hầu hết các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Related news
Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Phù Cát đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, phấn đấu để cán đích NTM đúng lộ trình đã khó, duy trì danh hiệu “xã NTM” lại càng khó hơn.
Cho đến bây giờ, sau gần 4 năm nuôi heo, ông Trần Thanh Nam, ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, mới vỡ vạc một điều “nuôi heo không dễ chút nào, còn khó nữa là đằng khác, nhưng nếu có lòng kiên trì, cố gắng tìm tòi học hỏi, tổ chức nuôi khoa học, bài bản thì nhất định sẽ... có ăn”.
Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học để chuyển giao tiến bộ KHKT mới đến bà con nông dân, đem lại kết quả khả quan, được người chăn nuôi chấp nhận, có khả năng nhân rộng cao.
Tăng trưởng thương mại nông sản vào thị trường Trung Quốc đang giúp giảm nhập siêu từ thị trường này. Trong đó, nhóm hàng rau, quả giữ vai trò động lực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam đã ký quyết định công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.