Thấp Thỏm Vụ Tôm Ở Trường Định (Đà Nẵng)
Chỉ hơn chục ngày nữa, cánh đồng nuôi tôm ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Đà Nẵng) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, lo lắng nhất của người dân là làm sao có nguồn điện ổn định phục vụ cho những ngày nước rút…
Thiệt hại vì điện yếu
Ngày thu hoạch chưa tới, nhưng cách đây một tuần hộ ông Trần Thanh Chức phải súc hồ sớm vì tôm chết hàng loạt. Theo quy trình, tôm đạt 80 - 90 ngày tuổi mới xuất bán, còn tôm của ông Chức chỉ trên 60 ngày đã phải bán tháo vì hồ tôm nằm ở cuối đường dây nên điện tải yếu. Nhiều người tính toán, nếu không xảy ra sự cố tôm chết, với 4 - 5 tấn tôm trong hồ, ông Chức sẽ thu trên dưới 500 triệu đồng, giờ đây ông chỉ thu non được 2 tấn tôm trị giá 160 triệu đồng. Vụ này coi như lỗ nặng.
Người dân phán đoán, tôm năm nay được giá vì dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, riêng tôm Trường Định phát triển khá thuận lợi. Không ít người tin tưởng sẽ thắng lớn trong vụ này, song cận kề ngày xuất bán lại gặp rủi ro bởi nguồn điện chập chờn. Ông Trương Đình Nam (hộ có diện tích nuôi 6.000m2) cho biết, giai đoạn cuối khi tôm được 60 ngày tuổi trở đi phải ưu tiên dùng điện để chạy máy quạt nước, cung cấp ôxy giúp tôm thở dễ dàng. Buổi sáng chạy máy chừng 3 tiếng đồng hồ, buổi chiều 3 tiếng đồng hồ, còn ban đêm sục máy khoảng 12 tiếng. Nhu cầu dùng điện trong thời điểm này rất lớn nhưng vừa qua nhiều hộ nuôi tôm “điêu đứng” vì điện yếu. Tính trung bình một hồ tôm có diện tích 3.000m2 cần dùng đến 4 máy sục công suất 2,5kW/máy, vì thế nhu cầu tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm rất lớn (buổi đêm) do các máy đều phải hoạt động hết công suất.
Ông Mai Phước Binh, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm Trường Định, nhận định: “Vụ tôm này trúng vào mùa hè thời tiết rất nóng khó có thể tiết kiệm điện sinh hoạt, nhà nào khởi động mô-tơ trễ là không chạy được. Nếu do thời tiết thì đành chấp nhận, còn đây nguyên nhân tôm chết do nguồn điện không bảo đảm thì bà con không bức xúc sao được”. Theo thống kê của Chi hội, trong tháng qua hầu như hộ nào cũng bị cháy 1-2 cái máy, cá biệt có hộ cháy tới 5 cái như hộ ông Hồ Văn Hổ. Đến nay đã có 25 mô-tơ quạt nước và 4 mô-tơ bơm nước bị cháy, ước tính trị giá khoảng 75 triệu đồng. Thiệt hại này người nuôi tôm đang phải gánh chịu và họ luôn âu lo vụ này chỉ lấy công làm lãi, không lỗ đã là may mắn.
Đã khắc phục, nhưng…
Cầm cố sổ đất, sổ nhà và dốc hết vốn liếng xuống hồ tôm, hàng chục hộ dân Trường Định không khỏi thấp thỏm lo lắng. Ông Hồ Văn Hai, hộ nuôi tôm bức xúc nói: “Tập thể bà con chúng tôi đã có tờ trình gửi UBND xã từ hơn nửa tháng trước nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Nhìn hồ tôm của ông Chức mọi người bàn đủ phương án mà vẫn “ăn không ngon ngủ không yên”. Cho tới hôm Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết tổ chức gặp các hợp tác xã bàn biện pháp tìm đầu ra cho hàng nông sản, Chi hội có kiến nghị việc này và sau đó mới có người của điện lực xuống xử lý sự cố”.
Cùng phóng viên xuống cánh đồng tôm vào chiều 14/5, ông Ngô Văn Sa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, cho hay vừa qua Hội có nghe các hộ nuôi tôm kêu ca, phàn nàn về tình trạng điện quá tải và hiện tượng tôm chết là có thật. Về kỹ thuật, nếu không vận hành được các mô-tơ sục khí ôxy cho hồ tôm là bà con nông dân mất trắng công sức và tiền bạc nên xã cũng hết sức “nóng ruột” chờ ngành điện lực khắc phục.
Thông tin về sự cố điện trong những ngày qua, ông Lê Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh Điện lực quận Liên Chiểu, xác nhận: Ngay khi nhận được phản ánh của bà con nông dân, ngành điện lực đã cử nhân viên xuống kiểm tra tình hình. Khi phát hiện điện áp thấp đơn vị đã gặp gỡ chính quyền xã, thôn bàn nâng cấp trạm và cải tạo lưới điện, giải quyết tạm thời sự cố. Trong thời gian tới, ngành điện có kế hoạch đầu tư trạm điện với nguồn vốn 1 tỷ đồng để phục vụ cho vùng nuôi tôm. Thực tế, từ sau Tết được giải ngân nguồn vốn vay từ ngân hàng, số hộ nuôi tôm ở thôn đã tăng từ 11 hộ lên 23 hộ khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng đột xuất.
Trên diện tích 16ha, 23 hộ nuôi tôm ở thôn Trường Định hứa hẹn cho thu hoạch ước 40 tấn tôm thành phẩm với doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Hiện tại nguồn điện đã tạm ổn định, nhưng về lâu dài người dân và ngành điện lực phải chủ động hơn nữa trong các vụ tôm tiếp theo.
Related news
Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.
Trước tình hình giá mía bấp bênh như hiện nay, việc chuyển đổi một phần diện tích mía nằm ngoài vùng đê bao và vùng trũng sang trồng bưởi Năm Roi và chanh không hạt sẽ là hướng đi mới cho người trồng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang). Theo đó, vùng nguyên liệu dự kiến bước đầu sẽ được triển khai thí điểm khoảng 50ha bưởi Năm Roi và chanh không hạt.
Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.
Từ năm 2007 đến nay vợ chồng anh Sáu Phù Sa ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn liên tục trồng 10 sào sen ở đầm Mông Lãnh. Từ lúc chuyên canh sen, cuộc sống của gia đình anh không còn khó khăn như trước. Anh Sáu cho biết, những năm qua nhờ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, củ giống chất lượng cao nên lứa sen nào cũng bội thu.
Hiện nay, 3.300/3.500ha lúa hè thu chính vụ của huyện Núi Thành đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, một số trà muộn ở thời kỳ cuối đẻ nhánh.