Thầm Lặng Bảo Vệ Bãi Nghêu Xứ Gò
Để bảo vệ bãi nghêu và hoàn thành chỉ tiêu giao nộp ngân sách hằng năm đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban quản lý Cồn bãi (BQLCB) huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã không ngừng phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Trong đó, phải kể đến vai trò của Đội bảo vệ BQLCB huyện đã không ngại khó khăn, ngày đêm canh giữ bãi nghêu của vùng biển xứ Gò.
Đội bảo vệ BQLCB huyện Gò Công Đông hiện có 17 người tham gia, gồm 5 chòi canh, 6 phương tiện thủy với nhiệm vụ bảo vệ trên 2.000ha diện tích cồn bãi. Trong đó, BQLCB huyện nuôi 350ha thuộc cù lao cồn Ông Mão, phần còn lại do người dân ven biển nuôi.
Theo sự chỉ dẫn của BQLCB huyện Gò Công Đông, chúng tôi lội bộ gần 1km từ đất liền ra biển, đến với chòi canh nghêu của anh Tạ Khắc Khuyên, Đội trưởng Đội Bảo vệ Cồn bãi. Anh Khuyên cho biết, đa số anh em bảo vệ đều là bộ đội, dân quân tại địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả có điểm chung đều yêu biển nên tham gia vào công việc và âm thầm, lặng lẽ theo từng con nước lớn, ròng để khai thác, quản lý, bảo vệ an toàn vùng nuôi nghêu của huyện.
Do tính chất đặc thù của công việc nên các anh gần như ở ngoài biển khơi nhiều hơn ở trong đất liền. Cứ nước ròng là các anh túc trực 24/24, lúc nước lớn còn lại vài anh em luân phiên nhau đi tuần. Vì theo anh Khuyên lúc nước lớn "nghêu tặc" ít xuất hiện hơn, nhưng cũng phải đề phòng, nâng cao cảnh giác; đồng thời phải nhanh trí xử lý khi có tình huống xấu nhất xảy ra.
Ngồi trên chòi canh nghêu cao chót vót giữa biển khơi, sau vài câu trò chuyện, anh Khuyên tất bật lo cho buổi cơm trưa. Anh nói: "Tranh thủ nấu cơm ăn vài hột lót dạ rồi đi tuần tra, kiểm soát xem tình hình của bãi nghêu thế nào... Công việc là thế, không được lơ là, vừa phòng ngừa "nghêu tặc", vừa phải kiểm tra, theo dõi sự phát triển của nghêu".
Ban ngày, mọi việc sinh hoạt từ nấu ăn cho đến trú mưa, che nắng đều diễn ra trên chiếc chòi canh được bố trí sẵn với diện tích khoảng 3m2 nằm trơ trọi giữa biển khơi rộng lớn. Gạo thì được BQLCB phân phát, các anh phải tự tìm thêm con cá, con nghêu hay vài ba con chình... để cải thiện thêm chất lượng bữa ăn.
Với các anh, bảo vệ cồn bãi là một công việc nguy hiểm đòi hỏi phải dũng cảm, yêu nghề, yêu biển... thì mới gắn bó lâu dài với công việc được. "Nghề này ẩn chứa muôn vàn nguy hiểm. Một mình trơ trọi giữa biển, cơn bão bất chợt có thể cuốn phăng chòi canh hay giữa đêm trực lỡ có "nghêu tặc" tấn công phải thật nhanh trí để xử lý. Công việc vất vả là thế nhưng một khi đã gắn bó thì sẽ quen và yêu thích vị mặn, làn gió khô hanh của biển và niềm vui khi nhìn đàn nghêu lớn lên từng ngày..." - Anh Khuyên chia sẻ.
Ngoài việc bảo vệ nghêu, chống "nghêu tặc", các anh phải thường xuyên theo dõi thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh,... để kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý. Khi thời tiết biến động xấu, nghêu chết hay nạn "nghêu tặc" hoành hành, anh em trong Đội bảo vệ tuần tra thức trắng đêm trên biển.
Anh Nguyễn Văn Đông, thành viên đội bảo vệ BQLCB cho biết: "Tiền lương cho công việc này không nhiều nhưng vì yêu biển nên bám biển, theo nghề và đặt nhiệm vụ bảo vệ lên hàng đầu, khắc phục khó khăn dù mưa bão, sóng to, gió lớn, hay khi đối tượng trộm cắp nghêu đến gây rối, thách thức đội bảo vệ".
Đó là công việc, là hoạt động vào ban ngày của các anh đội bảo vệ BQLCB. Và khi màn đêm buông xuống khi nước vừa rút, bất kể đồng hồ có điểm 0 giờ, thì các anh vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, quên cả giá lạnh về khuya, vẫn hiên ngang cùng con thuyền lướt sóng ra đi bảo vệ bãi nghêu. Mỗi tàu neo đậu một nơi đúng vào vị trí quy định, chờ nước cạn tiếp tục lội bộ đi tuần tra.
Ngồi ở mui thuyền, lênh đênh trên biển cả khi đêm xuống, xung quanh toàn là nước biển. Từng làn sóng làm con thuyền lắc lư, chao đảo, chúng tôi gần như mất thăng bằng. Thế nhưng, các anh vẫn chắc tay lái giữa biển khơi bao la, rộng lớn.
Anh Khuyên quay sang nói với chúng tôi: "Công việc bảo vệ bãi nghêu cực nhất là giai đoạn nước mùa Nam, thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, đây là giai đoạn nghêu sắp đến tuổi để thu hoạch nên "nghêu tặc" lộng hành dữ lắm. Thời gian này, anh em bảo vệ trực, tuần tra suốt 24/24, kể cả nước lớn hay nước ròng, ngày hay đêm".
Kim đồng hồ đã điểm 23 giờ, nước biển vẫn chưa rút, cồn bãi vẫn còn là một đại dương xa thẳm. Các anh neo thuyền vào đúng vị trí, ngồi lại hớp vội ly trà nóng để xua tan cái lạnh về khuya, bàn tán với nhau vài câu chuyện vui. Anh Nguyễn Văn U tâm sự: "Chúng tôi đã quen rồi với cái lạnh của đêm khuya, quen rồi những cơn mưa bất chợt và cả cái vị mặn chát của biển.
Nhưng giữa biển khơi bao la rộng lớn này, chúng tôi nhớ nhất vẫn là vợ con nheo nhóc ở nhà. Vì đặc thù của công việc nên chúng tôi phải sống dưới biển nhiều hơn trên đất liền. Anh em vẫn thường động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất".
Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=156929
Related news
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri (Bến Tre) trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi bò của huyện, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Anh Giang Mạnh Tuấn (sinh năm 1982) cư ngụ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), thuê đất ở phường Hiệp Thành và Phú Mỹ để làm rau thủy canh. Đến xem vườn rau của anh Tuấn, nhiều người khen ngợi cách làm mới, hiệu quả của anh.
Ngày 18-9, đại diện Công ty TNHH C.N (TP. Hồ Chí Minh) đã xuống hỗ trợ 35 tép hạt giống và 500.000 đồng/hộ cho nông dân trồng ớt Nguyễn Văn Nguyên (Song Bình, Chợ Gạo - Tiền Giang) và Lê Văn Gấm (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho - Tiền Giang).
Mức hỗ trợ Trại sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My bằng mức hỗ trợ cho nhân dân, số lượng cây giống hỗ trợ tùy tình hình thực tế từng năm và được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, để thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với Công ty Nestle’ Việt Nam hỗ trợ 50% giá mua cà phê giống cho người dân tại các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.