Về thăm Phú Khánh, một trong những xã đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), chúng tôi cảm nhận sự thay đổi sâu sắc của đời sống người dân nơi đây. Hai bên đường là những ngôi nhà tường khang trang xen lẫn những ao cá, vườn dừa xanh mướt.
Trên đường cùng tôi về trụ sở UBND xã, ông Mai Văn Châu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã kể: “Mấy năm gần đây, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp Hội đã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân áp dụng trên vườn dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài thu nhập từ vườn dừa, người dân còn biết tận dụng nguồn phấn hoa vô tận của dừa trong vùng để nuôi ong lấy mật.
Tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật trong vườn dừa của ông Trần Văn Bé, ấp Phú Long Phụng B. Ông Bé cho biết: Chỉ cần có giống, có kỹ thuật và vườn dừa, cây ăn quả xung quanh là đàn ong phát triển mạnh. Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, khi thời tiết ấm áp là phải chuẩn bị cho ong xây tổ, xây đàn. Khoảng giữa tháng 2 âm lịch thì kết thúc chia đàn từ nhỏ đến lớn trước mùa thu mật 10 ngày để có đàn ong khỏe hút được nhiều mật, thu mật cao điểm nhất là cuối tháng 2 đến cuối tháng tư… Khi thời tiết giao mùa, phải theo dõi xem các kèo ong có tụ mật nhiều không, vào các buổi sáng phải thường xuyên xem có con cóc trong tổ không, không nên bắt ong từ tổ này sang tổ khác…
Trong những năm qua, Hội Nông dân xã biết ông Bé nuôi ong thành công trong vườn dừa, đã khuyến khích ông đầu tư mở rộng quy mô. Là hộ nghèo, nhờ nuôi ong, gia đình ông vươn lên thoát nghèo. Sắp tới, Hội sẽ phối hợp với ông Bé nhân rộng mô hình để giúp cho các hộ nghèo trong xã. Vào năm 2002, nhờ sự chỉ dẫn của một người bạn ở xã Minh Đức (Mỏ Cày Nam), ông Bé lặn lội tìm các tổ ong tự nhiên đem về, ông đầu tư 150 thùng trong 5 công dừa, mỗi thùng 4 kèo, sau 8 tháng dưỡng ong và nhân giống, 4 tháng mùa khô là giai đoạn ông thu mật. Cứ 1 tuần đến 10 ngày ông lấy mật một lần. Một lần thu mật cao điểm từ 13 đến 14 lít, mỗi lít khoảng 120.000 đồng, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên dưới 5 triệu đồng.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Nuôi ong không tốn công sức và nhân công nhưng lại cho thu nhập cao. Càng về sau, số lãi càng lớn và chi phí sẽ thấp đi vì trong thời gian mình dưỡng ong thì bắt đầu nhân đàn lên”.
Theo ông Bé, mật ong hiện nay có giá dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/lít. Thấy lợi ít từ mật ong, ông bắt đầu đầu tư 200 thùng ong, nếu trúng mùa và mật có giá thì hàng năm ông thu nhập vài trăm triệu đồng. Tất cả các sản phẩm của con ong đều có thể sử dụng được như: Mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa... Những sản phẩm này dùng để chữa bệnh rất tốt. Không chỉ thế, con ong còn giúp cho vườn dừa phát triển nhiều trái nhờ thụ phấn cho cây.
Mô hình nuôi ong mật trong vườn dừa của ông Trần Văn Bé cần được nhân rộng để góp phần giảm nghèo cho nông dân trong xã.