Lúa thơm - tôm sạch, hướng đi mới của nhà nông
Nuôi tôm sạch
Không nuôi tôm liên tục qua nhiều vụ liên tiếp, ông Nguyễn Văn Thưởng, ấp Nhơn Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) chọn cách thả nuôi 1 vụ tôm rồi đến 1 vụ lúa. Theo ông Thưởng với cách nuôi này, con tôm sẽ phát triển khỏe mạnh, môi trường không bị ảnh hưởng. “Nuôi 1 vụ tôm rồi đến 1 vụ có lời và rất an tâm.
Với 1ha diện tích thả nuôi, năm 2014 tôi bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí, thu lời được 200 triệu đồng. Vụ lúa sau đó tôi thu hoạch được 8 tấn, lời được gần 8 triệu đồng. Hiện nay tôi đang thả lại tôm và hứa hẹn sẽ cho lãi cao” – ông Thưởng khoe.
Ông Phạm Đăng Thập (giữa, ngụ ở phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) với mô hình nuôi cá chép giòn. Ảnh: Trọng Bình
Cũng như ông Thưởng, ông Trần Lại Bé, ngụ cùng ấp cho biết, làm 1 vụ lúa rồi đến 1 vụ tôm sẽ “ăn chắc”. Dẫn chúng tôi ra mô hình của mình, ông Bé vui vẻ nói: “Mấy chú thấy không, lúa này tôi trồng trên ao nuôi tôm, phát triển rất khoẻ, thân mập, xanh mướt, không dịch bệnh. Sở dĩ nó phát triển như vậy là do dinh dưỡng chất mùn từ vụ tôm trước để lại. Vụ trước tôi thu lãi hàng chục triệu đồng từ con tôm trong khi nhiều hộ khác bị thiệt hại vì dịch bệnh, giá bán rẻ”.
Theo phóng viên tìm hiểu, không riêng gì 2 hộ dân trên mà có đến hàng trăm hộ dân ở huyện Mỹ Xuyên đang nuôi tôm theo mô hình tôm – lúa. “Hiện toàn huyện Mỹ Xuyên có khoảng 10.000 - 12.000ha lúa được gieo sạ trên ao tôm. Sau vụ lúa sẽ nuôi tôm đạt hiệu quả cao, dịch bệnh từ các vụ khác sẽ không tồn động lại. Đây cũng là bước tiến mới của huyện trong việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp”– ông Sử Trí Cường - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Mỹ Xuyên cho biết.
Theo ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, mô hình 1 vụ tôm 1 vụ lúa đã phát huy hiệu quả tích cực, huyện đang phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan phát triển lên đề án “Lúa thơm- tôm sạch”. Theo đề án này, thì người dân sẽ gieo sạ lúa thơm và áp dụng bằng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm.
Tìm hướng đi mới cho con cá
"Cá lăng nha có tiềm năng phát triển tốt ở ĐBSCL. Để phục vụ cho xuất khẩu bền vững, các ngành chức năng cần hỗ trợ để người dân mở rộng diện tích nuôi loại cá này và hỗ trợ về mặt kỹ thuật…”. |
Trước thực trạng nhiều loại thuỷ sản bấp bênh về giá cả, không có nơi tiêu thụ, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã “tự cứu mình” bằng cách thử sức mình với những loài nuôi hoàn toàn mới.
Điển hình như nông dân Phạm Đăng Thập (ngụ ở phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) với mô hình nuôi cá chép giòn. Ông Thập vui mừng nói: “Tôi đã ký hợp đồng bán cá chép giòn sang Nga. Bước đầu, tháng 1.2016 sẽ xuất khoảng 22 tấn đầu tiên để doanh nghiệp bên đó chế biến món ăn”.
Cũng theo ông Thập, với diện tích mặt nước khoảng 3ha và với giá bán từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, ông thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Sở dĩ ông Thập có được thành công trên là do nuôi cá chép bằng đậu tầm cùng với một số kỹ thuật rất riêng. Cá chép ông nuôi khi chế biến có thịt ngọt, béo và rất giòn. Do lạ miệng nên nhiều người hiếu kỳ tìm mua cũng như học hỏi mô hình.
Như ông Thập, ông Trương Văn Điền ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng tìm cho mình hướng đi mới trong nuôi thủy sản với mô hình sản xuất cá lăng nha thương phẩm và bán cá giống. Với mô hình trên, ông Điền thu nhập được khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm và được mệnh danh là “vua cá lăng nha”. Hiện nay, ông Điền đã có 2ha diện tích mặt nước nuôi cá lăng nha, đang tạo việc làm, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng chục thanh niên, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh nuôi theo.
Related news
Ngày 25.12, tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của Tổng cục Thuỷ sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo, phải tập trung kiên quyết xử lý dứt điểm 2 điểm yếu cốt tử là khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho ngành thuỷ sản.
Thời tiết thuận lợi nên năm 2015, thực sự là một năm bội thu của ngư dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình).
Từ ngày có đập thủy điện Hòa Bình dòng sông Đà trở nên hiền hòa, không xảy ra nước lũ sóng dữ như xưa, trở thành lợi thế nuôi cá lồng của không ít hộ nông dân sinh sống ven bờ.