Tăng thuế xuất khẩu sắn lát
Theo đó, kể từ ngày 20.6, sắn lát XK phải chịu thuế 5% thay vì 0% trước kia. Hiện tại, riêng Bình Định có tới 163.300 tấn hàng mắc kẹt trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Doanh nghiệp không kịp trở tay
“Bao nhiêu năm làm hàng XK, chưa bao giờ tôi thấy lộ trình chính sách lại gấp gáp, bất ngờ như vậy. Ngày 6.5, Bộ Tài chính ký ban hành, ngày 20.6, thông tư 63 bắt đầu có hiệu lực. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là chúng tôi và bà con nông dân không hề được tham vấn” - ông Trần Vĩnh Long - GĐ Cty TNHH thương mại Hoàng Long (TP.Quy Nhơn), gay gắt.
Do đặc thù canh tác ở miền Trung - Tây Nguyên, mùa thu hoạch sắn thường kéo từ tháng 10 năm trước sang tháng 4 năm sau. “Hiện nay, việc thu mua, ký kết hợp đồng nguyên tắc với đối tác nước ngoài đã đâu vào đấy. Biểu thuế mới bất thần trút lên vai thế này, sao chúng tôi gánh nổi” - GĐ Cty TNHH thương mại Thành Tâm Nguyễn Thị Xuân Ngọc nói. Thành Tâm đang “ôm” 50.000 tấn sắn. Bà Ngọc tính toán: “Xuất cũng chết. Thuế tăng 5%, tương đương
250 đồng/kg, cộng chi phí đầu vào trên 500.000 đồng/tấn; sơ bộ, thiệt hại phát sinh lên đến 12 tỉ đồng. Giữ lại khác nào sống chung với lửa vì áp lực tiền kho bãi, tiền phạt hợp đồng, lãi vay ngân hàng, sản phẩm xuống cấp...”.
“Bao sân” mặt hàng sắn lát XK suốt 20 năm nay ở Gia Lai, bà Hồ Thị Hiền - chủ DNTN Phú Lợi (Pleiku, Gia Lai) - cho biết: Phú Lợi sắp lún sâu vào vũng lầy kinh tế với lượng hàng tồn kho hơn 100.000 tấn, tổn thất dự kiến chừng 20 tỉ đồng. Bà Hiền nói bà hoàn toàn chia sẻ trước “lời kêu gọi” từ đồng nghiệp Bình Định trong đơn tập thể gửi nhiều bộ, ngành T.Ư và UBND 18 tỉnh trải dài từ Nam tới Bắc, rằng: “Những người làm chính sách nên một lần đến Tây Nguyên, đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống nhờ cây sắn để tận mắt nhìn thấu thực trạng”.
Nông dân chịu đòn
Đáng chú ý, theo ông Lê Viết Chín - đồng sở hữu Phú Lợi: “Căn cứ mà Bộ Tài chính nêu ra để tăng thuế là không đúng. Chẳng hạn, họ lấy giá XK (4.867.570 đồng/ tấn) trừ giá thu mua (4.300.000 đồng/ tấn) rồi cho rằng DN lãi hơn 5.67.570 đồng/ tấn. Nên khi điều chỉnh thuế suất từ 0% lên 5%, DNXK vẫn có thể lãi 324.192 đồng/ tấn. Tính toán kiểu vậy sao được! Thu mua sắn XK của nông dân, DN còn phải chịu rất nhiều chi phí như lãi ngân hàng, kho bảo quản, tỉ lệ hao hụt 10 - 15%, rồi chi phí khử trùng, giám định, các loại phí XK. Lỗ là cầm chắc chứ đừng nói lãi 324.192
đồng/tấn. Chỉ hao hụt thôi đã mất 600.000 đồng/tấn rồi”. Ông Chín kiến nghị: “Chỉ nên nâng thuế suất lên 1% và nên bắt đầu từ 2016”.
Xa hơn, ông Chín dẫn lời Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại hội nghị phát triển sắn bền vững hôm 18.5 để chứng minh sự vùng vẫy của DN không xuất phát từ lợi ích cục bộ: “Về lý thuyết, thuế XK đánh vào người nông dân chứ không phải vào DN. Vấn đề là cần đưa ra mức thuế hợp lý theo hướng tạo thuận lợi cho DN mua sắn nông dân theo giá thị trường, đồng thời có ưu đãi giúp DN đầu tư vào chế biến”. Thuế suất tăng tác động tới đời sống nông dân là cận cảnh dễ thấy. Nói như ông Trần Vĩnh Long: “DN chỉ chết mùa này thôi. Sau 20.6, chính người trồng sắn chứ không ai khác mới là đối tượng mang vác gánh nặng. Không ai kinh doanh để rồi chịu trắng tay, thua lỗ”.
Xin dãn lộ trình áp thuế
Hoạt động XK sắn lát khô hiện đặc biệt sôi động ở miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ riêng Bình Định, niên vụ 2014 - 2015, 11 DNXK thu mua được gần 1 triệu tấn. 5 tháng đầu năm, có 815.700 tấn xuất sang Trung Quốc; lượng hàng “mắc kẹt” hiện chừng 163.300 tấn. Con số tồn kho chắc chắn còn lớn hơn nhiều nếu tính cả Tây Nguyên, mà trọng điểm là Gia Lai, Kon Tum. Cho rằng việc tăng thuế nhằm hạn chế xuất thô, mở rộng cơ hội tiếp cận nguyên liệu cho ngành chế biến sản phẩm sinh học từ sắn là cần thiết nhưng Trưởng phòng Quản lý XNK, Sở Công Thương Bình Định Nguyễn Văn Tuyển cũng xác nhận tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” quanh lát sắn khô: “Chúng tôi đã tiếp xúc DN và báo cáo tình hình lên UBND tỉnh”.
Về phần mình, chính quyền nhiều tỉnh đang ráo riết đi những bước cuối cùng góp phần giải tỏa bế tắc. Tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải chỉ thị Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Tài chính “khẩn trương dự thảo văn bản, trình UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Bộ Tài chính xem xét dãn lộ trình áp thuế, tạo điều kiện cho DN giải phóng hàng tồn kho và chuẩn bị kế hoạch, phương án kinh doanh theo chính sách mới”. Tại Gia Lai, hôm nay (17.6), cơ quan thuế và hải quan sẽ làm việc, nghe thông tin từ DNTN Phú Lợi, trước ghi có kiến nghị chính thức gửi UBND tỉnh.
Related news
Chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ năm nay, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các địa phương vận động các hộ chăn nuôi chuẩn bị trên 30.000 con vịt đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của bà con nhân dân trên địa bàn.
Mới đây nhất, đầu tháng 6, tại An Giang - vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long- các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra một khuyến cáo rất... lạ: Chuyển đổi trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô, nông dân sẽ hưởng lợi gấp 3 lần!
Từ một hộ nghèo nhất xã, nhờ nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nguyễn Tất Đạt (thôn Đồi Cao I, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp liên tiếp tái diễn khiến nông dân “hụt hơi” trên mảnh đất của mình. Tháng 5, tháng 6 hàng năm là cao điểm mùa thu hoạch các loại trái cây của các nhà vườn như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, măng cụt…
Với việc sản xuất tập trung, sử dụng một loại giống lúa, cùng áp dụng một biện pháp canh tác, những mô hình “cánh đồng một giống” được triển khai trong vụ xuân năm 2013 tại huyện Phú Bình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.