Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành công từ mô hình nuôi cá

Thành công từ mô hình nuôi cá
Publish date: Wednesday. October 14th, 2015

Ông là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương và là một trong 13 đại biểu của huyện được tuyên dương điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

 

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đến tham quan, trao đổi về kinh nghiệm nuôi cá của ông Sơn (bìa trái).

Hôm chúng tôi đến thăm, ông Sơn vừa mới cho xuất 3 ao nuôi cá lóc thịt (3.000m2), thu 22 tấn cá, giá bán từ 37.000 - 42.000 đ/kg.

Ông tính nhẩm, lãi khoảng 15 - 20%, bỏ túi rủng rỉnh hơn chục triệu đồng.

Hiện, ông đang nuôi cá giống sặt rằn, trê vàng, cá rô đầu vuông để cung cấp cho khách hàng ở tỉnh Hậu Giang.

Ông Sơn kể: “Vào khoảng năm 2001, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về huyện Mang Thít và nói chuyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tôi nhận thấy, qua bao nhiêu năm loay hoay trồng lúa nhưng không mang lại hiệu quả, tôi đã quyết định đào ao nuôi cá với mong muốn vực dậy kinh tế gia đình.

Bởi ông bà ta từng nói: “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...”.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu nuôi cá sặt rằn thương phẩm, rồi chuyển sang làm cá điêu hồng giống.

Theo ông Sơn, bước đầu cũng lắm gian truân, thất thoát cá rất nhiều, lại thêm chưa có kinh nghiệm nên cũng có khi trúng, khi thất.

Cũng có lúc, tới thời điểm thu hoạch cá lại rớt giá, đành chịu lỗ.

Không nản lòng, ông tìm hiểu kỹ thuật qua tài liệu và trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm ở một số mô hình nuôi cá.

Sau đó, chắc lọc lại thông tin, thấy nuôi con gì phù hợp với điều kiện của địa phương thì áp dụng.

Đồng thời, tùy thời điểm thích hợp, mà nuôi cá giống hay cá thương phẩm.

Qua thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại được sự hỗ trợ của người con trai chuyên về thú y thủy sản, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay.

Từ đó, bắt đầu thuê thêm 1ha ao, nâng tổng diện tích lên 2ha để nuôi cá.

Sau đó, thấy làm cá bột cho lợi nhuận cao, ông lại tìm hiểu và nhanh chóng nắm vững quy trình sản xuất cá bột.

Hiện, ông còn làm cá bột sặt rằn để cung cấp cho khách hàng.

Theo ông Sơn, làm cá bột rất “mau ăn”, chỉ cần có hầm và chuẩn bị sẵn cá bố mẹ, sau 3 - 4 ngày là có thể xuất bán.

Cá giống thì cần đến 1 - 2 tháng, đạt chuẩn mới giao cho thương lái.

Nhưng nuôi cá giống lãi cao hơn cá thịt, vì chỉ 1kg thức ăn sẽ cho 1kg cá, giá bán vài chục ngàn/kg là đã có lời.

Đối với cá rô, cá sặt rằn, cá trê, giá khoảng 70.000 - 80.000 đ/kg thì lợi nhuận còn cao hơn.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đã mang lại cho ông Sơn (bìa phải) nguồn thu lớn.

Hỏi về đầu ra, ông Sơn cho biết: Trước khi bắt tay nuôi cá giống điêu hồng, ông phải tạo mối quan hệ trước với các chủ bè nuôi cá thương phẩm.

Đến khi đổ cá giống cho bè, người chủ sẽ xem xét chất lượng như thế nào.

Cụ thể là, cá phải ít hao, ăn mau, lớn nhanh.

Khi họ đã biết mình làm ăn có uy tín thì sẽ giới thiệu cho nhau.

“Nếu người mua thấy cá kém chất lượng thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm”- ông Sơn nói.

Nhờ uy tín và chất lượng luôn bảo đảm, cá giống của ông luôn được bà con nuôi thủy sản tin cậy, không chỉ cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn được một số thương lái mua để xuất sang Campuchia, Ấn Độ và Pakistan.

Ông Sơn cho biết thêm, để nuôi được con giống cần phải có kỹ thuật cao, cũng giống như nuôi đứa bé đòi hỏi phải chăm sóc nhiều hơn.

Chính vì vậy, quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển đều phải đúng kỹ thuật.

Trong đó, thuốc men, thức ăn và nguồn nước là mấu chốt chủ đạo, yêu cầu độ pH ổn định.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thành công là nhờ liên tục cập nhật thông tin và biết áp dụng các khoa học kỹ thuật.

Quan trọng là, sản phẩm làm ra có chất lượng, đạt được yêu cầu thị trường thì mới có thể bán được và phát triển bền vững.


Related news

Hiệu Quả Từ Chương Trình Khuyến Nông Chăn Nuôi Hiệu Quả Từ Chương Trình Khuyến Nông Chăn Nuôi

Chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng trọt. Do đó, trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị thì ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Saturday. January 24th, 2015
Ngành Chăn Nuôi Cần Chính Sách Ưu Đãi Ngành Chăn Nuôi Cần Chính Sách Ưu Đãi

Sáng 23-1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã làm việc với Công ty TNHH Ba Huân để nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này, đồng thời ghi nhận ý kiến của DN đối với Dự án Luật Thú y, Luật Vệ Sinh an toàn lao động, sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5- 2015.

Saturday. January 24th, 2015
Thời Tiết “Làm Khó” Nhà Vườn Trồng Hoa Thời Tiết “Làm Khó” Nhà Vườn Trồng Hoa

Anh Tô Cẩm Tùng (nhà vườn trồng lan ở Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM) nhận định ở thời điểm tháng 9 và tháng 10, nếu nhà vườn nào kịp kích lan bằng chế độ bón phân, chăm sóc để cây dồn sức cho việc ra và nuôi nụ thì lượng lan nở đều, còn nếu để tự nhiên đều thất bại.

Saturday. January 24th, 2015
Gạo Thơm Việt Nam Được Ưa Chuộng Ở Hong Kong, Singapore Gạo Thơm Việt Nam Được Ưa Chuộng Ở Hong Kong, Singapore

Ông Lâm Định Quốc, giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo thơm của VN đang tăng trưởng mạnh tại các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Mỹ..., trong năm 2015 công ty đã liên kết với người dân tăng diện tích trồng lúa thơm từ 1.800ha (năm 2014) lên 4.000ha theo hình thức bao tiêu.

Saturday. January 24th, 2015
Lập Sàn Giao Dịch Cà Phê Buôn Ma Thuột Lập Sàn Giao Dịch Cà Phê Buôn Ma Thuột

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết trong năm 2014 VN xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê với kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD, nhưng phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài mua xuất khẩu nên cà phê VN bị ép giá.

Saturday. January 24th, 2015