Thanh Sơn Chủ Động Trữ Nước Phục Vụ Sản Xuất Vụ Chiêm
Thời điểm này, huyện Thanh Sơn cũng như các địa phương trong toàn tỉnh đã bắt đầu bước vào sản xuất vụ chiêm. Tuy nhiên, từ đầu vụ đông tới giờ, lượng mưa trên địa bàn khá ít, gây khó khăn không nhỏ cho việc cày bừa, đổ ải.
Trước tình hình đó, để đảm bảo vụ xuân đạt kết quả cao, huyện Thanh Sơn đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất, phân công cán bộ bám sát, chỉ đạo đến từng xã để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đề xuất những giải pháp giải quyết, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, phòng chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương làm dầm với diện tích đất trũng và cày ải đối với diện tích không trồng cây vụ đông.
Vụ chiêm năm 2015, huyện có kế hoạch gieo cấy 3.150ha lúa, trong đó có 2.100ha lúa lai, các giống được sử dụng chủ yếu là: Nhị ưu 838, Nhị ưu 7, Q5, J02, Việt lai 20, GS9, SQ2, Xuyên hương 178 và một số giống chất lượng cao như Tám thơm, IR 64, lúa thuần như RVT, VS1, HT1... Huyện cũng phấn đấu đưa diện tích áp dụng SRI vượt 1.100ha kế hoạch.
Cây lúa chủ yếu được gieo cấy vào trà xuân muộn (chiếm 95% diện tích), sẽ gieo mạ từ 25-1 đến 5-2. Cây ngô được gieo trồng 650ha, sử dụng chủ yếu là các giống ngô lai như DK 888, LVN 9860, LVN 4, LVN 99, NK 6654, C 919, NK 4300... chủ yếu trên các diện tích đất soi bãi, ruộng sản xuất 1 vụ và đất đồi.
Ngoài ra, toàn huyện cũng sẽ gieo trồng khoảng 220ha lạc, dùng các giống như L14, MD 7; TB 25; trên 250ha rau xanh các loại và 1.930ha sắn.
Tính đến ngày 4-1-2015, các địa phương trong huyện đã làm được gần 1.500ha đất. 5% diện tích trà xuân sớm đã được bà con ngâm ủ và xuống giống. Các loại giống cũng đã được các tổ khuyến nông, HTX nông nghiệp cung ứng đủ cho bà con.
Để tích trữ nước phục vụ việc làm đất, UBND huyện Thanh Sơn đã yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức việc nạo vét cửa khẩu các trạm bơm, kênh mương; gia cố các cống, phai, đập; tích trữ nước ở các ao, hồ, đập; tu sửa máy móc; lập phương án cân đối nguồn nước, quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả mọi nguồn nước; nghiêm cấm việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào khai thác, đánh bắt thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 321 công trình thủy lợi với quy mô khác nhau, trong đó Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi đang quản lý 205 công trình và HTX dịch vụ nông nghiệp Võ Miếu quản lý 26 công trình.
Ông Kiều Đức Mạnh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Bên cạnh việc tích trữ nước đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất, để thuận tiện cho việc gieo trồng, chăm sóc, huyện cũng khuyến khích người dân tăng cường đầu tư vào thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa; dồn điền đổi thửa, nhân rộng các cánh đồng theo hướng liền vùng, liền khoảnh, cùng giống, cùng trà (dự kiến sẽ triển khai từ 1-2 mô hình trong vụ xuân); tìm kiếm, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp gắn kết với nông dân để ổn định tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đề phòng thời tiết có thể xảy ra rét đậm, rét hại làm chết mạ, huyện yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm ngặt khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư như nilon, cọc tre, rơm rạ, tro bếp… để chống rét cho mạ trong trường hợp xấu.
Related news
Hàng năm, vào những ngày này nông dân trồng cây ăn trái lại dồn sức chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa vào thị trường Mỹ - thị trường rất khó tính với nông sản nhập khẩu. Dona - Techno cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết kế vùng nguyên liệu sầu riêng lên đến 6 ngàn hécta tại 4 tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Gắn bó với Dona - Techno từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc công ty, cho biết với áp lực hội nhập ngày một sâu rộng, không thể làm nông nghiệp theo kiểu tư duy “mạnh ai nấy làm”.
Tại các xã Phú Hội, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã phát triển được hơn 20 hécta dừa xiêm lùn. Loại cây này mang lại sức sống mới cho vùng đất nhiễm mặn ven kênh rạch, vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Ông sinh ra và lớn lên tại vùng biển nghèo khó, thừa cát trắng, thiếu cơm ăn. Nhưng giờ đây, sau bao năm vật lộn với miền gió bụi, cát bay, ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá lồng.
Trước thực trạng khai thác điện sinh hoạt để nuôi tôm thẻ chân trắng, gây hư hỏng nhiều công trình điện hạ thế và các thiết bị điện sinh hoạt của hộ dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Điện Lực Sóc Trăng, lãnh đạo các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung và Tx Vĩnh Châu thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Nơi nào không có lưới điện 3 pha thì không nên nuôi tôm thẻ chân trắng”.