Sóc Trăng Hỗ Trợ Các HTX Thực Hiện Các Mô Hình Nâng Cao Thu Nhập Từ Việc Nuôi Artemia

Theo Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2014, đơn vị sẽ hỗ trợ các Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu thực hiện các mô hình nâng cao thu nhập từ nuôi Artermia với nguồn ngân sách ước tính hơn 2 tỷ 476 triệu đồng; trong đó, ngân sách tài trợ hơn 1,2 tỷ đồng và ngân sách đối ứng hơn 1,270 tỷ đồng.
Artemia là sản phẩm lợi thế có tiềm năng phát triển rất lớn, tuy nhiên vùng sản xuất sản phẩm này chỉ tập trung ở thị xã Vĩnh Châu do điều kiện về thổ nhưỡng và chủ yếu nuôi ở ba HTX tôm muối - Artemia phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Tân và Lai Hòa.
Do vậy, để hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị cho Artemia, Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh chỉ hỗ trợ tập trung vào khâu kỹ thuật nuôi nhằm tăng năng suất canh tác và thu nhập thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn "nuôi luân canh thủy sản khác trên ruộng nuôi Artemia theo chu trình nuôi: Artemia - thủy sản khác - Artemia.
Theo Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, các hoạt động chủ yếu sẽ được thực hiện trong năm 2014 gồm 3 mô hình nuôi cá kèo, 3 mô hình nuôi cua biển, 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng giữa 2 vụ nuôi artemia. Dự kiến, các mô hình này sẽ được thực hiện trong quý II và III/2014. Sau đó sẽ thực hiện trở lại 9 mô hình nuôi Artemia tăng sản, 9 mô hình nuôi Artemia sinh khối (dự kiến thực hiện trong quý IV/2014 và quý I/2015).
Nhóm cán bộ nòng cốt sẽ tiếp tục tập huấn kiến thức về nuôi luân canh các loại thủy sản nêu trên cũng như các tác động môi trường xung quanh của việc nuôi luân canh để chuyển giao lại cho nông dân. Những năm đầu phát triển, năng suất nuôi Artemia đạt khá cao, từ 70 đến 90 kg trứng bào xác/ha. Sau đó, do kỹ thuật nuôi lạc hậu nên năng suất giảm dần xuống chỉ còn 40 đến 50 kg trứng/ha.
Trước tình hình đó, UBND thị xã Vĩnh Châu đã đề xuất với tỉnh xây dựng và triển khai các dự án nâng cao chất lượng và cải tiến quy trình nuôi. Qua đó năng suất Artemia ở Vĩnh Châu đã được cải thiện đáng kể. Mục tiêu của việc thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật nuôi Artemia trong năm 2014 là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc nuôi luân canh thủy sản khác trên ruộng nuôi Artemia (đối với từng vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau).
Qua đó sẽ đánh giá sự khác biệt về tính hiệu quả giữa mô hình nuôi Artemia - thủy sản khác - Artemia với mô hình truyền thống Artemia - Artemia mà các hộ nông dân đang thực hiện. Kết quả về sự khác biệt này và những vấn đề cần lưu ý về môi trường sẽ được chia sẻ tại hội thảo tổng kết thực hiện các mô hình trình diễn nuôi luân canh thủy sản khác dự kiến sẽ thực hiện trong quý I/2015.
Cuối năm 2012, sản phẩm trứng Artemia Vĩnh Châu đã được đưa đi đăng ký thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu hàng hoá. Đó là những thuận lợi cơ bản giúp nghề nuôi phát triển khá ổn định trong thời gian qua.
Theo quy hoạch, thị xã Vĩnh Châu còn có khả năng mở rộng diện tích nuôi Artemia lên từ 800 đến 1.000 ha, hiện địa phương đang tranh thủ nguồn vốn từ các dự án, chương trình lồng ghép để cải tạo hệ thống thuỷ lợi, cống giữ nước cho cả vùng nuôi, cũng như vốn đầu tư cho hộ nuôi.
Related news

Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980) ở buôn Tung 1, xã Buôn Triết (huyện Lak, tỉnh Dak Lak) chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, nhưng hằng năm thường bị hạn hán, lũ lụt nên năng suất bấp bênh, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng, chống đói rét, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần che chắn chuồng gia súc, tránh gió lùa, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp; đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng. Nguồn thức ăn cần bảo đảm cân đối giữa tinh bột, chất đạm, chất khoáng để có đủ năng lượng chống rét. Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lang Khánh Suyên ở Thị trấn Kim Sơn khi gia đình ông chuẩn bị làm vía cho đứa cháu nội sắp đầy tháng. Dù đang bận bịu công việc, nhưng khi thấy những vị khách miền xuôi quan tâm nhiều đến con nhím, ông Suyên gác lại công việc và say sưa kể. Từ năm 2003, sau khi bán hết đàn trâu thả rông trong rừng, ông Suyên bắt đầu mày mò nuôi nhím.

Các địa phương cần sớm hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn các cửa lấy nước, kiểm tra hệ thống máy bơm, phương tiện lấy nước để sẵn sàng vận hành khi nguồn nước bảo đảm.

Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.