Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn

Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn
Publish date: Friday. August 16th, 2013

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

Hội thảo đầu bờ giới thiệu kết quả Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã tỉnh Sơn La”.

Dự án do Trung tâm Ứng dụng chuyển giao tiến bộ Khoa học và công nghệ tỉnh chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả và địa phương thực hiện. Dự án được triển khai trên địa bàn bản Hải Sơn 2 (xã Chiềng Khoong), bản Quyết Tiến, bản Mé (xã Nà Nghịu) và bản Cang (xã Chiềng Cang).

Các giống nhãn được chọn để triển khai ghép mô hình là giống PH-M99-1.1 và HTM-2. Đây là hai giống nhãn có đặc điểm mã đẹp, quả to, cùi dầy, ngọt, đặc biệt thường chín muộn hơn nhãn địa phương từ 15 ngày đến 20 ngày.

Nội dung triển khai thực hiện trong 2 năm gồm: xây dựng vườn cây mẹ quy mô 0,5 ha giống nhãn PH-M99- 1.1, HTM-2; xây dựng mô hình ghép chuyển đổi giống nhãn chất lượng cao qui mô 2 ha đối với các vườn nhãn cũ và tổ chức sản xuất nhãn chất lượng cao theo hướng VietGAP quy mô 4 ha.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, 2 giống nhãn PHM99-1.1 và giống nhãn HTM-2 trên mô hình vườn cây mẹ đều sinh trưởng tốt, chiều cao cây trung bình đạt khoảng 97 cm, chiều dài lộc xuân đạt từ 24,2 - 25,3 cm và đường kính cành lộc đạt 1,2 - 1,3 cm. Đối với mô hình ghép chuyển đổi giống nhãn sau cắt tỉa, tháng 2 cắt tỉa, đến tháng 8 tháng 9-2012 bắt đầu ghép.

Qua theo dõi, sau khi cắt tỉa 15 - 17 ngày, các cây nhãn trên vườn mô hình đã bật mầm và sau 5 tháng cây đủ tiêu chuẩn để ghép. Sau khi ghép 12 - 15 ngày cây nhãn đã bật mầm với tỷ lệ đạt 74 - 75%, chiều dài cành ghép trung bình đạt trên 53 cm và đường kính cành lộc đạt trên 1,6 cm.

Cả 2 giống nhãn chín muộn được ghép cải tạo đều ra hoa, đậu quả sau khi ghép cải tạo 1 năm và cho năng suất trung bình từ 5 - 10 kg/cây, khối lượng quả to, tỷ lệ cùi cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, qua theo dõi vườn cây nhãn mẹ cũng như vườn mô hình cây nhãn đều sinh trưởng tốt và rất ít bị sâu bệnh gây hại.

Đối với mô hình ghép chuyển đổi giống nhãn sau cưa đốn, thời gian thực hiện cưa tháng 3-2012, thời gian ghép từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2012. Từ khi cưa cây tới khi ghép, cây nhãn trên các vườn mô hình đều có khả năng sinh trưởng tốt, sau khi ghép cây nhãn đã bật từ 2 - 3 đợt lộc và tỷ lệ ghép sống đạt từ 78% - 80%. Sau 1 năm ghép cải tạo, vườn mô hình đã có 10% số cây ra hoa đối với giống PH-M99-1.1 và khoảng 6% đối với giống nhãn HTM-2. Khối lượng quả lớn và tỷ lệ cùi đạt rất cao; năng suất trung bình dự kiến từ 5 kg - 8 kg/cây.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP. Qua đối chứng với vườn nhãn chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của dân, các vườn nhãn tham gia xây dựng mô hình VietGAP có khối lượng quả, tỷ lệ cùi và độ Brix lớn hơn, năng suất trung bình cao hơn gấp 1,5-2 lần và mã quả đẹp có mầu nâu sáng hoặc vàng sáng.

Bước đầu mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP có năng suất cao, khối lượng quả lớn, chất lượng quả tốt hơn vườn nhãn đối chứng không sản xuất theo hướng VietGAP. Vườn mô hình giống nhãn PH-M99-1.1 có năng suất đạt rất cao (13 tấn/ha) và lãi thuần đạt 194 triệu đồng/ha (sau khi đã trừ chi phí chăm sóc và một phần chi phí ghép cải tạo). Sở dĩ vườn mô hình giống nhãn PH-M99-1.1 đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần giống nhãn địa phương ở vườn đối chứng là do quả to, mã đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn và thời gian thu hoạch.

Vườn mô hình giống nhãn địa phương sản xuất theo hướng VietGAP cũng có năng suất, khối lượng quả lớn hơn vườn đối chứng, mã quả đẹp và đảm bảo an toàn nên giá bán cao hơn, hiệu quả kinh tế của vườn mô hình cũng đạt cao gấp 1,7 lần vườn nhãn đối chứng. Trong thời gian tập huấn, nhóm thực hiện Dự án đã đào tạo được 5 kỹ thuật viên; mở 3 lớp tập huấn cho 90 học viên.

Sông Mã hiện có trên 4.000 ha nhãn, chiếm 77,4% tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện. Với Sông Mã những đề tài, dự án nghiên cứu nhằm cải tạo nâng cao chất lượng vườn nhãn theo hướng VietGAP có ý nghĩa đặc biệt nhất là trước tình trạng nhiều diện tích đã già cỗi, thoái hoá sẽ góp phần cải tạo vườn nhãn, phát triển sản xuất nhãn theo hướng sản xuất hàng hoá, chất lượng cao và sản phẩm an toàn nâng cao mức thu nhập và ổn định cho hộ trồng nhãn.


Related news

Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Là địa phương nằm ven sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi con ba ba. Từ điều kiện đó, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa ra mô hình nuôi ba ba để các hộ nghèo ở địa phương có điều kiện làm kinh tế.

Saturday. January 5th, 2013
“Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ “Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ

Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.

Thursday. June 27th, 2013
Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông

Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.

Thursday. June 6th, 2013
Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

Thursday. June 27th, 2013
Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Ipsard cho biết, qua kết quả điều tra từ hơn 3.000 hộ nông dân cho thấy, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và người nông dân là những người phát huy nội lực cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Friday. June 28th, 2013