Thắc Thỏm Giữa Mùa Hành Tết Ở Vĩnh Châu
Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.
Không giấu nỗi lo riêng, chị Nguyễn Thị Dung, nhà rẫy ở ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu) nói: “Giá này có lời chút đỉnh rồi, nên ai cũng nôn bán cho xong, nhưng kẹt cái là hành của tui còn mười ngày nữa mới tới lứa. Vái cho tới chừng đó giá lên thêm hoặc bằng lúc này cũng được, chứ đừng sụt xuống nữa”.
Giải bớt nợ tôm
Sắp tới kỳ thu hoạch, những vạt hành không còn đòi phải chăm tưới, nhưng mỗi ngày vài lượt chị Dung vẫn cứ phải khăn nón ra thăm rẫy. Chị chia sẻ: “Dân làm rẫy là vậy đó, sắp có ăn rồi thì cứ đi ra đi vô vì nôn trong bụng dữ lắm luôn”. Chậm bước bên những luống hành chạy dài thẳng tắp đang kỳ buông lá ủ, chị Dung kể: “Vợ chồng tui năm nay được mùa hành, nhưng thua trắng con tôm sú, tới nay còn đang mắc nợ hơn 200 triệu đồng. Hai công hành năm nay nếu bán với giá như lúc này thì kiếm được khoảng 60 triệu đồng, trả bớt nợ”.
Cũng ở ấp Huỳnh Kỳ, chị Phạm Thị Ngọc Ẩn đã dự kiến thu hoạch 8 công hành tím khoảng vài ngày trước hôm đưa ông Táo, nhưng nguồn thu này cũng đã được dự tính chi trả cho các khoản nợ nuôi tôm mà chưa có dự định gì tới chuyện ăn tết sau khi hết mùa hành. “Nghiệp rẫy kiếm sống bây giờ lại phải gánh nợ cho con tôm – một thời được xem là siêu lợi nhuận, chuyện lạ mà có thiệt”, chị Ẩn xác định.
Ông Triệu Minh Dũng, trưởng ấp Huỳnh Kỳ, cho biết: “Năm rồi dân nuôi tôm vùng này trắng tay với con tôm sú. Người có vốn thì đã đứt vốn, người vay mượn thì nợ nần tứ giăng”. Theo ông Dũng, những người thu hoạch hành hồi đầu vụ, dù trúng giá, nhưng vẫn không thấm đâu so với số nợ hỏi, nợ vay do con tôm gây ra trong suốt năm qua. Ấp Huỳnh Kỳ có khoảng 160 ha đất rẫy chuyên canh hành tím và số ít rau màu khác, nhưng lại có tới hơn 400ha nuôi tôm. “Gánh nặng nợ tôm ở Huỳnh Kỳ chưa thể thống kê hết, nhưng chắc chắn là con số không nhỏ”, ông Dũng nói. Chỉ biết rằng, nếu tính bình quân giá trị thu nhập, nuôi tôm cho thu nhập cao gấp hai – ba lần so với trồng hành tím trên cùng đơn vị diện tích. Như vậy, tương ứng phải mất hai – ba năm trúng mùa, được giá… hành tím, nguồn thu này mới đủ bù đắp thiệt hại của chỉ một vụ nuôi tôm.
“Cùng thời gian này năm ngoái, giá hành tím chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, tới cuối tháng 2.2012 tiếp tục giảm xuống còn 4.500 – 5.000 đồng/kg, rồi một tháng sau đó còn xuống tới mức 2.000 – 3.500 đồng/kg”, ông Thạch Sương, nhà rẫy trồng 2 công hành tím ở ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải) nhắc về mùa hành thảm hại dịp tết năm rồi. Nhưng dù thất mùa, thất luôn cả giá, nhưng trước đó còn nuôi được mấy vụ tôm, còn năm nay thì… ngược lại. “Dân trồng rẫy ở Vĩnh Hải này, bây giờ đành phải lấy vải vụn để vá những lỗ rách lớn trên áo mình”, ông Sương ví von.
Vô phương bù đắp
Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, ông Hứa Sĩ Hùng cho biết: “Diện tích tôm nuôi luỹ kế cả năm 2012 của toàn thị xã khoảng 22.500 ha, trong số này đã có hơn phân nửa bị chết vì dịch bệnh”. Tỉnh Sóc Trăng đã phải công bố dịch do giá trị thiệt hại trên tôm nuôi chỉ riêng ở Vĩnh Châu ước tính khoảng 114 tỉ đồng, trong số này có “không ít trường hợp phải giải quyết dần số nợ chỉ duy nhất bằng nguồn thu từ hành tím”, chị Dung nói.
