Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thận Trọng Với Cây Tỷ Đô Mắc Ca

Thận Trọng Với Cây Tỷ Đô Mắc Ca
Publish date: Tuesday. March 3rd, 2015

Chính phủ đã đồng ý thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc ca ở Tây Bắc. Mắc ca cũng đang được đề xuất bổ sung là cây công nghiệp chiến lược mới tại Tây Nguyên. Nhưng mắc ca liệu có dễ dàng trở thành cây tỷ đô như người ta vẫn gọi hay không?

Mặc dù được đưa vào trồng ở nước ta từ hơn chục năm nay nhưng phải đến giữa năm ngoái, khi hội thảo Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên diễn ra, việc trồng mắc ca mới được bàn đến sâu rộng hơn. Đến giờ, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc ca ở vùng Tây Bắc; trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ đánh giá để phát triển rộng cho toàn vùng.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Chính phủ sớm bổ sung mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới cho vùng này. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) thông báo sẽ thu xếp 22 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên trồng cây tỷ đô.

Trước đó, để khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mắc ca, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định: các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở…

Cây Macadamia, còn gọi là mắc ca, là loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi; nhân hạt dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem…; dầu chiết xuất từ nhân hạt được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Australia là nước đầu tiên trồng, kế tiếp là Mỹ, Nam Phi, Brazil và Kenya. Các dự báo thị trường gần đây đều cho rằng giá nhân mắc ca sẽ còn tăng mạnh trong tương lai bởi vì nhu cầu thế giới về hạt mắc ca hiện gấp 4 lần tổng sản lượng, mà diện tích đất và vùng có khí hậu phù hợp với loại cây này rất hiếm do đó, cung thường không đủ cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích mắc ca lớn nhất trên thế giới với khoảng 1.000ha.

Một số nhà nghiên cứu của nước ta khẳng định, cây mắc ca thích hợp trồng ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích lên đến hàng trăm ha. Mắc ca có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều. Cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn – người đầu tiên mang giống cây mắc ca từ Australia về Việt Nam - gọi đây là cây tỷ đô vì một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì chỉ cần 10 năm để phát triển 100 nghìn ha và có thể đạt được kim ngạch 1 tỷ USD Mỹ xuất khẩu. Trong khi đó, diện tích và tiềm năng kinh tế của các cây công nghiệp như cà phê, cao su của vùng Tây Nguyên đều đã đạt ngưỡng, không thể mở rộng hoặc tăng thêm giá trị, cần có cây trồng khác thay thế. Đây cũng là những lý do LienvietPostbank chọn đầu tư vào cây mắc ca với tham vọng trồng được 200 nghìn ha mắc ca.

Không có lý nào Tây Nguyên lại không thể trở thành thủ phủ của cây tỷ đô mắc ca không những tại Việt Nam mà còn toàn Đông Nam Á, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Lienvietpostbank nói. Người ta cũng bắt đầu mơ tới ngày Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về mắc ca trên thế giới.

Nhưng mọi việc có đơn giản và dễ dàng như vậy hay không?

Trên trang web giacaphe.com – diễn đàn của nông dân trồng cà phê, cũng là những người đã và tới đây có thể sẽ trồng mắc ca, rất nhiều ý kiến bàn sôi nổi về việc trồng loại cây này. Thành viên Trường Sơn cho biết, giá cây giống mắc ca ở Tây Nguyên từ 60 – 70 nghìn đồng/cây, khá cao so với thu nhập của nông dân. Với giá này thì chỉ có đại gia mới trồng được mắc ca. Sống ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk), thành viên Donthuan đang muốn phá 1ha cà phê già cỗi để trồng mắc ca nhưng giá cây giống quá cao nên cũng chưa dám.

Vừa đi thăm mấy vườn trồng mắc ca từ năm 2000, thành viên Chùa Bộc cho rằng, cây mắc ca không phù hợp với điều kiện sở hữu ruộng đất của nông hộ hiện nay. Mỗi hộ chỉ có khoảng 1ha đất nông nghiệp trong khi mắc ca lại phù hợp với nhà rất nhiều đất, muốn trồng thử. Hơn nữa, tán cây mắc ca rất lớn, tán lá dày, thích hợp với trồng thuần, không thể trồng xen theo phương thức tận dụng tầng tán. Mắc ca có thể cho thu hoạch ở năm thứ 2, 3 nhưng quả không đáng kể nên thời gian cho quả thu hoạch là rất lâu.

