Tam Nông Trúng Giá Cá Lóc, Cá Tra, Tôm Càng Xanh
Nông dân huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện đang thu hoạch cá lóc, cá tra, tôm càng xanh thương phẩm với niềm vui trúng mùa - trúng giá.
Đến ngày 06/11/2013, nông dân trong huyện đã thu hoạch gần 5.000 tấn cá lóc thương phẩm, 37.349 tấn cá tra và hơn 338 tấn tôm càng xanh. Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc, giá dao động từ 38.000 đồng/kg đến trên 40.000 đồng/kg (tăng hơn cùng kỳ năm trước từ 2.000 - 5.000 đồng/kg), cá tra giá trên 23.000 đồng/kg, tôm càng xanh trứng với giá dao động 120.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước) và tôm xô (loại 40 con/kg) giá bán 230.000 đồng/kg.
Theo đa số người nuôi cá lóc ở xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), đầu tư trên dưới 4kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá lóc thương phẩm. Trong khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thì sản phẩm thủy sản đang được người tiêu dùng quan tâm nên việc tiêu thụ dễ dàng, giá bán tăng cao. Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi khoảng 15 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2012.
Bà con nông dân nuôi tôm càng xanh ở xã Phú Thành B cho biết, việc thu tỉa tôm trứng là nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh, tăng kích cỡ tôm loại 1 nhiều và tiết kiệm được lượng thức ăn cho tôm đáng kể. Tôm càng xanh dễ nuôi và nguồn thức ăn cho tôm dồi dào, giá thức ăn rẻ, nguồn nước tốt, có thể nuôi số lượng lớn, con tôm tăng trưởng nhanh, đồng đều và tôm bán được giá, cho lợi nhuận rất hấp dẫn.
Toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hiện có hàng trăm hộ nông dân tận dụng diện tích mặt nước ao hầm quanh nhà và nước lũ dâng cao trên ruộng để nuôi thủy sản, với khoảng 1.000 ha. Trong đó, có trên 608 ha tôm càng xanh, trên 261 ha nuôi cá tra, hơn 51 ha nuôi cá lóc và 63,2 ha nuôi cá rô đồng, cá rô phi, cá hường, cá trê các loại; 17 bè nuôi cá basa và 267 mùng, vèo nuôi lươn, ếch, cá, rắn các loại.
Related news
Khởi nghiệp từ 35 con lợn, nhờ lao động cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Lê Văn Hoàng, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (Hoà Vang - Đà Nẵng) đã làm giàu.
Đức và Đô là hai anh em ruột, lần lượt được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc lần thứ IV (2009) và lần thứ VII (2013).
Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.
Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.
Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.