Thị Trường Thủy Sản Rối Loạn Vì Thương Nhân Trung Quốc

Rối loạn thị trường, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh là những hệ lụy từ cơn sốt thương nhân Trung Quốc tranh mua thủy sản ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung.
Với những ngư dân ngày ngày có mặt ở cảng cá Vĩnh Lương, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chuyện những thương nhân Trung Quốc tranh mua thủy sản không phải là mới vì từ cách đây nhiều năm, một số người Trung Quốc mà thoạt nhìn, người dân trong vùng nhầm là du khách - đã có mặt ở cảng cá Vĩnh Lương. Hoặc trực tiếp lựa chọn, ngã giá, hoặc thông qua một số đầu nậu để mua gom - đó là phương thức hoạt động của các thương nhân Trung Quốc khi mua thủy sản.
Cá hố - mặt hàng thủy sản thường có ở cảng Vĩnh Lương có những thời điểm giá tăng cao bất thường, hơn 30%, thậm chí gấp đôi so với giá bán thông thường. Đó là lúc thương nhân Trung Quốc mua gom cá hố. Tất nhiên, những đầu mối thu mua thủy sản trong nước không thể đẩy giá cao lên được, chấp nhận không mua được thủy sản.
Theo nhiều ngư dân, trong những vựa thu mua thủy sản có những thương nhân Trung Quốc đứng đằng sau, nhưng không ai xác định rõ ràng về mặt bằng chứng, bởi nhìn bề ngoài vựa nào cũng giống vựa nào, ai cũng nghĩ thủy sản được thu mua để bán ra các chợ.
Thương nhân nước ngoài tranh mua thủy sản đã khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu rơi vào cảnh khó khăn. Nhà máy chế biến tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh từ chỗ mỗi ngày mua vào 60 tấn tôm nguyên liệu, những tháng qua chỉ còn từ 10-15 tấn. Nguyên nhân không gì khác là các thương nhân nước ngoài hoặc trực tiếp lộ diện, hoặc thông qua các đầu mối trung gian ở trong nước tranh nhau mua tôm, đẩy giá tôm nguyên liệu cao hơn từ 15-20%.
Trong khi đó, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn ở trong nước đều khó có thể đưa ra mức giá thu mua tôm cao hơn so với các thương nhân nước ngoài.
Ông Nguyễn Trọng Thuận, Giám đốc điều hành sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh cho biết: “Thương nhân nước ngoài tranh mua thủy sản, xuất qua đường tiểu ngạch, trốn thuế thì lẽ đương nhiên họ có thể nâng giá thu mua cao hơn giá thực tế. Mức giá cao khiến cho không ít ngư dân ồ ạt sản xuất, thu gom nhiều mặt hàng thủy sản, đến lúc lượng nhiều thì phía thương nhân nước ngoài ngưng mua, hạ giá. Tình cảnh điêu đứng này đã từng xảy ra”.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, cái khó trong kiểm soát thương nhân Trung Quốc mua thủy sản ở các tỉnh miền Trung chính ở chỗ nghề cá chưa tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến lúc đưa thủy sản ra thị trường. Nhiều khâu, nhiều chặng trong quá trình đưa thủy sản ra thị trường càng khiến cho việc kiểm soát sự thao túng của thương nhân nước ngoài trở nên khó khăn.
Đó là chưa nói không ít mặt hàng thủy sản lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, càng tạo kẽ hở cho một số thương nhân Trung Quốc núp bóng, gây sức ép thị trường. Ví như mặt hàng tôm hùm ở các tỉnh miền Trung, hơn 2.000 tấn mỗi năm, nhưng 80% xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, phần lợi không thuộc về ngư dân, cũng không thuộc về những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Related news

Trong đợt đầu tiên, TP. Nha Trang có 5 chủ tàu được duyệt vay hơn 138,6 tỷ đồng để đóng mới 8 tàu, nâng cấp 2 tàu. Trong 8 tàu đóng mới, Công ty TNHH Lê Trứ (gọi tắt là Công ty Lê Trứ, phường Vĩnh Phước) được phê duyệt 6 tàu đều là vỏ sắt, gồm 4 tàu dịch vụ thủy sản có công suất 829CV, 2 tàu lưới vây có công suất 1.200CV. Tổng nhu cầu vốn vay của Công ty đến hơn 115,5 tỷ đồng.

Trong các loại cá nước ngọt, cá trắm đen được xếp là một trong những loại cá quý nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều địa phương đã chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp như một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.

Vào mỗi mùa thả cá giống, số lượng cá cung cấp trên thị trường có rất nhiều chủng loại, kích cỡ và có nguồn gốc từ rất nhiều cơ sở cung ứng khác nhau. Do vậy, việc quản lý được chất lượng, kích cỡ cá giống là không hề dễ.

Trung bình trang trại xuất khoảng 1.500 con heo giống/tháng, tăng khoảng 30% so với năm ngoái nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu người mua. Hiện đã qua thời điểm tăng đàn phục vụ cho thị trường tết, nhưng danh sách người đặt chờ mua con giống vẫn khá nhiều”.

Phối tinh phân ly giới tính cho bò sữa đã được nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Úc… và các nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc ứng dụng có hiệu quả. Hiện nay, ở các nước tiến tiến với các trang trại lớn đã sử dụng 100 % tinh phân ly giới tính nên chất lượng đàn bò rất cao.