Tái cơ cấu ngành thủy sản còn lắm gian truân

Khó khăn chồng chất
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, đến nay mới có 36/63 tỉnh, thành triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và tiến độ vẫn chậm chạp. Đầu tiên là sự phát triển vượt tầm kiểm soát của tôm thẻ chân trắng ở nhiều địa phương đang dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, tạo áp lực lớn về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh báo ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguy cơ dịch bệnh tăng cao…
Việc triển khai rà soát, quy hoạch cá tra của nhiều địa phương còn chậm, người nuôi và doanh nghiệp vẫn thiếu vốn sản xuất và khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Công nghệ nuôi cá rô phi chưa có quy trình chuẩn…
Những tồn tại này đang tạo áp lực không nhỏ cho sự phát triển của ngành.
Dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả của Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản vẫn chưa đạt được như mong muốn
“Chính sự phát triển quá nóng diện tích tôm thẻ chân trắng đã khiến dịch bệnh xuất hiện tràn lan, sản lượng thu hoạch giảm… Đặc biệt, giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh từ 20 - 30% gây thiệt hại cho người nuôi.
Hiện, liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, gắn sản xuất với thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo, tình trạng thiếu điện lưới và hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn chưa tốt…”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.
Các tháng đầu năm 2015, ngành thủy sản trải qua những ngày ảm đạm khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm, tác động trực tiếp đến thu nhập nhà nông. Nguyên nhân chính do giá cả, chất lượng của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh kém hơn hẳn so với những mặt hàng cùng loại.
Cụ thể, do chất lượng giảm, áp lực cạnh tranh của các sản phẩm từ các nước khác, những rào cản về tiêu chuẩn sản xuất thủy sản… khiến cá tra xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trọng điểm đang có xu hướng giảm.
Riêng con tôm đang phải giành giật thị phần với Ấn Độ, Thái Lan vốn có giá rẻ hơn. Tất cả các khó khăn “nhãn tiền” trên đang đòi hỏi các nhà quản lý phải có giải pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Quy hoạch lại vùng nuôi tập trung
Tương lai, ngành thủy sản sẽ vẫn là một trong những ngành mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam. Trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới, theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh của ngành thủy sản sẽ ngày càng gay gắt hơn.
“Bắt đầu từ tháng 1/2016 thị trường cộng đồng kinh tế ASEAN chung sẽ hình thành. Lúc này chỉ còn 80 mặt hàng phải chịu thuế và sau 3 năm con số sẽ giảm còn hơn 50 mặt hàng. Vì thế cái thời làm nhiều để bán được nhiều hơn và thu về lợi nhuận cao hơn đã qua và ngay bây giờ chúng ta phải chú tâm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, cần giúp nhà nông, doanh nghiệp nâng những mặt hàng thủy sản chủ lực ổn định với sức cạnh tranh quốc tế cao”, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, mục tiêu đến năm 2020 tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của ngành sẽ đạt khoảng 11%/năm. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đã xác định 7 giải pháp ưu tiên cần thực hiện ngay bao gồm: quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế.
Hiện ngành nông nghiệp đã đề nghị các tỉnh, thành ven biển sớm xây dựng xong Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản cụ thể cho địa phương mình và sửa đổi ngay những gì chưa phù hợp, chưa thật sự hiệu quả; tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở cả 2 khâu trọng yếu là nuôi và chế biến.
“Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với ngành chức năng tổ chức quy hoạch lại những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Song song đó, ngành sẽ đề xuất các giải pháp để đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng tôi cũng sẽ tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý”, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Related news

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại. Tuy nhiên, so với khối lượng xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, tốc độ gia tăng của chế biến vẫn còn rất hạn chế. Chính điều này đã làm nông sản Việt Nam mất giá

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng rau sạch...

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách khá nhiều, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly…

Tổng kết kinh nghiệm sử dụng phân khoáng cho cây trồng được nêu tóm tắt theo những ý chính dưới đây:

Mặc dù gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2016 nhưng một số gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu lùng mua lợn sạch. Điều đặc biệt là loại lợn này được nuôi bằng giun quế và thảo dược.