Sử Dụng Ngô Làm Thức Ăn Chăn Nuôi Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL, theo đề án chuyển đổi đất trồng lúa, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu hệ thống sấy, chế biến, giá cả không cạnh tranh…
Thiếu từ khâu bảo quản, sơ chế
Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện có gần 250 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN). Trong đó, sản lượng TACN ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là tương đương nhau và lớn nhất nước, chiếm khoảng 39,5 – 39,6%.
Ông Phạm Đức Bình – Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất TACN Thanh Bình cho biết, các nhà máy tại ĐBSCL chủ yếu chế biến thức ăn thủy sản với quy mô nhỏ, lẻ. Trong khi đó, hầu hết hệ thống kho, nhà máy sấy, sơ chế nguyên liệu như ngô, đậu nành và các sản phẩm phụ trợ khác của doanh nghiệp chế biến TACN đều đóng tại Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Hiện chưa có một cơ sở sấy, sơ chế ngô nào đặt tại khu vực ĐBSCL. “Nếu trồng ngô trong mùa mưa ở ĐBSCL, công tác bảo quản sau thu hoạch sẽ rất khó khăn”- ông Bình nói.
Ông Trần Ngọc Chí – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất trong tiêu thụ các sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL hiện nay là việc sấy và bảo quản sau thu hoạch. Ông Chí cho biết, ở các nước sản xuất ngô lớn, ngô sau khi thu hoạch, sấy khô được trữ trong các silô lớn, giúp đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, ngô trong nước sau khi thu hoạch chưa được phơi, sấy đúng kỹ thuật, khâu bảo quản cũng chỉ đơn giản là đóng bao, chất đống trong kho.
“Việc đóng bao vừa đẩy giá thành sản phẩm tăng lên vừa khiến tỷ lệ hạt vỡ, hạt bị ẩm, mốc cao, làm tăng tỷ lệ độc tố trong sản phẩm, ảnh hưởng tới chất lượng TACN. Ngoài ra, tỷ lệ hạt vỡ nhiều cũng khiến việc chế biến khó khăn hơn” - ông Chí cho biết.
Giá cả không cạnh tranh
Theo ông Phạm Đức Bình, sở dĩ các doanh nghiệp lớn không chú trọng xây dựng nhà máy chế biến TACN tại vùng ĐBSCL vì nhiều lý do. Trong đó, số hộ chăn nuôi ở ĐBSCL hầu hết là nhỏ, lẻ, chủ yếu sử dụng các sản phẩm thức ăn có sẵn trong gia đình như cám gạo, ngô, rau củ các loại, rất ít hộ sử dụng cám hỗn hợp.
Còn đối với thức ăn thủy sản, trong tình hình nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rất khó kỳ vọng nhiều vào sự phát triển của ngành chế biến thức ăn thủy sản.
Hơn nữa, theo ông Bình, chi phí cho việc xây dựng một nhà máy sấy, chế biến TACN tại các tỉnh ĐBCSL luôn cao hơn ít nhất 50% so với tổng vốn đầu tư một nhà máy tương tự, đặt tại vùng Đông Nam Bộ hoặc Tây Nguyên. Nguyên nhân là do đất nền ở ĐBSCL mềm, lún, giao thông không thuận lợi, chi phí đầu tư cho việc xây dựng các công trình sẽ đội lên.
Trong khi đó, đánh giá tình hình nguyên liệu TACN trên thế giới trong 6 tháng cuối năm, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện tại tồn kho các sản phẩm ngũ cốc hiện đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2012.
Giá các sản phẩm này do đó đang trên đà giảm mạnh. Trong khi đó, giá ngô thu mua trong nước hiện dao động ở mức 6.900 – 7.100 đồng/kg, thì giá ngô nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ có 6.000 đồng/kg. Tương tự, giá đậu nành sản xuất trong nước hiện ở mức 15.000 đồng/kg trong khi giá nhập khẩu 12.000 - 13.000 đồng/kg.
“Trong tháng 7, giá nhập khẩu ngô đã giảm từ 320 USD/tấn xuống còn 250 – 260 USD/tấn. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá ngũ cốc thế giới có thể sẽ còn giảm thêm nữa do sản lượng đang tăng mạnh, gây bất lợi cho tiêu thụ sản phẩm trong nước thời gian tới” - ông Phạm Đức Bình phân tích thêm.
Theo ông Phạm Đức Bình, để tiêu thụ được các sản phẩm như ngô, đậu tương khi tăng diện tích, sản lượng trong thời gian tới, ngành trồng trọt cần tính tới các biện pháp lâu dài như cơ cấu mùa vụ, tăng cường cơ giới hóa…
Related news
Tháng 07/2013, mặc dù trên biển Đông xuất hiện cơn bão số 2, có tên quốc tế là Rammasun, với cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, cũng như người nuôi tại một số tỉnh,. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão chưa gây tác động nhiều đến kết quả sản xuất trong tháng.
Thời gian qua, bệnh đốm trắng trên thanh long diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người trồng thanh long. Đặc biệt, trong lúc giá thanh long diễn biến chưa thuận lợi, tình trạng bệnh đốm trắng gây hại thanh long xảy ra trên diện rộng càng gây khó khăn cho người trồng.
Tơ Hồng Đô (Thiệu Hóa) từng dệt nên thương hiệu dân gian cho cả một vùng đất, nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.
Để khai thác thêm giá trị trên một héc-ta nuôi trồng thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Yến, các vụ nuôi tôm vừa qua, nhiều chủ đồng đã phá thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi.
Hiện cây mía vào cuối giai đoạn đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ vươn lóng, quyết định đến năng suất từng ruộng mía, huyện đang chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp cân đối nhu cầu phân bón, đấu mối với các doanh nghiệp để cung ứng kịp thời cho việc chăm sóc mía của bà con nông dân.