Thê Thảm Giá Gia Cầm
Hiện nay, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại các trang trại chỉ còn trung bình từ 600 - 900 đồng/quả, giá thịt gà từ 40.000 đồng/kg rớt xuống 27.000 -28.000 đồng/kg.
Dùng dịch cúm để ép giá?
Sáng 25.2, ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ ở Hố Nai (Đồng Nai), cho biết: “Gia đình tôi vừa bán hơn 70.000 quả trứng gà cho các thương lái ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận với mức giá chỉ còn 600 - 900 đồng/quả. So với hồi đầu tháng 2, mỗi quả trứng đã giảm 400 đồng, giá này tôi sẽ lỗ từ 450 - 500 đồng/quả”.
Nhiều người chăn nuôi khác cũng cho biết họ được các thương lái, nhất là một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm tại TP.HCM giải thích rằng dịch cúm gia cầm tác động rất lớn đến thị trường, người dân e sợ không dám ăn trứng nên giá giảm sâu. Điều đáng nói là những thông tin này đã được "bóng gió" tung ra từ khá lâu trước đó. “Họ giải thích thì chúng tôi biết vậy thôi vì nếu không bán cho họ thì biết đổ trứng đi đâu”, bà Hải - chủ trại gà đẻ ở TP.Tân An (Long An) cho biết.
Với giá bán chưa đến 1.000 đồng/trứng, mỗi ngày gia đình bà Hải đang bị âm tới 12 triệu đồng để duy trì đàn gà đẻ hơn 60.000 con. “Đó là tui chưa tính tiền công cán, thuốc men, khấu hao gà giống bởi trước đây phải bỏ ra 150.000 đồng/con nhưng nay bán gà xác chỉ được 60.000 đồng!”, bà Hải nói thêm.
Giá trứng giảm, giá gà thịt còn giảm thê thảm hơn vì người chăn nuôi gà đã chịu lỗ suốt nhiều tháng nay. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai), bộc bạch: “Tình hình tiêu thụ gia cầm sa sút hẳn từ khi có thông tin dịch bệnh.
Giá gà lông tam hoàng bình thường trên 40.000 đồng/kg hiện nay đã giảm còn 27.000 - 28.000 đồng/kg nhưng vẫn ít người mua”. Nhiều chủ trang trại nuôi gà tam hoàng tại Đồng Nai cũng than thở vì gà hiện đang dồn ứ quá nhiều, không bán được. Thương lái chỉ trả 27.000 đồng/kg vẫn phải bán. Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Cần công bố các cơ sở chăn nuôi an toàn
Ngày 25.2 Sở NN-PTNT TP.HCM đã họp về công tác phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh để phối hợp phòng chống dịch và kiểm soát gia cầm an toàn.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM Phan Xuân Thảo nhận định: “Mặc dù TP.HCM và các tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng đến nay việc cung cấp thông tin kiểm dịch xuất tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn còn tình trạng giết mổ vịt không theo dây chuyền công nghiệp, giết mổ gà và vịt trong cùng một cơ sở giết mổ, là nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm từ vịt sang gà tại cơ sở giết mổ rất cao”.
Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị các tỉnh nên kịp thời cung cấp thông tin dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi xảy ra ổ dịch ở vùng giáp ranh, cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh để phối hợp kiểm tra giám sát khi TP tiếp nhận nguồn gia cầm đưa vào giết mổ.
Để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả và tránh tình trạng người chăn nuôi bị thương lái ép giá, việc công bố rộng rãi các cơ sở chăn nuôi an toàn hiện đang rất cần thiết.
Related news
Đây là phương pháp mới lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh ta. Việc sử dụng máy phun mưa nhân tạo đã giảm tỷ lệ cá chết do thiếu ô xy, nâng cao mật độ thả cá trên một diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Việc nuôi chim bồ câu Pháp của anh Hồng bắt đầu từ năm 2012. Sau khi tình cờ đọc được mô hình nuôi bồ câu Pháp trên một tờ báo, nhận thấy đây là một mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của địa phương, anh quyết định vào Quảng Nam mua 30 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp giá 450 nghìn đồng.
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi động vật hoang dã của người dân có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ nuôi lợn rừng, nhím, chồn hương, chim trĩ… anh Nguyễn Hữu Khởi ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du - Bắc Ninh) lại chọn cho mình một vật nuôi khác, đó là chim công. Bước đầu mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, nhờ chương trình hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có điều kiện phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình thâm canh bò thịt chất lượng cao được Trạm Khuyến nông (KN) huyện Vĩnh Thạnh triển khai trong năm 2014 tại xã Vĩnh Thịnh là một điển hình.
Tây Nguyên là xứ sở của các loại cây công nghiệp dài ngày với nguồn phấn hoa vô tận tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong. Bên cạnh đó, đàn ong còn là tác nhân thụ phấn hữu hiệu cho cây trồng, góp phần làm tăng năng suất (khoảng 20%) và cải thiện chất lượng nhiều loại nông sản.