Thả tôm giống và cách chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi - Phần 1
Để tạo môi trường nuôi thích hợp và hạn chế các tác nhân làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cần theo dõi các thông tin quan trắc cảnh báo về dịch bệnh trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
1. Chọn và thả giống
Tôm là loài khó nuôi, nhạy cảm thời tiết, nên sự thay đổi thời tiết, nguồn nước cuối năm là thử thách lớn đối với tôm.
Thời điểm này khí hậu nóng lạnh bất thường, chất lượng con giống không đảm bảo, để giảm thiểu thiệt hại do thả tôm không đúng thời điểm cần nghiêm chỉnh tuân thủ lịch thả giống theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản địa phương.
1.1. Chọn giống
Chỉ mua tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được kiểm dịch; cỡ giống tôm sú từ P15 – P20; tôm thẻ chân trắng từ P12 trở lên; kích cỡ đồng đều (số lượng tôm khác cỡ không vượt quá 5%).
Kiểm tra tôm giống bằng cảm quan trực tiếp tại bể, yêu cầu:
Kiểm tra trực quan: Chiều dài ≥ 11 mm (từ mũi chùy đến cuối đuôi), tôm có kích cỡ đồng đều, độ lệch không quá 15%.
Hình thái cấu tạo ngoài hoàn chỉnh, chùy, râu thẳng, đuôi xòe. Màu sắc: xám sáng, vỏ bóng mượt. Phản ứng nhanh nhẹn khi có tác động đột ngột. Bắt mồi đều đặn, ruột đầy.
Kiểm tra trên kính hiển vi: Đặt tôm trong đĩa lồng petri hoặc trên lamen có chứa 1 giọt nước biển.
Quan sát mẫu vật trên kính hiển vi có độ phóng đại 100x hoặc 150x các phụ bộ, như chùy, râu A1, A2, chân ngực, chân bụng, chân đuôi, đốt đuôi tìm ra những loài nguyên sinh động vật sống ký sinh. Quan sát bề mặt của vỏ tìm kiếm các tổn thương trên vỏ.
Phương pháp thử gây sốc: Lấy khoảng 20 mẫu tôm cần kiểm tra cho vào cốc thủy tinh 300 ml.
Tính lượng nước ngọt cần cho vào, tiến hành hạ đột ngột độ mặn xuống 15‰ hoặc lượng Formalin cần cho vào để đạt nồng độ 100‰, sau đó theo dõi trong vòng 2 giờ, nếu tỷ lệ sống được 95% là đạt yêu cầu.
Nên gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra xét nghiệm các bệnh do vi rút như bệnh đốm trắng (WSSD), đầu vàng (YHV), bệnh gan tụy (HPV) đối với tôm sú và hội chứng Taura đối với tôm thẻ chân trắng trước khi mua giống.
1.2. Thả giống:
– Mật độ thả: Đối với tôm sú: Nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2; nuôi bán thâm canh 8 – 14 con/m2.
Đối với tôm thẻ chân trắng: 30 – 60 con/m2 (đối với những hộ mới chuyển đổi) và 60 – 80 con/m2 (những hộ có kinh nghiệm và đủ điều kiện).
– Cách thả: Trước khi thả giống cần so sánh các chỉ số môi trường (pH, độ mặn…) giữa trại giống và ao nuôi để điều chỉnh môi trường nhằm tránh gây sốc cho tôm.
Mỗi ao nuôi cần thả đủ lượng giống trong một lần.
Toàn vùng nuôi nên tập trung thả giống trong 3 – 4 ngày.
Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 – 12 giờ để đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l đối với tôm sú và 6 mg/l đối với tôm thẻ chân trắng.
Nên thả tôm vào lúc sáng sớm hay chiều mát, không thả tôm vào lúc trời mưa hay trong điều kiện môi trường ao nuôi chưa thích hợp, thả tôm ở đầu hướng gió để tôm dễ phân tán khắp ao.
