Thị trường trái cây nhập khẩu rộn ràng, xuất khẩu gian nan
Xét về sự đa dạng cũng như độ ngon, trái cây Việt Nam luôn nhận được đánh giá tốt từ những đoàn khảo sát thị trường, giới kinh doanh lẫn du khách quốc tế.
Và mặc dù đã có rất nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu chuối, thanh long, xoài, vải... nhưng đến nay, trái cây Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài.
Trái cây ngoại: Đông kẻ bán, nhiều người
Mặc dù trái cây Việt Nam rất phong phú nhưng các doanh nghiệp kinh doanh trái cây ngoại vẫn "ăn nên làm ra" khi doanh thu tăng trưởng ổn định, lợi nhuận cao.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), 7 tháng đầu năm 2015, trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai quý đầu năm nay, Việt Nam đã chi 250 triệu USD để nhập khẩu rau củ quả, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ đạt 24,5 triệu USD (tăng 17%), Nam Phi đạt 8,2 triệu USD (tăng 182%), New Zealand đạt 5 triệu USD (tăng 36%), Chile đạt 3,6 triệu USD (tăng 27%)...
Riêng với Canada, theo ông David Devine - Đại sứ Canada tại Việt Nam, từ tháng 7/2014 - 6/2015, các sản phẩm nông nghiệp đã chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Canada sang Việt Nam.
"Chỉ 6 tháng đầu năm 2015, con số này đạt 190,9 triệu CAD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014" - ông David Devine cho hay.
Từ ngày 1/8/2015, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã mở cửa, cho phép nhập khẩu trở lại các loại trái cây là cam, quýt, và nho từ thị trường Australia sau hơn nửa năm dừng nhập khẩu ba loại này do dịch bệnh ruồi đục quả.
Đây được xem là những tín hiệu tích cực đối với các nhà nhập khẩu trái cây vào thị trường Việt Nam. Ghi nhận tại chợ đầu mối và các nhà bán lẻ Việt Nam, lượng trái cây ngoại nhập được phân phối tại thị trường Việt Nam mỗi tháng cũng không hề nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trung bình một đêm, lượng rau quả chuyển về chợ khoảng 2.700 tấn, trong đó, có 1.300 tấn trái cây (410 tấn là trái cây nhập khẩu), tương đương khoảng hơn 12.000 tấn trái cây ngoại/tháng.
Đại diện Lotte Mart cũng cho biết, hiện siêu thị đang nhập khẩu trái cây từ các nhà cung cấp Tony Tú Phượng, Rau Quả Bình Thuận với sản lượng trung bình 60 ngàn tần/tháng/mỗi đơn vị.
Nhìn nhận thực trạng trái cây ngoại nhập đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp chen chân kinh doanh, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, cho hay, do trái cây nhập khẩu đang có nhiều lợi thế như:
Xu hướng tiêu dùng trái cây sạch ngày càng tăng, người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy yên tâm về chất lượng trái cây nhập khẩu do xuất xứ từ những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với kỹ thuật canh tác cao và quy trình kiểm soát sản phẩm chặt chẽ.
"Mức thuế nhập khẩu trái cây hiện đang giảm rất nhiều. Một số loại trái cây thuế nhập khẩu gần như bằng 0, cộng với hàng rào nhập khẩu cũng không quá khắt khe như trái cây xuất khẩu nên "đất sống" của các công ty nhập khẩu càng lớn", ông Viên nói.
Cùng quan điểm, một nhà nhập khẩu trái cây cho hay, công tác kiểm định chất lượng trái cây ngoại nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay khá dễ.
Thông thường, kiểm định đầu vào chỉ dừng lại ở việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác chứ không giám sát được quá trình sản xuất, không biết người trồng có sử dụng hóa chất gì, cũng như thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình trồng và bảo quản.
Chia sẻ thêm, ông Viên nói, ước tính nhu cầu tiêu thụ của người Việt Nam mỗi ngày khoảng từ 0,5 - 1 kg rau quả tươi.
Như vậy, bình quân mỗi ngày thị trường sẽ cần đến vài chục ngàn tấn rau củ quả, trong khi hiện nay nhập khẩu chỉ mới vài chục phần trăm nên thị trường vẫn rất lớn và rất tốt cho các nhà nhập khẩu.
Vinamit cũng đang chuẩn bị mở rộng nhập khẩu trái cây tươi từ Mỹ như nho, táo, hạt dẻ... để phân phối theo mô hình chuỗi cửa hàng rau quả sạch tại Việt Nam.
Theo ông Ngọc Lê, chủ một cửa hàng trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM), dù giá bán trái cây nhập ngoại cao do phải cộng thêm hàng loạt chi phí như vận chuyển, bảo quản, trung gian, dự trù hư hao... nhưng vẫn đem lại lợi nhuận tốt.
Ông Viên cũng đưa ra tỷ lệ lợi nhuận của nhà nhập khẩu thường ít nhất là 10%, còn đơn vị bán lẻ thì đạt khoảng 40% - 50%.
Ông Hoàng Chí Cường, Công ty Nhập khẩu Trái cây NTN cũng tiết lộ, hầu hết các sản phẩm công ty nhập về đều bán hết, chưa năm nào bị tồn hàng, bị lỗ và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn mỗi năm từ 30% - 40%.
Trái cây nội: Èo uột ở xứ người?
Trái ngược với những kỳ vọng trái cây Việt Nam "rộng cửa" vào các thị trường kỹ tính như Nhật, Mỹ, Úc, New Zealand, là sự lo lắng của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trái cây Việt Nam.
