Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sẽ Sản Xuất Giống Lúa 800 USD/tấn Cơ Hội Thăng Hạng Cho Gạo Việt

Sẽ Sản Xuất Giống Lúa 800 USD/tấn Cơ Hội Thăng Hạng Cho Gạo Việt
Publish date: Thursday. April 24th, 2014

Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đã dư sức sản xuất những giống lúa thơm chất lượng cao để làm ra gạo trị giá 600 - 800 USD/tấn.

Vấn đề là tổ chức sản xuất và thị trường như thế nào để những giống lúa này phát huy giá trị, góp phần “thăng hạng” ngành lúa gạo Việt Nam.

Trước đó, cuối năm 2013, Bộ NNPTNT đã thông qua đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia cho mặt hàng gạo, với mục tiêu chọn ra 5 - 7 giống lúa thơm ngắn ngày, đạt giá trị xuất khẩu từ 600 - 800 USD/tấn để có thể cạnh tranh với gạo chất lượng cao của các nước trong khu vực vào năm 2020.

Tìm phân khúc thị trường

Theo một báo cáo của Bộ NNPTNT, những năm gần đây nước ta đã nghiên cứu được hơn 100 giống lúa mới, nhưng đều là những giống thiên về năng suất mà rất hiếm giống chất lượng. Trong khi đó, trên thị trường xuất khẩu, Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…

Hầu hết lượng gạo xuất khẩu thời gian qua chỉ đạt mức giá trên 400 USD/tấn, thậm chí có thời điểm xuống dưới mức này, trong khi giá gạo của nhiều quốc gia khác đạt tới 800 USD/tấn. Xưa nay, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn khá “tự tin” ở thị trường gạo cấp thấp, cho rằng không có đối thủ, nhưng xem ra trong thời gian tới, ngay cả loại gạo cấp thấp của Việt Nam cũng khó mà cạnh tranh được với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar khi các nước này đang tấn công thị trường xuất khẩu gạo một cách ồ ạt.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia lúa gạo cho rằng, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh được trong phân khúc thị trường gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao tại thị trường châu Phi và một số thị trường gần, có thể giao hàng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, một cán bộ của Bộ Công Thương nhận định, trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo vì lĩnh vực này đang tồn tại rất nhiều khó khăn do chưa có sự thay đổi đáng kể nào về chất, nhất là trong xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Mặc dù Việt Nam đã có mấy chục năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, nhưng lại chỉ “bám” theo thị trường cấp thấp, chưa có sự điều chỉnh kịp thời sang phân khúc cấp cao nên hầu hết khách hàng đều nhìn gạo Việt Nam thuộc dạng cấp thấp. Để thay đổi được “ấn tượng” đó trong con mắt khách hàng, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Mới đây, Bộ NNPTNT đã thể hiện quyết tâm thay đổi ngành sản xuất lúa gạo khi ban hành đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia cho mặt hàng này. Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho biết đã “đặt hàng” một viện nghiên cứu tìm ra một số giống lúa thơm chất lượng cao để có thể làm ra những hạt gạo trị giá 600 – 800 USD/tấn. Vài vụ gần đây, Bộ NNPTNT cũng liên tục chỉ đạo các địa phương giảm diện tích giống lúa kém chất lượng như IR50404 không được quá 20% vụ hè, bởi giá gạo thấp chính là do giống này kéo giá xuống.

Nói về đề án này, GS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng: Tính khả thi của đề án hầu như không có, vì không có sự tổ chức đồng bộ; việc phát triển ngành lúa gạo còn rời rạc từng ban ngành, mạnh ai nấy làm, trong khi người nông dân cần nguyên một chuỗi giá trị như giống, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ với mức giá tốt.

Thực tế cho thấy, tỉnh nào cũng nói sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, trồng giống lúa chất lượng cao nhưng không biết ai mua và người nông dân cứ trồng tất cả các giống bán trên thị trường. Nếu cứ để nông dân trồng lúa tự phát, thì không bao giờ chúng ta có sản phẩm độc đáo trên thị trường.

