Tàu đóng xong, nằm bờ 4 tháng mới có lưới
Tàu cá của ông Hằng là tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67.
Tàu dài 25m, rộng 7,2m, công suất máy chính 880CV, được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ nghề lưới vây.
Ông Hằng cho biết: Hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu vỏ thép của ông với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bình Định là trên 18 tỷ đồng, trong đó chi phí đóng tàu và máy móc thiết bị 14,84 tỷ đồng; chi phí ngư lưới cụ 3,17 tỷ đồng.
Thiết kế mẫu tàu và mẫu ngư lưới cụ đều do Bộ NNPTNT ban hành.
Tuy nhiên, tàu đã đóng xong và bàn giao, còn thiết kế mẫu lưới vẫn chưa có, nên ông không thể ra khơi.
Tương tự tình cảnh ông Hằng là ông Nguyễn Chì, ở cùng Khu vực 7, phường Hải Cảng.
Ông Chì cũng ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép với Công ty Đóng tàu Cam Ranh theo mẫu thiết kế của Bộ NNPTNT.
Theo kế hoạch, ngày 2.10.2015, công ty hạ thủy tàu của ông tại Cam Ranh, nhưng do chưa có lưới nên ông đã liên hệ với công ty lùi thời gian hạ thủy.
Ông Hằng và ông Chì đều rất bức xúc vì thời điểm tàu hạ thủy đang là mùa cá ngừ sọc dưa, nhiều tàu trúng lớn, trong khi họ không thể ra khơi.
Xót xa hơn nữa là tàu càng chậm ra khơi, tiền lãi vay càng nhiều (tiền gốc và lãi phải trả mỗi quý 425 triệu đồng).
“Chưa biết lúc nào mới có lưới để ra khơi nên tôi rất lo.
Nhiều anh em đi bạn đợi chờ lâu quá mà tàu chưa ra khơi, nên họ đã đi bạn cho tàu khác”- ông Hằng lo lắng.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định thông tin, Nghị định 67 có quy định khi ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép và mua ngư lưới cụ phải có mẫu ngư lưới cụ được phê duyệt.
Tuy nhiên, Bộ NNPTNT lại không quy định rõ đơn vị nào được phê duyệt nên cần phải làm văn bản báo cáo gửi Bộ.
Ông Hổ cho biết thêm: “Hiện, đã có mẫu lưới cho tàu vỏ thép do Trường ĐH Thủy sản Nha Trang thiết kế và ngành chức năng trong tỉnh đã thẩm định xong, nhưng vẫn phải chờ ý kiến ngoài Bộ.
Nếu Bộ đồng ý để Sở NNPTNT chịu trách nhiệm về mẫu lưới thì chúng tôi sẽ phê duyệt ngay để ngân hàng giải ngân, ngư dân nhanh chóng được vươn khơi”.
Thông tin mới nhất là sau gần 4 tháng chờ đợi, những ngày đầu năm 2016 này ông Hằng đã tiếp nhận lưới cho tàu Hải Cảng 1.
Tuy nhiên, việc lắp đặt lưới mất 1 tháng rưỡi nên phải đến sau Tết Nguyên đán, tàu mới bắt đầu đi chuyến đầu tiên được (trong khi hiện nay đã vào mùa đánh bắt cao điểm).
Related news
Trước những khó khăn về giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh liên miên…, người nuôi thủy sản vùng ĐBSCL đã tìm nhiều hướng đi mới để thích ứng với xu hướng hội nhập và vươn lên làm giàu.
Ngay khi xảy ra sự việc, thành phố Biên Hòa đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai; chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên – Môi trường trực tiếp đến làng bè, hỗ trợ dân khắc phục hậu quả, hướng dẫn và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn tình trạng cá bị chết, lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân.
Ngày 4.1, nhiều hộ nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai), đoạn thuộc TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phải gom hàng chục tấn cá chết đưa đi tiêu hủy.