Sóc Trăng Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống
Chất lượng tôm giống luôn là vấn đề khó đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, để chuẩn bị cho vụ nuôi mới 2015, ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng đang tập trung mọi biện pháp để khống chế tôm giống chất lượng kém nhập về địa phương, do Sóc Trăng lệ thuộc giống tôm các tỉnh nhập về trên 85%.
Chất lượng tôm giống có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất, nuôi trồng. Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn ở mức cao, bên cạnh nhiều yếu tố tác động như thời tiết, môi trường ao nuôi, vùng nuôi thì yếu tố giống là hết sức quan trọng.
Đầu vụ nuôi tôm năm 2013, mức độ thiệt hại trên tôm nuôi khá nghiêm trọng, nhất là địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉ lệ bệnh đốm trắng chiếm trên 80% mẫu xét nghiệm.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các vùng nuôi tôm của Vĩnh Hiệp, Khánh Hòa và Hòa Đông phải công bố dịch. Bệnh đốm trắng lại tiếp tục bùng phát trong giai đoạn sau tháng 7/2014 với tỉ lệ thiệt hại cao, tuy nhiên đã giảm còn khoảng 60% trên tổng số mẫu xét nghiệm, điều này ở vùng nuôi tôm nước lợ Sóc Trăng cũng luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cho vụ nuôi mới 2015.
Không riêng bệnh đốm trắng, mà bệnh đỏ thân, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi cũng là vấn đề người nuôi tôm và ngành chuyên môn lo lắng. Tôm giống kém chất lượng sẽ ẩn chứa mầm bệnh, khi điều kiện thời tiết thích hợp thì mầm bệnh bùng phát, đây là nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao đối với tôm thiệt hại. Ngành chuyên môn đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý chất lượng, song người nuôi cũng phải luôn phòng ngừa mầm bệnh bắt đầu từ con giống.
Ông Trần Văn Chung, Phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ “Tôi mua con giống là mua ở nơi có uy tín, có chất lượng, dù cho giá cao nhưng cũng phải chấp nhận, vì đây là giống đã qua kiểm định. Tuy nhiên cũng có những hộ nuôi do thiếu vốn, bà con lại chọn mua giống giá rẽ hơn thay gì một con giống chất lượng có giá 80 đồng/con thì bà con mua loại chỉ 40 đồng/con”.
Tình hình tôm giống trôi nổi, giá thấp luôn tiềm ẩn khả năng tôm chất lượng kém, do vậy người nuôi cần nghĩ đến việc chọn giống sạch bệnh, đưa giống xét nghiệm trước khi thả là việc không thể thiếu. Bà con nên chọn những điểm bán giống có uy tín, không mua tôm giống không rõ nguồn gốc để hạn chế thiệt hại và lây lan ra môi trường.
Ngành Thú Y, Thanh tra chuyên ngành Sở NN&PTNT cũng có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tôm giống từ các tỉnh ngoài đưa về. Thực tế cho thấy tình trạng tôm không có giấy chứng nhận xét nghiệm, tôm kích cỡ quá nhỏ vẫn luôn tồn tại và xen lẫn trong số tôm đã được kiểm nghiệm chất lượng. Sóc Trăng là vùng nuôi tôm nằm trên đường vận chuyển tôm giống đi các tỉnh Bạc Liêu, thành phố Cà Mau, do đây là vùng nuôi lớn nên số lượng tôm giống vận chuyển vào rất lớn, việc kiểm soát cũng rất khó khăn.
Thạc sĩ Đặng Hiền Đức, Chánh thanh tra Chi Cục Thú Y Sóc Trăng cho biết “Kết quả kiểm tra cho thấy, tình trạng tôm giống kém chất lượng, giống nhiễm bệnh vẫn còn cao, nên chúng tôi khuyến cáo bà con phải hết sức cẩn thận khi chọn mua con giống, không nên vì giá cả thấp mà lại chọn mua những con giống trôi nỗi chưa qua kiểm định”.
Tôm giống kém chất lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại mà ngành chuyên môn đã khuyến cáo người nuôi. Hiện nay Chi Cục Thú Y đã tổ chức tiếp nhận mẫu xét nghiệm cho người nuôi có yêu cầu, chi phí không lớn nhưng phần nào giúp cho ao nuôi an toàn, khả năng thiệt hại thấp.
Khi tôm thẻ được nuôi với quy mô lớn thì nhu cầu con giống cho vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng cần đến khoảng 25 tỉ con giống, khả năng cung ứng giống tại địa phương chiếm tỉ lệ thấp nên hầu hết là sử dụng nguồn giống từ các tỉnh đưa về. Đây là khó khăn khách quan, do vậy người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong khâu chọn giống và chọn giống khi đã qua xét nghiệm.
Related news
Từ hiệu quả của mô hình trồng nấm linh chi và nấm bào ngư của HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Kiến 2 (HTX Bình Kiến 2), hiện nay nhiều hộ dân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã học tập, đầu tư; bước đầu cho kết quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập khá.
Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm ở các vùng ven biển và phía bắc quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu, nhiều hộ dân lúng túng trong việc chuyển đổi sản xuất các đối tượng thủy sản khác như: cá kèo, cá mú, cá chẽm… thì Anh Ngô Văn Xíu đã thành công với nghề nuôi hàu thương phẩm, hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Quyết định này quy định việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2013.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã vượt gần 2.780ha, chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng thủy sản.