Thêm Thu Nhập Nhờ... Lá Rừng

Các loại rau, lá rừng ở Cù Lao Chàm giúp cho nhiều hộ dân có thêm thu nhập ngoài nghề biển.
Mới bước chân lên đảo, chúng tôi gặp ngay chị Phạm Thị Tiến với rổ rau xanh mướt trên tay đi chào mời khách du lịch. Quê ở Đại Lộc, chị làm dâu trên đảo.
Nhờ được bố mẹ chồng truyền kinh nghiệm nên chị nắm rất rõ những loại rau rừng cần hái. Theo chị Tiến, rau và lá rừng có hàng chục loại khác nhau nên người hái phải nắm vững từng loại nếu không sẽ nhầm. Với rau rừng, ngon nhất là rau bướm, rau dớn, rau chọi, rau cu, rau sân...
Chị Tiến cho biết, nếu rổ rau rừng mà thiếu rau sân thì chưa thể coi là món rau rừng hoàn hảo.
Chị Tiến cho biết: “Rau rừng hái về chủ yếu nhập cho các nhà hàng, quán ăn. Nhưng đến mùa khách ra đảo đông, chúng tôi tranh thủ giới thiệu bán trực tiếp cho du khách, vừa để quảng bá sản phẩm đặc biệt của đảo vừa bán được giá hơn”. Được biết, mỗi ký rau rừng có giá khoảng 100 - 120 nghìn đồng.
Một buổi lên rừng, một người có thể kiếm được từ 1 - 2kg rau rừng. “Thu nhập tuy không cao nhưng nếu chịu khó thì cũng có được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học” - chị Tiến chia sẻ.
Ngoài rau rừng, chị Tiến cũng hái thêm cả lá rừng về phơi khô đem bán cho khách du lịch. Nước lá rừng ở đảo được nhiều du khách ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng rất dễ uống. Nhiều người tin rằng, nước lá rừng Cù Lao Chàm còn có thể chữa được bệnh.
Vợ chồng ông Nguyễn Năm (ở thôn Cấm) đều đã hơn 60 tuổi, có nhiều năm lên rừng tìm lá, nhưng nghề chính của ông bà vẫn là nghề biển. Mùa này biển lặng, dễ đánh bắt nên sáng nào ông bà cũng cùng nhau ra biển giăng lưới, sau mang cá vào bán cho khách du lịch.
Buổi chiều rảnh rỗi, ông Năm lại cùng vợ lên rừng tìm lá để kiếm thêm thu nhập. “Nhiều tuổi rồi nhưng cũng phải tranh thủ làm thêm để dành dụm lúc ốm đau. Với lại đang mùa đảo thu hút khách nên phải tranh thủ để kiếm thêm thu nhập” - ông Năm chia sẻ.
Giống như rau rừng, lá rừng cũng có hàng chục loại khác nhau, như lá sập, bồ tru, bồ đề, lá riêng… mỗi thứ một ít, được chặt nhỏ, đem phơi khô rồi trộn vào nhau thành thứ nước lá rừng đặc trưng. Mỗi bao lá rừng “thập cẩm” phơi khô được bán với giá 10 nghìn đồng.
Theo người dân, nước lá có tác dụng giúp ăn ngủ ngon, da đẹp, mát gan… Nhờ nước lá có mùi thơm, dễ uống nên hiện nay được rất nhiều du khách ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một du khách lần đầu ra Cù Lao Chàm, chia sẻ: “Ra đảo không chỉ được ngắm nhìn cảnh vật, chứng kiến những hoạt động của người dân trên đảo mà tôi còn đặc biệt ấn tượng với loại rau rừng đặc sản và mùi thơm của nước lá rừng Cù Lao Chàm”.
Related news

Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, những chuyến đi biển của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa hầu hết đều trúng đậm cá ngừ đại dương.

Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước và trong tổng diện tích 579.669ha rừng của tỉnh hiện nay có gần 133.000ha rừng thông tự nhiên.

Những ngày giữa tháng Giêng, trong khi các ngành nghề khác tranh thủ vào vụ sản xuất mới thì những người nuôi tôm ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) bước vào vụ thu hoạch.

Thương lái hoa quả miền Nam đang đổ xô chở hàng về cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), xuất bán sang Trung Quốc. Nhưng giao thương ách tắc cục bộ, hàng nghìn xe đan xen nối đuôi nhau chờ thông quan. Nhiều ngày nay, chủ hàng, chủ xe đỏ mắt chờ đến lượt.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), trong vụ nuôi tôm đợt I năm 2014, dự kiến Tuy An sẽ đưa vào thả nuôi khoảng 350ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã xuống giống được hơn 127ha, trong đó có hơn 110ha tôm thẻ chân trắng và 17ha tôm sú.