Thanh Ba Siết Chặt Quản Lý Các Cơ Sở Sản Xuất, Chế Biến Chè
Trên địa bàn huyện Thanh Ba có 12 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè phân bố trên 9 xã, thị trấn và 110 cơ sở chế biến chè mi ni (công suất dưới 500kg chè búp/ngày) tập trung ở một số xã: Năng Yên, Quảng Nạp, Khải Xuân…
Thời gian gần đây tại một số xã trong vùng chè của huyện đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ sơ chế, chế biến chè xanh phẩm cấp thấp, không tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy chuẩn Quốc gia trong sơ chế, chế biến như: Nơi sản xuất là lều quán tạm không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhà xưởng, thiết bị sao sấy bị gỉ; chè sau khi vò đem phơi nắng trực tiếp trên sân nhà, đường đi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước thực trạng trên huyện Thanh Ba đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp, cơ sở, sản xuất, chế biến chè nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sơ chế, chế biến, hướng tới sản xuất chè chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu chè.
Chúng tôi đến Công ty TNHH 1 thành viên chè Phú Bền, đây là công ty sản xuất, kinh doanh chè có bề dày kinh nghiệm và thực hiện đảm bảo các tiêu chí theo quy định về an toàn VSTP.
Ông Nguyễn Lương Duyên - Phó Giám đốc công ty cho biết: “Phú Bền xác định chất lượng búp chè tức nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn VSTP. Vì vậy, công ty đã có vùng nguyên liệu với quy trình sản xuất chặt chẽ, áp dụng thực hiện bộ tiêu chuẩn của nền nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó sản xuất trong nhà máy cũng là khâu quan trọng để tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn vì vậy công ty đã có hệ thống nhà xưởng đạt quy chuẩn 01 của Việt Nam”. Tuy nhiên, ngoài Công ty TNHH 1 thành viên chè Phú Bền, phần lớn các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn chưa đáp ứng được các yêu cầu này.
Công ty chè Đại Đồng, Công ty chè Hoài Trung là 2 công ty sản xuất chế biến chè công suất trên 10 tấn/ngày nhưng còn một số tồn tại: Chưa quy hoạch vùng sản xuất, bao túi chưa có nhãn mác…
Đồng chí Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Thanh Ba cho biết: “Trước thực trạng như vậy huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các quy trình kỹ thuật sơ chế, chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm; yêu cầu các xã thường xuyên viết tin bài phát trên đài truyền thanh xã để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, thay đổi phương thức sản xuất của các cơ sở chế biến chè. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Năm 2014, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất chế biến chè, tiến hành kiểm tra 3 công ty, 2 cơ sở kinh doanh và 10 cơ sở sản xuất chè mi ni đã xử phạt 1 cơ sở sản xuất chè và nhắc nhở 5 hộ sản xuất chè mi ni.
Huyện cũng đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh chè búp tươi tại 4 công ty, doanh nghiệp và 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, yêu cầu, nhắc nhở các hộ không đủ tiêu chuẩn khẩn trương khắc phục đảm bảo sản xuất.
Đồng thời yêu cầu UBND các xã có các cơ sở sản xuất kinh doanh chè phải ký cam kết sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP. Đối với các hộ không thực hiện kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, chế biến chè đã nâng lên, tình trạng sản xuất chè phẩm cấp thấp đã giảm. Tuy nhiên, sản xuất chế biến chè trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. Một số xã chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc sản xuất chế biến chè kém chất lượng.
Việc quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến chè chưa hợp lý, khi quy hoạch không có vùng nguyên liệu hoặc vùng nguyên liệu cách xa khu vực sản xuất dẫn đến giá cả vận chuyển tăng cao, cạnh tranh trong thu mua không lành mạnh.
Để khắc phục tồn tại trên, trong thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ sản xuất chè nhỏ lẻ về quy trình sản xuất chè đảm bảo an toàn; phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản mở các lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất, chế biến chè.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đối với các hộ sản xuất không đảm bảo thì bị xử phạt và đình chỉ sản xuất theo quy định của pháp luật. Khuyến khích việc học tập, nhân rộng mô hình sản xuất của Công ty chè Phú Bền.
Huyện quy hoạch vùng nguyên liệu và đẩy mạnh “ liên kết 4 nhà” để sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tạo ra sản phẩm chè an toàn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chế biến chè.
Related news
Trồng nấm rơm trong nhà là mô hình không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang). Đặc biệt, mô hình thích hợp các hộ ít hoặc không đất sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Kỹ sư Trần Phùng Hoàng Tuấn, Trung tâm Giống thủy sản An Giang vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình ương cá lăng nha trên bể lót bạt”.
Cây hồ tiêu đã từng được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân xã Đăk N’Drót, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Vậy mà giờ đây, người trồng tiêu trong xã đang lâm vào tình cảnh mất ăn, mất ngủ vì cây hồ tiêu bị bệnh hàng loạt. Nhiều hộ trồng tiêu đang lỗ lực tìm đủ mọi cách chạy chữa nhưng vẫn không có hiệu quả, nên đành ngậm ngùi nhìn vườn tiêu chết dần.
Đồng chí Nguyễn Đức Quyến, Phó chủ tịch UBND xã Thắng Quân cho biết: Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương như lao động, đất đai, lợi thế địa hình, những năm qua xã đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển đa dạng các loại hình kinh tế từ nông, lâm nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…
Đồng Nai là một trong số ít tỉnh dập được dịch heo tai xanh trong thời gian ngắn. Dịch qua, người nuôi heo thở phào nhẹ nhõm. Nhưng theo ngành thú y, nguy cơ tái dịch vẫn còn cao.