Sinh Sản Nhân Tạo Cá Rô Đồng Với Tỷ Lệ Cá Cái Cao
Cá rô đồng hiện đang được nuôi khá phổ biến ở ĐBSCL. Nguồn giống hiện nay chủ yếu do các trung tâm giống sử dụng phương pháp sinh sản nhân tạo cung cấp.
Nhưng bình thường thì tỷ lệ cá đực và cá cái tương đương nhau (mỗi loại 50%). Nuôi cá rô đồng với mục đích lấy thịt mà trong đàn cá giống có nhiều cá đực thì không kinh tế vì cá đực có đầu to, mình dẹt và dài, tỷ lệ thịt thấp, bán không được giá.
Trong cùng điều kiện nuôi thâm canh, sau 5 - 6 tháng nuôi cá cái thường đạt trọng lượng từ 120 - 150 g, còn cá đực chỉ đạt 60 - 70 g. Vì vậy người nuôi cá rô đồng thương phẩm thường thích đàn cá giống có tỷ lệ cá cái cao.
Cũng tương tự trường hợp sản xuất cá rô phi toàn đực, cách đơn giản và mau cho kết quả là dùng hormon pha vào thức ăn hoặc pha vào nước để tắm cho cá. Tuy nhiên, giá hormon sinh dục cái khá cao, ảnh hưởng đến giá thành con giống. Mặt khác, các loại hormon steroid hoặc hormon tổng hợp nhân tạo cùng tính năng là những chất có thể gây ung thư, khiến người tiêu dùng lo ngại.
Trong quá trình “cái hóa” cá rô, những cá cái được nuôi thịt không tiếp xúc với hormon trong suốt quá trình sống cho đến khi thu hoạch. Cách làm như sau: trước hết, phải tạo những “cá đực đặc biệt” (neomale): đó là cá mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX) biến thành đực nhờ được xử lý khi còn non bằng hormon sinh dục đực methyltestosteron (MT). Về lý thuyết, trong đàn cá toàn đực được xử lý bằng MT sẽ có khoảng một nửa là những cá đực đặc biệt, một nửa là cá đực bình thường. Cá đực bình thường (mang các nhiễm sắc thể sinh dục XY) có đàn con F2 gồm nửa đực và nửa cái. Cá đực đặc biệt (XX) có đàn con F2 gồm hầu như toàn cái. Chính đàn con F2 gồm toàn cái ấy được ươm thành cá giống để nuôi thịt.
Làm thế nào phân biệt cá đực bình thường XY với cá đực đặc biệt XX? Phải kiểm tra chúng (từng cá thể) qua tỷ lệ đực cái của đàn con F2. Như đã nói ở trên, đàn con F2 của cá đực đặc biệt hầu như gồm toàn cái.
Nuôi và kiểm tra đàn con là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất: phải nuôi từng đàn con riêng rẽ cho đến thời điểm kiểm tra được theo tuyến sinh dục, đồng thời phải giữ lại từng con cá bố của mỗi đàn con để sử dụng tiếp, tuyệt đối không được để lẫn lộn cá cái, đực đã cho các đàn con F2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những cá đực đặc biệt cho thế hệ con với tỷ lệ cá cái từ 82 đến 95%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.
Cơ sở nghiên cứu hiện lưu giữ hàng trăm cá đực đặc biệt thuộc thế hệ thứ hai. Quy trình sạch sản xuất cá rô đồng thịt toàn cái có thể đưa được vào thực tiễn.
Tỷ lệ cái chưa đạt được 100% có thể là vì sự hình thành tuyến sinh dục của cá rô, ngoài các nhiễm sắc thể sinh dục, còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, trong đó có nhiệt độ ươm.
Related news
Cá Rô là loài cá ăn tạp, lớn nhanh và ít bệnh. Diện tích ao ương từ 300-1000 m2, có cống chủ động cấp, thoát nước khi cần. Chiều sâu mực nước trong ao từ 1,2-1,5m, mặt ao thoáng để không ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu vào nước tạo điều kiện cho vi sinh vật trong nước phát triển
- Bệnh nấm thủy mi gây tác hại lớn đối với nhiều loài cá nuôi ở giai đoạn cá con, cá thịt và trứng cá. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ xuống thấp (18 - 200C), đặc biệt khi cá bị xây xát (do đánh bắt hoặc vận chuyển)
Cá rô đồng là loài cá sống tự nhiên và rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cá sống được trong điều kiện môi trường nước xấu mà một số loài cá khác không thể sống được.
Hiện nay, phong trào nuôi cá rô đồng ở ĐBSCL phát triển khá mạnh, cá rô đồng có chất lượng thịt cao nên bán rất có giá và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi các loại cá khác.
Cá rô đồng Anabas testudineus phân bố ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Cá rô thường sống trong kinh rạch, đầm lầy, các ao tù. Cá có cơ quan hô hấp phụ, có thể sống một thời gian dài trên cạn, sống được vùng nước phèn pH = 4, thịt ngon là một loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.