Thất mùa đóng đáy cá linh
Hộ làm nghề đóng đáy trên sông phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đấu thầu mặt nước, thuê nhân công, mua dụng cụ. Chấp nhận sống bằng nghề “bà cậu” nên lời lãi phụ thuộc vào con nước.
Ông Trần Văn Hận ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) có hơn 15 năm trong nghề đóng đáy cá linh cho biết: “Để đóng được đáy hàng năm phải đấu thầu.
Năm nay, tôi trúng thầu đường ven hạng nhất vì nằm ngay đoạn đầu trên sông với giá 650 triệu đồng cho một gian đáy khai thác cá. Năm vừa rồi, do mùa đánh bắt thuận lợi cá linh về nhiều nên có lãi, còn năm nay giá thầu ở mức cao mà lượng cá linh lại ít”.
Chúng tôi cùng ông Hận xuống xuồng máy ra giữa dòng sông để cảm nhận được đánh bắt cá linh mùa nước nổi. Chiếc xuồng máy vừa tấp vào túi đáy đầu tiên, 3 anh em nhân công nâng túi đáy từ từ lên mặt nước.
Mùa lũ năm nay không chạy đáy cá linh nên nhiều người lỗ nặng
Ông Hận nói: “Cái túi này chắc được khoảng hơn 5 kg giảm hơn thời điểm một tháng trước rất nhiều, còn so với năm vừa rồi thì giảm đến 20 - 30 kg/lần đổ. Thường thì cứ cách nhau khoảng 20 - 30 phút đổ đáy một lần, nhưng vì ít cá nên giờ cách nhau cả tiếng đồng hồ. Nếu tình hình cá linh thất thu như vậy, vụ này có thể lỗ vày trăm triệu đồng như chơi".
Còn anh Nguyễn Văn Nẩy ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội làm nhân công đóng đáy cho biết: “Cá linh đầu mùa thường chạy theo luồng chứ không đợi đến việc trời mưa hay nắng.
Những năm trước đây, nếu trúng một luồng cá là đã đầy túi, đổ không kịp có thể cả giàn đáy bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng chuyện đó bây giờ rất khó diễn ra vì lượng cá ngày càng ít. Cứ mỗi ngày hứng được chừng 300 - 400 kg là dữ lắm rồi”.
Sản lượng đánh bắt cá linh ngày một giảm dần
Theo thiết kế, miệng đáy được đặt sát mép nước và sâu khoảng 5 m. Túi đáy dài khoảng 60 m có thể chứa từ 500 - 600 kg cá. Những ngày cá chạy nhiều, cứ 20 phút đổ đáy 1 lần và làm liên tục trong 24 giờ. Mỗi lượt đi đổ đáy cần đến 4 - 5 người.
Theo anh Nẩy, năm nay nước lũ về sớm nhưng cá lại ít vì nước lên vội, cá tản đi nơi khác. Đợt cá linh non đã thất thu, chỉ còn đợi đợt cá linh già nhưng lượng thủy sản ngày một ít nên mùa lũ này coi như làm không công, thậm chí lỗ nặng.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ cần 3 người là có thể làm được. Ông Hận cho hay, khi nào nước lũ tràn đồng thì dân nghèo mới có thể bắt được cá linh bằng cách đặt dớn, đú và lợp... còn những người đánh bắt cá trên sông bằng đáy thì cần phải có số vốn lớn, có thể lên đến cả tỷ đồng.
Nhiều người làm đáy cá linh nhận định, nguồn thủy sản ngày giảm đi, đặc biệt là cá linh. Mùa cá linh bắt đầu từ tháng 7 - 11 (âm lịch) hứng cả cá linh non và già.
Anh Trần Văn Phú làm nghề đóng đáy cùng ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông nói: "Với mỗi gian đáy phải thuê 8 công nhân làm, mỗi tháng chi phí 3 triệu đồng/người/tháng.
Nhưng bình quân mỗi ngày 1 gian đáy chỉ hứng được từ 100 - 200 kg/ngày. Giá bán đầu vụ (cá linh non) lên hàng chục ngàn đồng/kg nhưng đến hiện tại 12.000 đ/kg. Còn cá linh chết thì bán cá mồi chỉ 6.000 đ/kg. Thường thì trong quá trình đánh bắt cá chết khoảng 30%".
Cá linh chết bán thành cá mồi chỉ có 6.000 đ/kg
Năm nay những người đánh bắt cá ngoài tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, mỗi ngày với một giàn đáy kéo cũng được 500 kg - 1 tấn cá linh, còn hiện tại số lượng giảm đi 4 - 5 lần nên không đủ để bù vào chi phí trả nhân công.
Related news
Từ một gia đình nông dân (ND) “chỉ lo đủ gạo ăn” ở vùng “khỉ ho cò gáy” tận Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang), vợ chồng Nguyễn Quốc Hùng đã vươn lên thành “Vua lúa” với trang trại sản xuất lúa giống qui mô lớn.
Đó là một trong những nội dung tại văn bản vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành gửi Sở NN-PTNT và các địa phương có trồng cây chè trong tỉnh.
Việc cuối tuần qua Bộ Tài chính loan báo cắt bỏ 13 loại phí, lệ phí thú y vốn đổ lên đầu các sản phẩm chăn nuôi đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các DN cũng như người chăn nuôi cả nước.
Vừa qua, tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đã tổ chức đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Mỹ là thị trường đứng đầu, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng lại sụt giảm mạnh nhất. Bên cạnh đó xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và EU giảm lần lượt 18,6% và 15,2%...