Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

An Giang: Mùa Cá Đồng

An Giang: Mùa Cá Đồng
Publish date: Sunday. October 20th, 2013

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

Đa dạng ngành nghề đánh bắt:

Mùa nước lên, không chỉ có cá linh, mà còn nhiều thứ như: Cá sặc, cá rô, mè vinh, cá chài, cá éc, thác lác, cá heo, cá trê, cá lóc… được người miệt vườn gọi nôm na là “cá trắng” và “cá đen”, ám chỉ cho từng thời điểm đánh bắt trước, trong và sau mùa nước rút. “Thông thường, đầu mùa và khi nước đạt đỉnh rồi, đánh bắt được chủ yếu là cá trắng, còn cá đen đợi lúc cạn đồng mới nhiều hơn” – ông Võ Thanh Hồng, ở ngọn Móc Sắt, thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn - An Giang), giải thích. Dân làm ra con cá, ai cũng khoái ăn “cá trắng” đầu mùa do mới lớn, thịt ngọt và chế biến nhiều món ăn ngon miệng. Chẳng hạn, con cá mè vinh tuy có xương nạng nhưng nhiều người rất thích nướng, chiên, kho lạt, nấu canh chua, còn hấp cơm là món “độc nhất vô nhị” của dân chuyên sống nghề đồng nước.

Con cá rô đồng đầu mùa không mấy gì ngon, song nó xuất hiện từ lúc mưa già đến khi nước lên và bao giờ cũng có mặt trên đồng. “Cây lúa mùa nổi hổng còn, dân giăng lưới men theo mấy dòng cỏ phất phơ trên bờ đê, bủa cặp hàng cây gáo, trâm bầu giữa đồng trống, rồi thả thêm mồi xác mắm. Cực kỳ đã” – ông Đào Văn Út, ở Lung Mây, phường Mỹ Thới (Long Xuyên), chỉ. Giăng lưới là cách bắt thông thường, chống xuồng ra đồng sẽ thấy đặt xà di bắt cá rô còn tài tình hơn, đổ một cái được cỡ 5 – 7 con, lắm lúc trúng đến trên chục con. “Nghề đặt xà di có từ lâu lắm, tui chỉ là hậu sinh, nhưng kiếm ăn cũng được. Năm nào nước lên sớm, mần cỡ vài chục cái, xong mùa trừ chi phí còn dư chút ít, đủ lo cho mấy đứa nhỏ” – anh Võ Văn Mười, ngọn Bờ Ao, phường Mỹ Thới, hồ hởi.

Nói về nghề đánh bắt thủy sản mùa nước thì nhiều vô kể, thủ công đơn giản thôi, mà ngẫm nghĩ hay lắm. “Có những nghề kể ra, chắc ít người biết, thí dụ như cái xà di bắt cá rô chẳng hạn. Nghề nghiệp mần ăn phải theo, trúng hoặc thất, còn đòi hỏi nước lớn hay nhỏ nữa” – ông Trần Văn Bảy, khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa, tỏ ra am hiểu. Do cánh đồng Mỹ Hòa, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh (Long Xuyên) tiếp giáp thị trấn Phú Hòa xả lũ nên tháng chín âm lịch, nước ngập sâu ngang ngực. Một số ngành nghề đánh bắt thủy sản mùa nước vẫn còn duy trì, như: Giăng lưới thưa bắt cá mè vinh, đặt xà di bắt cá rô, đặt lọp đường giăng bắt “cá trắng” và “cá đen”… tạo ra sản lượng khá lớn cung cấp tại các chợ nông thôn và đưa về chợ nội ô thành phố.

Thiếu vắng một số loài ngon:

Tứ giác Long Xuyên được xem là khu vực “vựa cá đồng”, mùa nước lên, người ta thường giăng lưới, thả câu, cắm câu hoặc làm cần đi nhấp cá lóc. Vậy nên, loài này trở nên khan hiếm và sản lượng đánh bắt được gần như ngày càng ít đi. Ông Đào Văn Hùng (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) kể, những năm 1980 - 1990, tại khu vực ngã ba Ba Bần vẫn còn dấu tích “làng nghề” đặt lọp đường giăng và nhiều người phất lên nhờ bám với nghề. “Nước ngập đồng, đem đăng đi đóng và đặt lọp bắt mấy thứ ngon không hà. Nào là “cá đen” và có cả tôm càng xanh, ếch, lươn, rùa, rắn ri voi. Đến khi nước cạn, mới đem lọp xuống kênh đặt (gọi là lọp cặm) chuyên bắt cá lóc và cá trê vàng” – ông Hùng nhớ lại. Cái lọp đường giăng bện mình thưa nên bắt cá lớn, toàn thứ đặc sản. Bến đóng phải chọn lung sâu, đăng kéo dài vài chục thước, rồi xuống lọp bắt cá ăn mãn mùa.