Muộn còn hơn không

Trên thực tế, theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống, Việt Nam đang sở hữu không ít giống lúa đặc sản, có chất lượng cao và hoàn toàn có thể bán được với giá 700 – 800 USD/tấn. Bộ NNPTNT không nhất thiết phải “nhọc công”, tốn tiền đi tìm một giống lúa hoàn toàn mới, trong khi có thể cải tiến một số giống lúa đặc sản để cho ra những sản phẩm gạo xuất khẩu ưng ý.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Việt Nam, về sản xuất, trước mắt nên tập trung phát triển giống lúa thơm, lúa chất lượng cao ở những cánh đồng mẫu lớn mà các doanh nghiệp có vai trò chủ chốt. Còn về thị trường, cần đánh giá lại những thị trường hiện có để có chiến lược quảng bá và dự báo chính xác về nhu cầu lúa gạo chất lượng cao cũng như gạo cấp thấp.

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương cho biết: Hiện nay chúng tôi đang có giống lúa thơm RVT, Thiên ưu 8 có thể làm ra gạo bán được với giá 800 USD/tấn. Ngoài ra, miền Nam cũng đang có nhiều giống lúa chất lượng khác như Jasmine, OM4900 và những giống đặc sản như nàng thơm Chợ Đào… Vấn đề chúng ta đang “tắc” là đầu ra, ở các nhà làm thị trường, chứ không phải Việt Nam thiếu giống tốt.

“Các nhà khoa học đưa ra quá nhiều giống mới nhưng các giống cứ na ná nhau, không có giống nào nổi trội thực sự. Vì thế chúng tôi đang đi theo hướng nghiên cứu giống của Thái Lan, tức là cải tạo các tính trạng của một số giống lúa chất lượng tốt sẵn có. Ví dụ bắc thơm 7 gạo rất ngon, nhưng kháng bạc lá và chịu rét kém; RVT chất lượng tốt nhưng năng suất thấp…, do vậy 11 nhà khoa học của chúng tôi đang đưa các nguồn gene mới vào để giúp các giống này tăng năng suất, chống chịu tốt hơn” – bà Liên nói.

GS-VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm, các nước đều đang hướng tới nâng cao chất lượng gạo, đẩy giá gạo xuất khẩu lên cao nên để tăng sức cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho nông dân, Việt Nam không thể chần chừ được nữa, bây giờ thay đổi đã là muộn, nhưng vẫn còn hơn không. Khi thị trường biến động, chúng ta phải điều hành chính sách linh hoạt hơn, xây dựng thương hiệu gạo không chỉ là làm gạo đặc sản như Thái Lan, Ấn Độ, mà còn phải có thương hiệu riêng cho từng doanh nghiệp.

“Cái khó hiện nay là tổ chức sản xuất bà con nông dân còn rời rạc, theo phong trào. Cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng một cánh đồng mấy chục giống lúa mà chỉ tập trung cấy 5 – 7 giống tốt nhất, nhất là ở ĐBSCL. Có thể chưa cần đặt mục tiêu 800 USD/tấn mà chỉ 600 USD/tấn và đầu tư cho những vùng nhất định” – GS-VS Long cho biết.


Related news

Hành Trình Ra “Biển Lớn” Hành Trình Ra “Biển Lớn”

Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Những vấn đề đặt ra đối với hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của nước ta trong tình hình mới” (do UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại TP. Cao Lãnh), thông qua những tham luận, trao đổi, các chuyên gia nhận định các địa phương cần chuẩn bị hành trang vững chắc cho việc vươn mình ra “biển lớn” - hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tiến tới tái cơ cấu kinh tế.

Wednesday. September 24th, 2014
Giá Tăng, Người Chăn Nuôi Mạnh Dạn Tái Đàn Giá Tăng, Người Chăn Nuôi Mạnh Dạn Tái Đàn

Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm. Ðiều đáng mừng là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang hồi phục.

Wednesday. September 24th, 2014
Nâng Cao Ý Thức Người Dân Nâng Cao Ý Thức Người Dân

Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển và lan nhanh trên vật nuôi. Vì thế, ngành chức năng của huyện Vân Canh đã triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân chủ động đối phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) có thể xảy ra trên địa bàn.

Wednesday. September 24th, 2014
Nâng Niu Hương Chè Bàu Cạn Nâng Niu Hương Chè Bàu Cạn

Sau 3 năm thực hiện trồng chè sạch theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn đã từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Wednesday. September 24th, 2014
Nuôi Cua Đồng Đem Lại Giá Trị Kinh Tế Cao Nuôi Cua Đồng Đem Lại Giá Trị Kinh Tế Cao

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ cua đồng trên thị trường rất lớn và giá thành ngày một tăng, ông Nguyễn Văn Lộng, thôn Thanh Hà, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cua đồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Wednesday. September 24th, 2014