Thanh Long Bình Thuận Gập Ghềnh Nơi Biên Giới
Thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua hai cửa khẩu: Pò Chài và Hà Khẩu. Mỗi năm tại các cửa khẩu đã tiêu thụ hơn 300.000 tấn thanh long Bình Thuận (chiếm 65% sản lượng thanh long toàn tỉnh). Song, con đường trái thanh long đến với thị trường Trung Quốc đầy “gập ghềnh” nơi biên giới.
Buôn bán biên mậu, doanh nghiệp trong thế bị động
Thương nhân Trung Quốc quyết định giá
Những ngày đầu tháng 12/2014, thanh long Bình thuận rớt giá liên tục, các nậu vựa chỉ thu mua 10.000 đồng/kg đại trà, giảm từ 3 - 5 ngàn đồng so tháng trước. Nguyên nhân do đâu thì không ai giải thích được. Người thì nói Trung Quốc đang lạnh giá, lưu thông trở ngại; có người thì nhận định do thanh long qua cửa khẩu nhiều nên thương lái Trung Quốc ép giá… Song, suy cho cùng mua bán biên mậu giá cả đều do thương nhân Trung Quốc định đoạt.
Trái thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở dạng tươi dưới 2 hình thức: Tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 15 - 20% sản lượng; tiêu thụ qua con đường xuất khẩu chiếm 80 - 85% sản lượng. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ trọng 20% gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Song, thị trường tiêu thụ chính là các nước châu Á (chiếm tỷ trọng 80% sản lượng và giá trị). Việc mở rộng thị trường châu Âu, châu Mỹ gặp nhiều khó khăn và trở ngại do thời gian vận chuyển dài ngày trái thanh long dễ bị giảm chất lượng; tập quán tiêu dùng chưa quen và rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe…nên phần lớn thanh long trong tỉnh xuất sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài số ít xuất khẩu chính ngạch vận chuyển bằng máy bay, tàu biển thì phần lớn thanh long Bình Thuận vận chuyển ra biên giới phía Bắc bằng ô tô để tiêu thụ theo phương thức biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Ước tính mỗi năm sản lượng thanh long Bình Thuận mua bán biên mậu hơn 300.000 tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, sau một chuyến đi khảo sát qua cửa khẩu Lạng Sơn trăn trở: “Trên thực tế hàng chục doanh nghiệp thanh long Bình Thuận mua bán biên mậu tại biên giới đã có mối quan hệ xuất khẩu với đối tác Trung Quốc nhiều năm nay.
Tuy nhiên, trái thanh long vào được thị trường Trung Quốc không phải dễ dàng mà đường đi của trái thanh long luôn “gập ghềnh” nơi biên giới. Hầu hết các doanh nghiệp khi mua thanh long tại vườn thì tranh giành nâng giá, nhưng đầu ra thì họ chỉ phỏng đoán. Mỗi khi đưa thanh long sang bãi xe cửa khẩu Pò Chài (Quảng Tây) thì thương lái Trung Quốc quyết định giá. Lúc thấy nhiều hàng, họ ép thấp hơn cả giá mua tại vườn.
Doanh nghiệp bị “xù nợ”
Tại cửa khẩu phía Trung Quốc chỉ cho một số doanh nghiệp nhất định thuộc tỉnh biên giới được nhập khẩu thanh long theo phương thức biên mậu với hạn ngạch nhất định. Họ khống chế số lượng doanh nghiệp cũng như kiểm soát số lượng và giá cả thanh long nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc một cách khôn khéo. Cuối năm 2012 để thu hút hàng hóa về Hà Khẩu, Cục trưởng Cục Thương vụ công nghiệp, kiêm Trưởng ban cửa khẩu Hà Khẩu đã làm việc với Sở Công Thương Bình Thuận.
Họ đưa ra chính sách: Nếu thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu theo phương thức biên mậu thì ngoài việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, VAT chỉ phải nộp 3% (trong khi xuất bằng đường chính ngạch, doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế VAT 13%). Phía Trung Quốc luôn khuyến khích các doanh nghiệp thanh long Bình Thuận và thương nhân Trung Quốc buôn bán theo phương thức biên mậu tại biên giới.
