Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm những tháng cuối năm
Từ tháng 6 đến nay, Chi cục Thú y đã chỉ đạo Trạm thú y các huyện, thành phố tăng cường bám sát cơ sở để nắm chắc tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo hằng tuần, hằng tháng và đột xuất từ xã, thị trấn về Trạm thú y huyện và Chi cục Thú y tỉnh.
Triển khai chương trình giám sát cúm gia cầm và cúm lợn của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ tháng 2 đến tháng 7-2015, Chi cục đã lấy 1.800 mẫu huyết thanh và 1.800 mẫu swab của lợn, gia cầm tại 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Ngoài công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân theo lịch, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi.
Cụ thể đã tiêm được 5.100 liều dịch tả lợn; trong đó, Xuân Trường 2.400 liều, Hải Hậu 1.700 liều, Vụ Bản 1.000 liều. Ngoài ra, Chi cục Thú y đã phối hợp với Cty CP Dược và vật tư thú y Hanvet tiêm 200 liều vắc-xin phòng dịch tả cho lợn tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).
Các địa phương đã tích cực thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho GSGC đợt 2 năm 2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Toàn tỉnh đã sử dụng 4.097 lít hóa chất khử trùng và 97 tấn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, bảo vệ chăn nuôi.
Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từng bước được tăng cường, dần đi vào nề nếp và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Trong tháng 7 và 8-2015, đã kiểm dịch vận chuyển được 15.095 con lợn sữa, 13.786 con lợn thịt, gần 1,3 triệu con gia cầm giống, 85.650 con gia cầm thịt; gần 1,4 triệu quả trứng gia cầm, 36.098kg thịt đông lạnh…
Hiện các huyện, thành phố đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đợt tiêm phòng vắc-xin vụ thu 2015 và tích cực vận động các hộ nuôi chủ động mua các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi như: vắc-xin tai xanh, vắc-xin lở mồm long móng Aftopor type O để tiêm phòng cho đàn lợn; vắc-xin cúm H5N1, Niu-cát-xơn, tụ huyết trùng gia cầm…
Nông dân xã Yên Bằng (Ý Yên) phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC trong nước đang diễn biến phức tạp; dịch cúm gia cầm đang diễn ra ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Quảng Nam; dịch lở mồm long móng diễn ra ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh…
Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực nhập con giống vào nuôi để chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; do đó nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do dịch bệnh gây ra, từ nay đến cuối năm, các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Đôn đốc, chỉ đạo chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Giao trách nhiệm trưởng thôn, xóm nắm chắc tổng đàn, phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là cho người chăn nuôi, người kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC.
Thông tin kịp thời, chính xác các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, tình hình dịch bệnh GSGC trên địa bàn, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Khi phát hiện GSGC ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch lây lan ra diện rộng. Làm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành ở huyện, xã; kiểm soát chặt chẽ, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán, giết mổ GSGC.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; các cơ sở giết mổ GSGC, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm động vật; các cơ sở chăn nuôi để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thú y.
Từng bước nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại; nhập con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng an toàn dịch; thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Related news
Gia đình chị Phan Thị Thùy (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ đây đã có cơ ngơi khang trang nhờ nuôi gà siêu trứng, với thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Hiện tại ở Hải Dương, vải trong vùng sản xuất theo VietGAP đang cho thu hoạch, giá bán 15-16 nghìn đồng/kg, cao hơn năm trước 3.000-4.000 đồng/kg.
Hiện nay do hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu của huyện Thuận Bắc, mực nước chỉ còn hơn 1,8 triệu m3, không đủ phục vụ tưới nên các địa phương Phước Kháng, Phước Chiến, Công Hải… hưởng lợi từ hệ thống tưới này phải tạm ngừng việc sản xuất vụ hè-thu.
Ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Đó là điều mà anh Nguyễn Văn Vũ, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đúc rút được sau gần 20 năm gắn bó với đồi rừng. Với hơn 20 ha quế, cùng vườn ươm quế giống quy mô 1 triệu cây/ năm, anh Vũ đã trở thành triệu phú từ loại cây trồng này.
Lần đầu tiên mô hình nuôi gà trong phòng lạnh đã được trang trại của anh Trần Văn Nam tại thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) áp dụng khá thành công.