Tân Kỳ (Nghệ An) Hiệu Quả Từ Nuôi Trồng Thủy Sản
Những năm qua, kết hợp với chính sách hỗ trợ của nhà nước, nông dân huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chuyển đổi được nhiều diện tích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, tận dụng mặt nước hồ đập lớn để thả cá và nuôi cá lồng. Bởi vậy, hàng năm diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của Tân Kỳ tăng từ 40 - 50 ha, sản lượng đánh bắt cá năm sau cao hơn năm trước.
Xã Tân An có nhiều hệ thống hồ, đập lớn, nhỏ, người dân tận dụng mặt nước để nuôi thả cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đập Đô Lương 1 của xóm Đô Lương 1, có diện tích mặt nước rộng 10 ha. Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông Lê Văn Tứ được chính quyền địa phương cho nhận đấu thầu con đập để nuôi thả cá. Bằng cách nuôi các loại cá truyền thống: trôi, trắm, mè, chép... hàng năm, gia đình ông Tứ đánh bắt được hàng tấn cá thịt, bán cho thương lái đi tiêu thụ trong vùng.
Nhận thấy nuôi cá có hiệu quả kinh tế, gia đình ông Tứ còn đầu tư đào 2 ao nuôi thả cá trong vườn nhà. Cách đây 2 năm, được sự hỗ trợ của nhà nước, ông Tứ còn đầu tư đóng 2 lồng nuôi cá, thả trên con đập của ông nhận thầu. Trong đó, một lồng để ươm cá giống, đủ để cung ứng lượng cá giống cho mình; một lồng có kích thước trên 15m3 dùng để nuôi cá thịt. Chiếc lồng được ông ngăn đôi, một nửa nuôi cá trê, một nửa nuôi cá trắm. Đối với cá trắm, ông Tứ tận dụng thân cây chuối, lá chuối, kết hợp lá sắn, cỏ... có sẵn trong vườn nhà, cho cá ăn, 1 năm thu hoạch 1 lứa, được trên dưới 1 tấn cá.
Đối với cá trê, ông thả 1 lứa 500 con, nuôi bằng hình thức bán công nghiệp, sau 3 tháng thu hoạch một lứa, trọng lượng đạt 2 kg/con. Như vậy, toàn bộ hệ thống mặt nước của gia đình ông Tứ quản lý để nuôi cá, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn cá thịt, cung cấp cho thị trường trong huyện.
Tuy nhiên, theo ông Tứ thì nuôi cá trong hồ đập, vào mùa mưa, lũ, thường bị ngập nước, gây tràn thân đập, cá bị thất thoát nhiều, nên hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa, gia đình phải tăng cường đánh bắt, đồng thời đầu tư dụng cụ che chắn, nhằm ngăn chặn cá xuôi theo dòng nước.
Xã Tân An là địa phương có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản nhất huyện. Anh Phạm Thái Phiên - Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết: Trên địa bàn xã có 130 ha mặt nước hồ đập, đã được người dân nhận đấu thầu để nuôi thả cá. Trên địa bàn xã còn có khoảng 30% số hộ đào ao nuôi cá, theo hình thức quảng canh. Hàng năm, Tân An đánh bắt khoảng 90 tấn cá thịt. Nhiều hộ khá lên nhờ nuôi cá.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, toàn huyện Tân Kỳ hiện có hơn 720 ha hồ, đập, hơn 526 ha ao, hồ nhỏ, hơn 17 ha diện tích cá lúa và 11 lồng nuôi cá trên các hồ đập. Hàng năm, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện có chiều hướng tăng từ 40 - 50 ha, chủ yếu ở các xã: Hương Sơn, Tân An, Tân Xuân và Kỳ Sơn.
Nguyên nhân, từ khi UBND tỉnh có Quyết định số 09/2012 về việc ban hành quyết định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012 - 2015, một số người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá.
Với diện tích mặt nước nuôi thả cá như vậy, mặc dù nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến, nhưng năng suất cá ước đạt 0,8 tấn/ha (đối với ao, hồ nhỏ), 0,5 tấn/ha (đối với hồ, đập lớn), sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của Tân Kỳ mỗi năm ước khoảng 1.770 tấn. Với sản lượng đánh bắt như vậy, cơ bản cung cấp đủ thực phẩm cá tươi trên địa bàn huyện...
Cái khó của Tân Kỳ là trên địa bàn huyện chưa có trại cá giống cấp 1, giống thương phẩm, chỉ có một số hộ tận dụng ao hồ nhỏ để ươm cá giống, mang tính tự cung, tự cấp. Hàng năm, vào mùa nuôi thả cá, người dân phải xuống Đô Lương, Yên Thành... để mua các loại cá giống về nuôi, gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá?!
Related news
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá tra tinh chế có xu hướng tăng, còn sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh lại giảm.
Nhằm động viên, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công và công nghiệp nông thôn (CNNT); những tháng đầu năm 2015, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương (KCXTCT) đã phối hợp với các huyện, đơn vị sản xuất kinh doanh lập danh sách đăng ký hỗ trợ nguồn khuyến công, đồng thời nắm bắt tình hình đầu tư, sản xuất của các cơ sở CNNT.
Đến Quang Bình mùa này, trải rộng trước mắt chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của những đồng lúa, nương ngô và những nương chè shan. Nhiều chị em hội viên phụ nữ nơi đây đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi lợn, trồng chè, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình “5 cây, 2 con”.
Trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt số trang trại, gia trại chăn nuôi sản xuất quy mô ngày càng tăng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi ngày càng được người dân quan tâm ứng dụng.
Vừa qua, tại UBND xã Dậu Dương, Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức hội nghị tổng kết, tham quan đầu bờ mô hình trình diễn giống lúa lai GS55, GS19, được thực hiện trên đất 2 lúa thuộc khu 7, xã Dậu Dương.