Ngoài ra, trái thanh long còn được cư dân biên giới hai nước mua bán ở các cửa khẩu phụ được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với mức 8.000 nhân dân tệ/người/ngày (tương đương 25 triệu đồng Việt Nam). Tranh thủ chính sách khuyến khích biên mậu đó, các doanh nghiệp Trung Quốc (chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây) đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu theo phương thức biên mậu để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ phía Trung Quốc.
Việc tiêu thụ thanh long theo phương thức biên mậu với doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu thông qua một trong hai hình thức: Các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thanh long Bình Thuận trực tiếp vận chuyển hàng đi tiêu thụ và các khách hàng Trung Quốc tổ chức chân rết tại địa bàn sản xuất thanh long đặt hàng để thương lái, cơ sở gom hàng, tổ chức vận chuyển sang biên giới phía Bắc giao cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, các doanh nghiệp kinh doanh thanh long áp dụng phương thức thanh toán: Doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng, thỏa thuận số lượng, chất lượng, giá cả, thời hạn.
Nếu có yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc đặt tiền cọc từ 20 - 30% trị giá lô hàng. Sau khi giao dịch xong thương lái Trung Quốc kiểm tra và thanh toán tiền. Trường hợp hàng xấu họ sẽ giảm giá, trừ tiền. Hoặc hình thức thứ 2 là hai bên chỉ thỏa thuận miệng (không ký hợp đồng) doanh nghiệp Việt Nam thu mua, vận chuyển giao hàng thanh long cho doanh nghiệp Trung Quốc bán hộ, họ chỉ hưởng hoa hồng.
Dù phương thức nào thì doanh nghiệp Việt Nam cũng luôn ở thế bị động, bị ép về chất lượng, giá cả và việc giao hàng trước trả tiền sau rất dễ bị lợi dụng.
Ông Nguyễn Văn Sáu, chủ doanh nghiệp thanh long ở Hàm Thuận Nam cho biết: “Các phương thức giao dịch và thanh toán phía doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra đều có lợi cho họ và bất lợi cho doanh nghiệp thanh long Bình Thuận. Họ thường nhận hàng trước rồi sau đó mới trả tiền.
Khi gặp thương nhân Trung Quốc làm ăn không trung thực hoặc bị thua lỗ, phá sản thì doanh nghiệp Việt Nam phải “ngậm bồ hòn” mà chịu. Thực tế các năm 2011 - 2012 một số doanh nghiệp thanh long ở Hàm Thuận Nam bị mất cả chục tỷ đồng, phải phá sản do giao hàng bị xù nợ…”.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thanh-long-binh-thuan-gap-ghenh-noi-bien-gioi-72045.html
Related news
Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị XK tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “cơn bão” EMS (Hội chứng tôm chết sớm).
Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hiếu là một trong những người “giữ lửa” nghề truyền thống ở làng Hạ Vũ. Sau hơn 20 năm thành lập, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay người chủ cũng là nghệ nhân này đã có một cơ ngơi với hai cơ sở sản xuất gần 600m2, có uy tín trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Trong quá trình hoạt động, công ty gặp không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất, lao động phân bố rải rác trên địa bàn gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành; một số hệ thống công trình quan trọng lâu năm đã bị xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu phục vụ; tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp (hạn hán, lũ lụt, mặn ngày càng thâm nhập sâu); bên cạnh đó, tài chính gặp cũng không ít khó khăn do việc cấp phát vốn theo kế hoạch đang còn chậm...
Thời điểm hiện nay, sau một thời gian khá trầm lắng, nhu cầu sử dụng phân bón trên địa bàn Bình Định đang bắt đầu sôi động trở lại khi nông dân bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015.
Ngày 13.6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2014 này, tỉnh đã đồng ý cho huyện Lạc Dương xây dựng 26 mô hình chăn nuôi và trồng trọt trong vùng đồng bào DTTS huyện Lạc Dương (huyện có gần 80% đồng bào DTTS sinh sống) theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.