Thanh Long Rớt Giá, Dân Vẫn Đua Trồng Mới
Bình Thuận là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, trái thanh long được xem là “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo, “bí quyết” để nông dân làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay “cơn sốt” sản xuất, phát triển ồ ạt diện tích trồng thanh long trở thành “điểm nóng” đáng quan ngại.
Phát triển “nóng”
Hiện trái thanh long liên tục bị rớt giá, loại trái đẹp ở mức khoảng 10.000 đồng/kg, loại thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, tuy nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục mở rộng diện tích.
Vào những ngày này, chúng tôi có mặt tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào thôn Phú Hòa là từng ruộng thanh long chín rộ giữa cánh đồng lúa xanh mởn. Dọc hai bên đường, bạt ngàn những mẫu thanh long vừa mới xuống dây, có nơi đang lấp đất trồng trụ.
Vườn thanh long 4 mẫu của anh Nguyễn Thanh Trí - thôn Phú Thịnh, thị trấn Phú Long trước đây được trồng trên đất lúa được 3 năm đang chờ thu hoạch. Anh Trí có ý định mở rộng thêm diện tích nên vừa đầu tư mua thêm 2 sào ruộng đang lấp đất xuống trụ.
Anh Trí cho biết: “Giá lúa hiện nay có nhích lên từ 3.000 – 5.000 đồng nhưng thường bấp bênh nên tôi đã chuyển hẳn sang trồng thanh long. Ngày trước với 2 sào ruộng, nếu trúng mùa năng suất đạt 40 tạ/sào, mỗi năm thu hoạch 2 vụ trừ hết chi phí tôi chỉ lời hơn 6 triệu đồng, mất mùa coi như mất trắng.
Còn với 2 sào thanh long, với mức giá thanh long 3.000 – 4.000 đồng/kg cũng thu về được vài chục triệu đồng, lời hơn nhiều so với làm lúa”. Còn anh Nguyễn Gia Tới – thôn Phú Cường, thị trấn Phú Long vừa xuống mới 450 trụ thanh long trên 3,5 sào đất lúa được hơn 1 tháng. Anh Tới nhẩm tính: “Chi phí để đổ đất hơn 3 sào đất lúa, đúc trụ hơn 70 triệu đồng, chưa tính đào ao.
Tôi không định phá lúa trồng thanh long, nhưng vì ruộng xung quanh đều chuyển hết, cây thanh long lại cho thu nhập cao, nên tôi trồng như mọi người”. Mặc dù đã có chủ trương bảo vệ đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nhưng do sản xuất thanh long hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa cho nên người dân vẫn tiếp tục phá đất lúa, trồng thanh long.
Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong tổng số diện tích thanh long của tỉnh có 6.151 ha “mọc” trên đất lúa những năm trước, trong đó, hơn 3.600 ha là đất lúa 2, 3 vụ, còn lại là đất lúa 1 vụ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thanh long không chỉ trồng mới ở những vùng chủ lực trồng lúa của Hàm Thuận Bắc. Hiện cây thanh long đã được trồng ở 8 trong số 10 huyện, thị xã, thành phố và ngày càng mở rộng diện tích.
Cụ thể như tại huyện Hàm Tân, tính đến tháng 5/2014, diện tích cây thanh long phát triển khoảng 500 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sông Phan, trong đó trồng mới hơn 168 ha. Tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đến nay diện tích thanh long toàn xã gần 1.500 ha, trong đó diện tích trồng mới từ đầu năm đến nay 360 ha.
Theo quy hoạch, diện tích trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2015 dự kiến là 15.000 ha, nhưng hiện nay đã vượt hơn số dự kiến đó 7.000 ha. Thực tế vẫn chưa dừng lại. Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng mới thanh long tiếp tục tăng thêm đến hàng trăm ha.
Và những lo ngại…
Theo thống kê, diện tích thanh long trên toàn tỉnh là 22.000 ha. Trong số này, có khoảng 17.000 ha đang cho trái. Như vậy, lượng thanh long đang xuất ra thị trường là rất lớn, mỗi năm sản lượng thanh long Bình Thuận đạt trên 5.000 tấn. Hiện có hơn 75% sản lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, còn các thị trường nhập khẩu quan trọng khác như Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Singapore.
Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, năm 2012, ngay sau khi trồng thử nghiệm thành công, hiện Trung Quốc đã cho triển khai trồng đại trà với quy mô khoảng 20.000ha thanh long ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Với tốc độ đầu tư đại trà, quy mô lớn, Trung Quốc đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích và sản lượng trái thanh long.
Mặt khác, đến nay không chỉ ở Bình Thuận, thanh long đã phát triển ở hơn 40 tỉnh, thành phố cả nước, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với 2 vùng chuyên canh tập trung lớn là Long An, Tiền Giang. Vì vậy, để cây thanh long Bình Thuận phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao rất cần những định hướng, giải pháp khoa học, thuyết phục.
Related news
Thạnh Phú (Bến Tre) có tổng diện tích nuôi thủy sản khoảng 16.650ha. Trong lĩnh vực ngư nghiệp, bên cạnh việc xác định con tôm là chủ lực, huyện vẫn khuyến khích người dân phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Trong khi nhiều trang trại chăn nuôi đang lao đao vì thua lỗ, giá sản phẩm liên tục biến động thì vẫn có nhiều trại gà "ăn nên làm ra" với các sản phẩm trứng gà bổ sung dưỡng chất như trứng giàu đạm, vitamin, Omega 3...
Cơn bão số 11 khiến hàng trăm héc ta cao su đang ở giai đoạn thu hoạch đã bị đổ gãy. Bài học về quy hoạch vùng trồng cao su ở đâu cho hiệu quả vẫn gợi nhiều suy ngẫm cho các địa phương.
Trong những năm gần đây, cây mãng cầu Tây Ninh có thương hiệu mãng cầu Bà Đen đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương, giúp nhiều hộ dân ở đây vươn lên làm giàu.
Khó khăn lớn nhất của ngư dân trong nhiều năm liền là phải có nguồn vốn đối ứng ban đầu từ 30-40% giá trị con tàu, mới có thể được vay vốn để phục vụ đánh bắt xa bờ.