Lo lắng lớn nhất và muôn thủa nhất của nông dân là đầu ra và giá của mắc ca. Thành viên Nông Cà băn khoăn: tương lai cây mắc ca có đi theo vết xe đổ một thời của cây ca cao không? Có thời điểm, ca cao rẻ không ai mua đành cho dê ăn. Nông dân ta cũng đã từng chặt điều trồng cao su, ca cao, rồi khi giá xuống thấp lại chặt ca cao, cao su để trồng sắn, trồng dừa... Thành viên Thanh Thao cho biết: ở huyện Lâm Hà, Đức Trọng (Lâm Đồng), một số bà con đã trồng mắc ca và cho thu hoạch nhưng không bán được. Còn hiện tại, giá thu mua hạt đủ tiêu chuẩn là 70 nghìn đồng/kg. Những hạt nhỏ hơn không có ai mua, chế biến để ăn cũng khó nên nhiều hộ dân chặt bỏ.

Lấy gì bảo đảm cây trồng tỷ đô sẽ tránh được sự lặp lại của vòng xoáy chặt – trồng khi hiện nay, ngoài cam kết xây dựng nhà máy chế biến của một số doanh nghiệp thì chưa có nghiên cứu cụ thể nào về nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đối với mắc ca. Nếu kế hoạch trồng 200 nghìn ha mắc ca trở thành hiện thực, có xảy ra tình trạng cung vượt cầu và rớt giá hay không cũng là một câu hỏi chưa được trả lời.

Mắc ca có thể là một lựa chọn của nông dân để đa dạng hóa cây trồng trong bối cảnh cà phê, cao su… đều đã đạt ngưỡng giá trị và diện tích. Nhưng nếu nông dân được khuyến khích trồng mắc ca ồ ạt thì hệ lụy khó lường nên các bước đi phải thận trọng và được tính toán kỹ lưỡng.


Related news

Vươn Lên Nhờ Cam Sành Vươn Lên Nhờ Cam Sành

Trong căn nhà tường còn mới, hai vợ chồng ông Lê Văn Đông, ở ấp Đông Bình, ngồi kể chuyện một thời nghèo khó. Ông Đông nhớ lại: “Cha mẹ đông con nên chia cho hai vợ chồng tui 2 công đất. Ra riêng, tui lúc đó vừa đi làm mướn, vừa làm ruộng, vậy mà nghèo hoài không dứt ra được. Khoảng bảy năm trước, khi bắt đầu trồng cam sành thì cuộc sống tui mới đỡ hơn”.

Tuesday. October 21st, 2014
Một Chặng Đường Nỗ Lực Cho Kinh Tế Tập Thể Một Chặng Đường Nỗ Lực Cho Kinh Tế Tập Thể

Nhìn chung, khu vực KTTT trong tỉnh đóng vai trò khá tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế cho địa phương. Kết quả rõ nhất là hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã (HTX) đã được tăng lên 1,8 lần so với cuối năm 2009.

Tuesday. October 21st, 2014
Việt Trì Đẩy Mạnh Phát Triển Nông Nghiệp Cận Đô Thị Việt Trì Đẩy Mạnh Phát Triển Nông Nghiệp Cận Đô Thị

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2006-2013, thành phố đã lựa chọn ba cây trồng chủ yếu gồm lúa chất lượng cao, hoa và rau an toàn để khuyến khích phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Tuesday. October 21st, 2014
Toàn Tỉnh Đã Gieo Trồng Được Hơn 12.500ha Cây Vụ Đông Toàn Tỉnh Đã Gieo Trồng Được Hơn 12.500ha Cây Vụ Đông

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 12.500ha cây vụ đông, trong đó: Ngô 8.542,5ha; rau 3.195ha; khoai lang 619ha; đậu tương 48ha; lạc 15,5ha.

Tuesday. October 21st, 2014
Thị Xã Phú Thọ Sản Xuất Vụ Đông Theo Hướng Hàng Hóa Thị Xã Phú Thọ Sản Xuất Vụ Đông Theo Hướng Hàng Hóa

Chúng tôi đến thị xã Phú Thọ khi bà con nông dân đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông, đã 11 giờ trưa nhưng trên đồng không khí lao động vẫn khá nhộn nhịp. Hiện nay, sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi diện tích vụ đông đã dần bị thu hẹp nhưng ở xã Hà Thạch màu xanh của ngô, khoai, rau, bí… đã phủ kín khắp các cánh đồng.

Tuesday. October 21st, 2014