Theo ông Lê Sĩ Công, Giám đốc Công ty TNHH Laba Đà Lạt (Lâm Đồng), khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư, xuất khẩu trái cây Việt Nam hiện nay là diện tích vùng nguyên liệu quá nhỏ và điều này khiến cho giá thành sản phẩm chưa thể cạnh tranh với trái cây ngoại.
"Ở các nước, vùng trồng trái cây được quy hoạch từ vài trăm đến vài nghìn ha thì tại Việt Nam chỉ khoảng vài chục đến 100ha và mạnh ai nấy làm", ông Công cho hay.
Để mở rộng diện tích, Laba Đà Lạt cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã chọn cách nhân rộng mô hình, vùng trồng thông qua việc hợp tác với nông dân.
Doanh nghiệp hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, thu hoạch để cùng nhân rộng diện tích vùng nguyên liệu nhưng kết quả là chất lượng trái không đạt như vùng trồng do chính doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Mặc dù có lợi thế về sự đa dạng của trái cây nhiệt đới nhưng có nhiều lý do khiến doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết lợi thế đó.
"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI đang rất muốn hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam phát triển vùng trồng cây ăn trái và xuất khẩu sang các nước, song do quỹ đất không có”, ông Công cho biết.
Theo đại diện của Laba Đà Lạt, thời gian qua, Công ty đã nhận được rất nhiều đơn hàng dài hạn (từ 5 - 10 container/tháng) từ các đối tác Nhật nhưng do không đảm bảo số lượng nên cơ hội đã vụt khỏi tầm tay.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tới 40 loại trái cây tươi đã xuất khẩu đến thị trường của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước ta năm 2014 đạt 1,477 tỷ USD (tăng hơn 37% so với năm 2013).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Hà Lan... Dù số lượng xuất khẩu không nhỏ nhưng điều đáng buồn là lâu nay, trái cây Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới.
"Không chỉ có chuối Laba Đà Lạt, nhiều loại trái cây khác dù đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ... nhưng đến nay đều trong giai đoạn thử nghiệm, chưa tạo được tiếng vang và chưa thực hiện được những đơn hàng lớn với thương hiệu chính danh", ông Công chia sẻ.
Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn nhất Việt Nam với diện tích vùng trồng đạt 900ha. Mỗi năm, Công ty này dành đến 80% sản lượng thanh long tươi xuất khẩu sang thị trường châu Âu và 20% còn lại cho các nước Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Mặc dù xuất khẩu chính danh thương hiệu Thanh Long Hoàng Hậu nhưng trước câu hỏi "Doanh nghiệp có hứng thú khi các thị trường kỹ tính như Nhật, Úc mở cửa cho trái cây Việt Nam?", ông Trần Ngọc Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu cho rằng không hấp dẫn.
Theo đại diện Thanh Long Hoàng Hậu, trái thanh long tươi khi vào Nhật cần phải xử lý nhiệt và chiếu xạ.
Cộng gộp hai chi phí vừa nêu với chi phí vận chuyển bằng đường hàng không và nhiều chi phí khác đã làm giá thành Thanh Long Hoàng hậu đội lên rất cao, không cạnh tranh được với trái cây các nước khác.
Với kinh nghiệm hàng chục năm cung ứng trái cây tươi cho hãng sữa Vinamilk, Dutch Lady, Dalat Milk..., ông Nguyễn Hữu Chung, nhà điều hành Công ty Phú Công Minh, đối tác của Công ty Orana (Đan Mạch), chia sẻ:
"So với các nước trong khu vực, trái cây Việt Nam được đánh giá ngon và phong phú nhưng lại không đồng nhất về chất lượng."
Đây được xem là nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam chưa tạo được dấu ấn trên "bản đồ trái cây thế giới".
Hơn nữa, việc quảng bá trái cây tại thị trường nước ngoài vẫn chưa được doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Cũng theo ông Chung, vài năm trở lại đây, việc quảng bá trái cây Việt Nam tại thị trường nước ngoài đã được triển khai nhưng chưa phổ biến và cũng chưa duy trì được liên tục.
Cụ thể, tại các khu chợ dành cho cộng đồng người Việt ở các nước, thỉnh thoảng bà con kiều bào nhìn thấy những bảng hiệu quảng cáo trái cây Việt Nam, nhưng chỉ vài ngày, vài tuần hoặc một tháng thì không thấy nữa. "Với cách làm như vậy thì trái cây Việt Nam rất khó để tìm chỗ đứng ở những thị trường này", ông Chung nói.
Related news
Dáng dấp chẳng khác gì những con ngựa lọc cọc kéo xe, thồ hàng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, hay ngựa giải trí - thể thao dành cho du khách đến cao nguyên Đà Lạt, thế nhưng, những con ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế có một nét khác biệt vì chúng sinh trưởng chỉ để thực hiện sứ mệnh… hiến máu cứu người.
Sáng 3/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán), một số chợ ở thành phố Long Xuyên (An Giang) hoạt động mua bán gà sống với tên gọi là “gà thả vườn” có số lượng hàng trăm con diễn ra khá nhộn nhịp.
Nghe cứ ngỡ là loại heo cảnh nhưng thực ra đó là đàn lợn có mẹ là giống lai kinh tế màu trắng được phối với con lợn đực to tới hơn 1 tạ có màu vàng da bò rất đẹp.
Trang trại gà của ông bà Sinh - Lan, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy - Hòa Bình) có doanh thu từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng/năm. Ảnh: Bà Lan chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại cho hộ cùng sở thích chăn nuôi.
Hiện nay, người chăn nuôi tuy sản xuất ra sản phẩm nhưng chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên thường bị ép giá. Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng của các công ty...