Triển vọng mô hình nuôi cá mú Trân Châu tại huyện đảo Phú Quốc
Cá mú Trân Châu
Những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng hải sản nuôi truyền thống như cá bóp, cá mú sao, cá mú đen, ốc hương...
ngư dân huyện đảo Phú Quốc đã từng bước đưa vào nuôi các đối tượng hải sản mới có giá trị kinh tế cao như hải sâm, cá chẽm, cá mú Trân Châu...
Trong đó, mô hình nuôi cá mú Trân Châu lồng bè bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Dám, ngụ tại ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, là người có tiếng nuôi cá lồng bè trên biển lâu năm trong ấp cho biết: Vào tháng 10 năm 2014, ông thả nuôi 1.500 con giống cá mú Trân Châu, kích cỡ cá giống từ 6 - 8cm.
Mặc dù lần đầu tiên nuôi thử nghiệm, nhưng cá mú Trân Châu thích nghi tốt với điều kiện môi trường tự nhiên vùng ven biển của địa phương nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh.
Sau hơn 08 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 75%, trọng lượng cá đạt từ 0,8 - 1 kg/con, sản lượng thu hoạch khoảng 1,4 tấn.
Với giá bán từ 210.000 - 220.000 đồng/kg, ông thu được 310 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi 160 triệu đồng.
So với các đối tượng nuôi truyền thống thì mô hình nuôi cá mú Trân Châu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Ông Dám cho biết thêm, sau khi thu hoạch hết vụ cá nuôi thử nghiệm đó, ông đã tiếp tục đầu tư nuôi cá mú Trân Châu với số lượng nhiều hơn, bởi dù là đối tượng nuôi mới nhưng cá mú Trân Châu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng.
Sau thành công của vụ nuôi thử nghiệm, ông Dám đã tích lũy thêm một số kinh nghiệm nuôi cá lồng bè nói chung và kỹ thuật nuôi cá mú Trân Châu nói riêng.
Ông Dám chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá mú Trân Châu: Chọn vị trí nuôi tại các vùng eo vịnh ít sóng gió.
Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp tươi, rửa sạch ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để hạn chế mầm bệnh.
Thức ăn được rửa, cắt nhỏ phù hợp với miệng cá và cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát.
Định kỳ sử dụng vitamin C và men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá.
Định kỳ 10 – 15 ngày tắm cá để hạn chế mầm bệnh.
Thường xuyên vệ sinh lồng lưới và định kỳ 1 – 2 tháng thay lưới một lần.
Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng.
Định kỳ phân cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả.
Cá mú Trân Châu rất dễ bị bệnh lở ghẻ, bệnh sán lá da và đĩa bám.
Cá bị bệnh sán lá da hoạt động không bình thường do ngứa ngáy, giai đoạn cuối thường nổi lờ đờ trên mặt nước.
Trường hợp nhiễm nặng, cá bệnh thể hiện đục mắt, suy kiệt sức khoẻ mà chết.
Bệnh thường xuất hiện vào thời gian giao mùa.
Để xử lý bệnh, dùng formol 200 ml/m3 từ 15 - 20 phút và sục khí mạnh hoặc tắm cá trong nước ngọt từ 10 - 15 phút.
Hiện nay, trên toàn huyện Phú Quốc có gần 20 hộ nuôi cá mú Trân Châu lồng bè.
Mặc dù mô hình thử nghiệm nuôi cá mú Trân Châu lồng bè đã đạt được những thành công bước đầu và đầu ra sản phẩm ổn định, tuy nhiên một yếu tố khiến không ít nhà quản lý chuyên môn trăn trở, đó là tình hình dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nếu mô hình này triển khai nuôi rộng rãi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là đối tượng nuôi mới tại huyện đảo Phú Quốc nên người dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi từ cách chọn giống đến chăm sóc - quản lý, phòng và trị bệnh cho cá để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành công của mô hình nuôi cá mú Trân Châu lồng bè trên biển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đối tượng hải sản nuôi, mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.
Related news
Huyện Thống Nhất có khoảng 3.300 hécta đất đồi đá thuộc các xã: Quang Trung, Gia Tân 3... trước đây chủ yếu chuyên canh cây chuối vì chịu được khô hạn. Từ khi chương trình nông thôn mới đưa điện về tận các thôn, ấp, đảm bảo phục vụ sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích những cây trồng cho hiệu quả cao.
Trong các năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như: cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch để khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm. Tuy nhiên kết quả vẫn còn thiếu chặt chẽ và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
“Nếu gây ô nhiễm môi trường thì người chịu đầu tiên trước hết chính là gia đình nhà tôi, sau mới đến các gia đình hàng xóm. Vì vậy khâu xử lý vệ sinh môi trường xung quanh trong chăn nuôi đối với tôi và cả gia đình là điều vô cùng quan trọng”- ông Tiến chia sẻ khi nói về bí quyết thân thiện với môi trường của khu VAC trên cao.
Ông Hồ Văn Ri- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Pô Thi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang) là người đầu tiên trong vùng đưa cây thanh long ruột đỏ lên vùng đất Bảy Núi.