Kênh xáng Ba Thê, Huệ Đức, Hai Trân, Trường Tiền… rất quen thuộc với dân đặt lọp đường giăng và lọp cặm thời bấy giờ. Nhắc tới mùa cá đồng, người lớn tuổi ở miệt vườn luôn nhớ con cá dầy (y chang như cá lóc, màu da lại giống cá bống tượng) cặp gấp nướng hoặc kho tiêu rất ngon. “Cỡ tuổi 25 - 30 ngày nay khó mà biết mặt con cá này. Nó là đặc sản đồng nước, người ta thường nói như thế” – ông Khưu Nhật Thành (núi Chóc, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) so sánh. Còn con cá heo thì khỏi phải chê, nấu canh chua, nướng tươi, kho tiêu… ăn cơm với gạo đỏ không có gì bằng. Dân dã, bắt được con cá thì ăn trước, mới tính chuyện bán sau. “Ở đây, bây giờ ít cá lóc, cá rô đồng. Còn cá trèn bầu, cá kết, cá éc, cá rầm… mần gì có. Mùa nước, phần nhiều vẫn là cá tạp, khác xa so với hồi trước” – bà Nguyễn Thị Sánh (ngã tư Kênh Làng, xã Tây Phú) cho hay.

Cá rô đồng cỡ trên hai ngón tay 60.000 đ/kg, tép rong 80.000 – 100.000 đ/kg, cá lóc 75.000 – 85.000 đ/kg… phổ biến ở các chợ nông thôn hiện nay, khiến người đánh bắt có nguồn thu nhập đáng kể. Các loại mè vinh, cá linh thì rẻ hơn chút ít, song sản lượng đánh bắt cũng chưa dồi dào. “Nước phân đồng, giăng lưới ban ngày, mấy thứ cá trắng ít dính, mà phải để ngâm ban đêm. Gặp lúc mưa nắng thất thường, con cá dường như ít di chuyển, giăng lưới cũng ít luôn” – ông Hoàng Văn Thắng (kênh 13, xã Núi Tô, Tri Tôn) chia sẻ kinh nghiệm. Sau đợt triều cường rằm tháng chín trở đi, sản lượng đánh bắt sẽ được nhiều hơn, do đây là thời điểm nước bắt đầu rút và cao điểm khai thác mùa cá đồng hàng năm.


Related news

Con Bò “Cứu” Cây Lúa Con Bò “Cứu” Cây Lúa

Để giảm thiểu tác động xấu do tình trạng nhiễm mặn gây thất thu cho nghề trồng lúa, nông dân xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi bò, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.

Saturday. June 29th, 2013
Khoai Lang Tây Hưng Ở Sơn La Khoai Lang Tây Hưng Ở Sơn La

Những năm gần đây, khoai lang đang được coi là cây trồng chủ lực ở bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu - Sơn La), bởi quy trình canh tác phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân.

Saturday. January 19th, 2013
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Bồ Câu Pháp Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Bồ Câu Pháp

Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng chị Lò Thị Tiên, đội 6, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn rạng rỡ, phấn khởi. Chị Tiên bộc bạch: “Đã mấy năm rồi, suốt ngày quanh quẩn với đàn chim bồ câu Pháp.

Saturday. June 29th, 2013
Làng Rau Những Ngày Vào Tết Làng Rau Những Ngày Vào Tết

Mùa này, có đi đến làng rau các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết mới thấy cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Mùa rau Tết cũng là lúc người trồng rau nghĩ đến chuyện tích lũy sau một năm lao động miệt mài…

Saturday. January 19th, 2013
Giám Đốc Chim Cút Giám Đốc Chim Cút

Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt.

Saturday. June 29th, 2013