Tuy nhiên, có một nghiệt ngã từ nghiệp trồng hành mà tới lúc này chưa có nguồn thu nào bù đắp nổi. Anh Thạch Hươl ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hoà với đôi mắt mù loà từ gần chục năm nay chia sẻ: “Nhà tui sống theo nghiệp làm mướn cho những chủ rẫy trồng hành, nhưng cuối cùng phải lay lắt với cuộc đời toàn bóng tối vì cả nhà có tới bốn người bị mù mắt”. Theo anh Hươl, anh là người thứ hai bị mù sau mẹ anh và gần đây cả hai đứa con của anh cũng bị mù. Hiện tượng mù mắt của người dân theo nghiệp trồng hành tím đã xảy ra ở Vĩnh Châu từ nhiều năm qua. Bà Huỳnh Thị Thuyền ở ấp Cà Lăng A Biển (phường 2, thị xã Vĩnh Châu) năm nay ngoài 60 tuổi, nhưng đã gần 20 năm mù loà.
Ông Lâm Sà Rươl, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện Vĩnh Châu (cũ) cũng là người từng theo nghiệp trồng hành tại địa phương này, cho biết: “Có nhiều nghi vấn cho rằng phấn hành là nguyên nhân chính gây mù loà ở Vĩnh Châu”. Ông Rươl cho rằng, người ta trộn nhiều loại hoá chất với nhau làm chất bảo quản củ hành giống, trong đó có cả các loại hoá chất gây hại cho người chăm sóc như: sherpa, mipcin… Sở dĩ người ta gọi hỗn hợp này là phấn hành vì khi thao tác trực tiếp với nó thì bụi tung mù, giống như bụi phấn bay ra mỗi khi vỗ liên tục vào cái bông phấn lau bảng. Theo ông Rươl, lao động công nhật là những người tiếp xúc trực tiếp với các loại hoá chất này trong mùa đưa hành giống vô lưu trữ, cũng như mùa xử lý giống trước khi đem trồng. Hơn thế, hành giống được bảo quản chung trong nhà ở, ngay bên dưới chỗ ngủ… khiến hầu như tất cả người dân sống ở khu vực trồng hành đều bị ảnh hưởng bởi các loại hoá chất.
Chưa có con số thống kê trùng khớp giữa nhiều cơ quan quản lý địa phương về số lượng người mù hiện có ở Vĩnh Châu, vì số liệu này ngày một tăng. Theo khảo sát của các tổ chức xã hội – từ thiện, tình trạng mù loà ở Vĩnh Châu hiện đã trên 1.000 trường hợp mắc phải, trong đó có khoảng 1/3 đã phải vĩnh viễn sống trong bóng tối. Chính vì vậy, nếu Vĩnh Châu nổi tiếng với đặc sản hành tím, thì xứ này cũng nặng danh là có nhiều người phải mù loà trong quá trình làm ra đặc sản đó.
Với 6.000 ha đất trồng hành tím trong năm nay, ước có khoảng 102.000 tấn củ hành sẽ toả đi khắp nơi, góp hương, tạo vị cho hàng triệu triệu bếp ăn… Chỉ tội nghiệp cho một bộ phận người dân vùng đặc sản, những người mãi mãi không còn dịp để nhìn thấy củ hành tím xứ họ qua tay người đầu bếp, đang và sẽ góp thêm sắc màu cho những mâm cơm ngày tết. Riêng vấn nạn mù mắt do phấn hành, tới lúc này vẫn chưa xác định ra lối thoát khả thi nào. Trong khi đó, nguồn lợi thu về sau mỗi vụ hành tím, ít nghe nhà rẫy nào tính toán dành phần cho chăm sóc sức khoẻ gia đình, mặc dù họ vẫn đang và tiếp tục sống chung với nguy cơ sống mù loà.
Related news
Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14 - 15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Đối với nhiều nông dân ở Bắc Giang, hình ảnh những cán bộ thú y cơ sở ngày ngày đi khắp các thôn, xóm chăm sóc, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã trở nên quen thuộc. Công việc tuy vất vả nhưng với lòng yêu nghề, họ đã góp phần không nhỏ bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuộc vùng trung du có diện tích tự nhiên 2.069 ha. Hiện nay, đất đai được người dân sử dụng trồng rừng kinh tế và trồng cây cao su rất lớn, với diện tích 1.073 ha (trong đó diện tích rừng trồng là 650 ha, diện tích trồng cây cao su là 423 ha), chiếm 51,86% diện tích tự nhiên của địa phương.
Thanh long hiện được xác định là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, đồng thời còn dẫn đầu danh sách trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, địa phương cùng ngành chức năng cần nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp thật căn cơ. Và một trong nhóm giải pháp mà Sở Công thương tính đến có đề cập hướng VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có…
Thành phố Cần Thơ đang triển khai dự án đầu tư trên 4.500 tỷ đồng (90% huy động ngoài ngân sách) thực hiện chương trình phát triển thủy sản đến năm 2020, đưa thủy sản trở thành ngành chủ lực trong kinh tế nông nghiệp.