Thêm Sức Sống Cho Đồng Ruộng
Vai trò không thể phủ nhận của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và cây trồng, giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nguồn nước, làm cho lương thực, thực phẩm được an toàn. Những ưu điểm này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng để đem về sức sống cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Phân bón là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, đã từ lâu, đa số nông dân đều sử dụng phân hóa học vì tính tiện lợi của nó. Mặc dù phân bón hóa học đã giúp tăng thêm sản lượng cho cây trồng nhưng trên thực tế, phân bón này không hề cung cấp đủ dinh dưỡng theo khuyến cáo.
Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, cây trồng chỉ hấp thụ được một phần nhỏ lượng phân bón, phần còn lại sẽ bị thất thoát như bị các thành phần hóa học khác hấp thụ, bị kết tủa, kìm hãm trong đất hoặc bị nước rửa trôi. Chính phần thất thoát này là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, gây thoái hóa đất; nguồn nước có nhiều độc hại; hệ sinh thái biến đổi; hệ sinh vật có trong đất bị hủy diệt; chất lượng nông sản kém an toàn,… dẫn đến cuộc sống con người không đảm bảo.
Mong muốn giải bài toán này, 3 năm qua, thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen Cầu Đúc ở Hậu Giang”.
Trong khuôn khổ dự án, chủ nhiệm đã thực hiện mô hình xưởng sản xuất phân hữu cơ khoáng (làm từ than bùn) và phân hữu cơ vi sinh (làm từ bã bùn mía, phân gà) tại thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A để bón cho cây khóm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua mô hình, đã sản xuất được phân hữu cơ bón cho cây khóm, giúp nhà nông giảm được giá thành sản xuất, tận dụng được phế phẩm, phục hồi năng lượng cho đất, đem lại độ tơi xốp, cũng như tránh lãng phí nguồn phân xanh hữu dụng mà nông dân đốt bỏ như trước kia.
Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, nhận định: “Tham gia dự án giúp tôi mở mang kiến thức khoa học vì được các kỹ sư hướng dẫn làm phân hữu cơ từ bã mía, thân khóm, phân gia cầm. Nông dân tham gia dự án ai cũng thích và nói với nhau rằng sẽ tiếp tục làm phân hữu cơ bón cho cây trồng để giảm chi phí đầu tư và tận dụng lại phế phẩm, bảo vệ môi trường”.
Sản phẩm phân bón hữu cơ có tác dụng và hiệu quả cao trong việc cải tạo đất, tăng cường sự chuyển hóa và hấp thụ dinh dưỡng cho cây, tái tạo độ mùn, giữ ẩm và tiêu độc cho đất; cây trồng vì thế sẽ phát triển một cách bền vững, năng suất và chất lượng nông sản được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, qua dự án, sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP mà số lượng khóm loại 1 được tăng lên. Nếu như trước đây, khóm loại 1 đạt từ 60-70%/ha thì hiện tại tăng lên từ 80- 90%/ha.
Đánh giá kết quả bước đầu về mô hình, ông Lâm Trường Thọ, Phó Giám đốc HTX Thạnh Thắng, cho rằng: Bước đầu thử nghiệm trồng khóm với phân hữu cơ có những dấu hiệu đáng mừng vì kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt về độ phát triển của cây, trái khóm theo chiều hướng tốt.
Nhân đây, bà con đã tiếp cận được với những sản phẩm mới, quy trình mới, có tính khoa học cao, cho nông sản sạch chất lượng cao, tăng thu nhập cho nhà nông. Vì vậy, bà con rất phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ mà dự án tạo ra.
Như vậy, với công suất 2 tấn/giờ, đạt 300 tấn/năm, sản xuất đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xưởng sản xuất phân hữu cơ sẽ đảm bảo phần lớn nhu cầu phân bón cho vùng khóm nói riêng và các loại nông sản khác sản xuất theo hướng VietGAP trong tỉnh nói chung.
Nhất là hiện nay, giá phân bón tăng không ngừng, việc xây dựng mô hình và sản xuất khóm theo hướng an toàn không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới, một cách làm mới cho nông dân. Đó là cách sản xuất bền vững nhất vì vẫn giúp đất giữ được sức sống lâu bền, giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, tạo dựng nền tảng vững bền cho một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn.
Related news
Đồng Văn là xã trồng nhiều hồi nhất ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) với khoảng 2.000ha. Những năm qua, ý thức được việc phải khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để trồng hồi, quế.
Nhận thấy cây dưa hấu mang lại lợi nhuận cao với mức lãi ròng đạt gần 100 triệu đồng/ha chỉ sau hơn 3 tháng canh tác, thời gian qua trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) nhiều người dân đã đổ xô trồng dưa hấu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2014 ước đạt 606.000 tấn với giá trị 278 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 3,86 triệu tấn và 1,75 tỷ USD, giảm 7,9% về khối lượng, và giảm 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn làm nhân. Vì thế, trước những tín hiệu hết sức khả quan về giá cả của cà phê, hầu hết các hộ trồng cà phê đã tập trung vốn để mua vật tư nông nghiệp đầu tư, chăm sóc cho cây cà phê.
Ngày 1/4/2014, Công an TP. Bạc Liêu đã dẫn giải Lâm Tuấn Kiệt (26 tuổi, ngụ phường 8, TP. Bạc Liêu) và Trần Chí Nguyện (22 tuổi, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) đến xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông dựng lại hiện trường trộm tài sản.