Có 2 cách thả tôm cần chú ý như sau:
Cách 1: Thả các bao tôm giống trên mặt ao khoảng 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở bao cho tôm bơi ra từ từ (chỉ áp dụng khi độ mặn của nước trong và ngoài bao tôm chênh lệch không quá 5‰).
Cách 2: Thuần hóa tôm giống ngay tại ao để tôm thích nghi dần với độ mặn của nước ao và các yếu tố môi trường khác.
Chuẩn bị thau/chậu lớn có dung tích khoảng 20 lít và máy sục khí.
Đổ các bọc tôm vào thau, khoảng 10.000 con/thau và sục khí.
Cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm thích nghi dần.
Sau 10 – 15 phút nghiêng thau cho tôm bơi ra từ từ.
Có thể ước lượng tỷ lệ sống của đàn tôm bằng cách thả tôm vào giai lưới có diện tích 2 – 3 m2 và sâu 1 m đặt ngay trong ao, thả vào giai từ 1.000 – 2.000 tôm bột, cho tôm ăn bình thường.
Sau 3 – 5 ngày kéo lưới lên đếm và xác định tỷ lệ tôm còn lại trong lưới.
Một số dấu hiệu cho thấy tôm khỏe và thích nghi với môi trường ao nuôi là không có tôm chết khi thuần trong thau, tôm bơi lội linh hoạt, bám thành thau.
Tôm bơi chìm xuống đáy ao, không bám theo mé nước, không nổi trên mặt nước.
Nếu phải sử dụng dụng cụ thả, nên dùng riêng cho từng ao, rửa sạch, khử trùng dụng cụ trước và sau khi sử dụng để tránh lây lan dịch bệnh.
2. Quản lý thức ăn
Một số tình huống người nuôi cần giám sát chặt chẽ việc cho tôm ăn
TT | Tình huống | Tỉ lệ % so với mức ăn bình thường |
1 | Trong thời gian cho ăn gặp mưa | 50% hoặc đợi sau khi hết mưa |
2 | Tảo phát triển dày đặc | 70% trong 3 ngày hoặc cho đến khi tảo giảm |
3 | Tôm đang lột xác (pH = 8 – 9) | 30% vào buổi chiều, 50% vào buổi tối và 110% vào buổi sáng |
4 | Tôm đang lột xác (pH < 8) | 80 – 90% |
5 | Trời có gió nhiều | 60% |
6 | Tảo tàn | 50% cho đến khi môi trường được làm sạch bằng quạt khí mạnh và sử dụng vi sinh tốt |
7 | Thay nước ít (các thông số môi trường có sự khác biệt nhỏ) | 80% cho 2 bữa ăn |
8 | Thay nước nhiều (các thông số môi trường có sự biến đổi lớn) | 50% trong 1 ngày |
9 | Sử dụng một vài hoá chất | 0% cho 1 bữa ăn (nhịn ăn 1 bữa) |
10 | Ôxy thấp và tôm nổi đầu vào buổi sáng | 0% trong 1 ngày |
11 | Có xuất hiện khí độc | 60 – 70% cho đến khi khí độc giảm |
12 | Thời tiết thay đổi lớn | 70 – 80% cho đến khi thời tiết ổn định |
13 | Nhiệt độ nước dưới 220C hoặc trên 350C | Ngưng cho ăn đến khi nhiệt độ nước phù hợp |
Related news
Chúng tôi cũng tranh cãi về các chiến lược đã đề nghị về việc triệt trùng hoàn toàn đáy ao và nước ao trước khi thả giống để loại bỏ các đường truyền khả thi
Sự thành bại nuôi tôm nước lợ phụ thuộc rất lớn vào giám sát, quản lý môi trường ao nuôi tôm, đặc biệt thời gian ban đêm.
Đó là chia sẻ của TS Nghiêm Vũ Khải (ảnh), Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với Tạp chí Thủy sản Việt Nam