Tăng Thu Nhập Nhờ Mô Hình Nuôi Ếch Trong Vèo

Anh Nguyễn Văn Lũy, sinh năm 1964 ngụ ấp 1, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Gia đình anh có 5 nhân khẩu (trong đó có 2 lao động chính), thu nhập chủ yếu dựa vào diện tích đất canh tác là 2.000m2.
Từ năm 2013, qua thông tin từ báo đài và học hỏi từ những bà con khác, anh thấy mô hình nuôi ếch thích hợp với hộ gia đình mình, nên anh bắt đầu tập tành nuôi ếch trong vèo. Các vèo nuôi ếch đặt trong ao có diện tích 1.200m2, mức nước sâu 1,7m và có cống cấp thoát nước.
Mỗi vèo có kích thước 4x8 m, anh thả 3.000 con ếch giống, với 10 vèo tổng cộng là 30.000 con. Sau mỗi đợt nuôi 2 tháng anh thu được bình quân 6 tấn ếch (cỡ 4con/kg) và với giá trung bình 26.000đ – 30.000 đ/kg anh thu về khoảng 150 - 175 triệu đồng.
Chi phí 1 vụ nuôi của anh như sau:
- Ếch giống 30 triệu đồng.
- Thức ăn cho ếch 6,6 tấn (loại 26 - 30% đạm) khoảng 100 triệu đồng
- Thuốc, hóa chất, vitamin: 5 triệu đồng.
- Chi phí khác (khấu hao vèo, dụng cụ khác…): 3 triệu đồng.
Như vậy mỗi đợt anh lãi 20 - 30 triệu đồng, mỗi năm anh nuôi được 5 đợt, thu lãi trên 120 triệu đồng.
Anh chia sẻ một số kinh nghiệm nuôi ếch trong vèo như sau:
- Phải chọn giống ếch tốt, khỏe có nguồn gốc tốt, giá cả thích hợp, đặc biệt là phải đồng cỡ, không nhiễm mầm bệnh …
- Cho ăn 3 lần vào những thời điểm là 7giờ, 16giờ, và 21giờ, trong đó buổi tối cho ếch ăn nhiều hơn. Thức ăn nên rãi đều khắp vèo nuôi, tránh ếch dành thức ăn với nhau.Thức ăn nên bảo đảm hàm lượng đạm ít nhất là 26% đạm.
- Để phòng nước xấu làm ếch bệnh, chú ý nên thay nước ao hàng ngày để tránh nước dơ, ô nhiễm. Vệ sinh khu vực nuôi, nhất là vèo ếch bằng cách định kỳ 7 - 10 ngày nên phun xịt muối, kháng sinh Amoxilin, Vimenro…
- Mùa nắng nên làm lưới che mát khu vực nuôi bằng lưới, nên phun nước làm mát ếch trong những lúc trời trưa nắng, mùa mưa thì không cần che mát cho ếch nuôi.
- Để phòng bệnh các bệnh niễng cổ, mù mắt, đỏ hậu môn… anh dùng kháng sinh cho ăn 3 ngày 1 đợt. Ngoài ra, trộn Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn liên tục suốt vụ nuôi… góp phần tăng sức để kháng cho ếch nuôi.
- Do chọn ếch giống đều cỡ và cho ăn đầy đủ, nên anh thấy không cần thiết phải lựa ếch ra riêng sau 1 thời gian nuôi, vì chênh lệch cỡ ếch không nhiều.
- Trên vèo nên căng dây cước trong cách nhau 50 cm, để phòng chống chim cò, gây hao hụt đầu con.
- Để tăng thêm thu nhập, anh thả thêm 15 – 20 kg giống cá mùi và 2.000 con giống cá tra vào ao (1.200m2), sau 6 tháng anh bán cá thu được thêm 26 triệu đồng.
- Việc tiêu thụ ếch không khó, nhưng giá cả tăng giảm tùy từng thời điểm, ếch thịt bán có giá từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.
- Nếu không có công lao động nhiều, theo anh cũng không cần sản xuất ếch giống để tự cung cấp, vì công việc sản xuất ếch giống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, sẽ làm người nuôi phân tâm trong nuôi ếch thịt.
Mô hình nuôi ếch trong vèo của anh Lũy, với diện tích mặt nước chỉ 1.200m2 cho lợi nhuận cao hơn 10 lần làm lúa đơn thuần, thì cũng đáng để bà con làm theo.
Related news

Thời tiết sau Tết Nguyên đán đã nắng ấm, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Phú Yên đang thả giống. Thế nhưng, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều hộ nuôi tôm không yên tâm. Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương có nuôi tôm tăng cường quản lý vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.

Tuy vậy, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta còn thiếu tính bền vững, tình trạng xả nước thải trực tiếp từ các ao hồ ra môi trường diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi chưa được quan tâm đúng mức, nên dịch bệnh đã phát sinh ở nhiều địa phương. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng chất lượng không cao, nên giá trị xuất khẩu còn thấp…

Cường độ âm thanh dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 đề xi pen trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh từ 21 giờ đến 6 giờ sáng. Chủ cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện quy định về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh. Đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở nuôi chim yến sau thời điểm thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch và được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện…

Năm 2010, từ đôi vịt trời vướng vào lưới đánh cá, anh Tô Quang Dần, thôn Đông Phú, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã đem về nuôi và thuần hóa. Sau khoảng bảy tháng, vịt trời đẻ lứa trứng đầu tiên, anh Dần đem trứng cho gà ấp để nhân giống. Sau bốn tháng chăm sóc, lứa vịt trời đầu tiên được xuất bán với giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/con. Trước hiệu quả kinh tế nhờ nuôi vịt trời đem lại, anh Dần đã tăng quy mô đàn.

Chăm sóc dâu đầy đủ; bón cân đối các loại phân đạm-lân-kali, đủ định lượng, đúng lúc và đúng cách. Hái dâu đúng kỹ thuật và theo yêu cầu tuổi tằm: tằm nhỏ (tuổi 1 đến tuổi 3) ăn lá dâu non, tằm lớn (tuổi 4 - tuổi 5) ăn lá dâu thành thục và lá già. Sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch foocmol 0,2% trước và sau mỗi lứa nuôi.