Nghề trúm lươn ở Yên Thành (Nghệ An)
Đặc sản lươn đồng Nghệ An nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc nhưng ít ai biết để có món lươn đặc sản đó, người nông dân đã vất vả sớm hôm. Yên Thành là vựa lúa của tỉnh và cũng nổi tiếng là vựa lươn. Một ngày cuối tháng 7, theo chân chị Nguyễn Thị Hoa và chị Phan Thị Tình ở xóm 2 Xuân Thành, chúng tôi ra cánh đồng chợ Gám. Lúa hè thu đang thì xanh mơn mởn. Mấy ngày mưa đồng ruộng xâm xấp nước, lươn cá vì thế cũng khá.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa - người theo nghề đã 7 - 8 năm nay thì hiện đang là thời điểm nông nhàn nên để có tiền chuẩn bị cho con sắm sanh vào năm học mới, các chị lại rủ nhau đi bắt lươn đồng. Cứ mỗi chiều từ 4 - 6h, các chị lại đi đặt trúm, mỗi lần như thế đặt khoảng 100 - 150 trúm. Sáng ra, khoảng 4 - 5 giờ sáng, các chị lại đi gom. Để đánh bắt được lươn, khâu quan trọng nhất là mồi. Lươn có đặc điểm là trú dưới bùn vào ban ngày, đêm mới ngoi lên kiếm ăn. Chúng rất thích các loại mồi như cá, ốc băm nhuyễn, đặc biệt là trùn đất.
"Những hôm nay 1 trúm có đến cả chục con lươn nhưng cũng có những trúm chỉ được vài ba con, thậm chí là không có con nào.” - chị Hoa cho biết.
Được biết, trước đây trên các xứ đồng ở Yên Thành lươn rất nhiều. Thế nhưng, gần đây vì nhiều người đánh bắt, mọi con mương, vũng nước đều bị lùng sục, nên lươn ít dần và ngày càng trở nên khan hiếm hơn do kích điện, hóa chất.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được:
Chị Hoa và chị Tình ở xóm 2 Xuân Thành đạp xe chở từng bì trúm ra đồng chuẩn bị đặt trúm. Mỗi đêm như vậy mỗi chị bắt được vài ba kg lươn, có hôm may mắn được nhiều hơn. Với giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi ngày các chị kiếm thêm vài ba trăm có tiền chi tiêu cho cuộc sống.
Nghề bắt lươn đêm không cần vốn, dụng cụ bắt lươn là những ống tre, mét có lóng dài khoảng một mét, rỗng ruột, đường kính từ 5 - 6cm. Một đầu được bịt kín, đầu kia được đục thông để lươn chui vào dễ dàng nhưng không thể thoát ra.
Để không bị thất lạc ống trúm, thợ đánh bắt lươn đêm phải có trí nhớ cũng như cách bố trí chỗ đặt hợp lý.
Sau khi chọn được địa điểm, phải dọn cỏ sạch mới đặt trúm dụ lươn. Một đầu trúm sẽ được cắm xuống đất, đầu còn lại nghiêng 45 độ, để khi lươn chui vào miệng trúm vẫn đảm bảo không khí để thở.
Đặt xong hơn 100 ống trúm cũng là lúc trời nhá nhem.
Theo các chuyên gia, thịt lươn chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, B1, B6 hay chất sắt, natri, kali, calci. Vì thế, món lươn đồng đang được nhiều người ưa chuộng.
Related news
Mô hình tôm lúa ở Sóc Trăng được thực hiện dưới hình thức quảng canh cải tiến phát triển chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu
Là một trong những hộ đầu tiên trồng bưởi da xanh trên đất trồng vải thiều, sau gần 8 năm anh Lê Duy Chứ thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/3ha/năm.
Một nông dân ở Đồng Tháp đã thoát cảnh nghèo túng, vươn lên trở thành “đại gia nuôi vịt” và có cơ ngơi tiền tỷ ở vùng quê Tháp Mười.