Cái khó của những hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Trần Đề

Cái khó của những hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Trần Đề
Trong tuần cuối tháng 8/2015, diện tích tôm chết tăng nhiều, nâng tổng số thiệt hại toàn tỉnh lên 9.600 ha, chiếm 23,7% diện tích thả giống, trong đó huyện Trần Đề bị thiệt hại hơn 744 ha. Hiện khó khăn chung của bà con không chỉ do bùng phát dịch bệnh trên tôm trong mùa mưa, mà còn vì giá tôm nguyên liệu đang giảm thấp so cùng kỳ năm 2014.
Ông Đỗ Thanh Hải ở xã Tài Văn có 5 công nuôi tôm sú được hơn 3 tháng tuổi, đạt kích cỡ 35 – 40 con/kg, ông cho biết tôm sú cỡ này bán ra chỉ khoảng 125.000 đ/kg, tôm thẻ cỡ 100 con/kg còn dưới 90.000 đ/kg, với giá này thì chỉ có huề hoặc lỗ vốn, theo ông Hải: “Thức ăn thì không nghe tụt giá còn Tôm thì không lúc nào nghe lên giá, giá bây giờ thấp quá, nông dân chỉ biết chịu thôi chứ biết nói gì đây, tới đâu thì tính tới đó”.
Bên cạnh nỗi lo chung về dịch bệnh và giá cả, những hộ dân trong vùng ngọt còn gặp nhiều trở ngại hơn khi đào ao nuôi tôm, vì không thuộc vùng quy hoạch nên các điều kiện về nguồn điện và nguồn nước không đảm bảo để nuôi tôm.
Như ở xã Tài Văn có hơn 11ha nuôi tôm, do việc lấy nước mặn từ kênh lớn vào nuôi tôm khó tránh việc mầm bệnh lây lan vào ao, nên hầu hết bà con ở đây đều trữ nước lại sau mỗi vụ nuôi, nhưng việc trữ nước cục bộ trong thời gian dài sẽ làm tăng chi phí để xử lý, đồng nghĩa với việc tăng chi phí đầu vào của bà con, anh Thạch Đức Long, trưởng Ban nhân dân ấp Tài Công cho biết: “Theo quan sát của địa phương, trước đây điện không đủ, nhiều hộ nuôi tôm phải sử dụng máy phát điện nên chi phí rất cao.
Sau khi có điện kéo đến nơi thì nhiều hộ chạy quạt một lúc gây ảnh hưởng đến điện sinh hoạt. Nguồn nước ở đây lấy chủ yếu từ kênh Dù Tho, Mỹ Thanh. Đa số hộ nuôi ở đây chưa tập trung xử lý ao lắng. Do ở đây không nằm trong vùng quy hoạch, địa phương khuyến cáo bà con nuôi tôm nên xử lý ao lắng để tránh bị thiệt hại.
Nhiệm kỳ rồi có chủ trương nạo vét kinh mương để nuôi tôm. Ở đây bà con làm ruộng nhiều 414 ha, diện tích nuôi tôm ít, khuyến cáo bà con không nên lấy nước ruộng xổ ra vì có chứa thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc… đồng thời cũng không xổ nước ao ra kênh chung, tránh gây nhiễm mặn cho trồng lúa”.
Điện chạy quạt nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi tôm tại các vùng nuôi ngoài quy hoạch
Hiện tại biện pháp quản lý nguồn nước giúp bà con các vùng nuôi tôm ngoài quy hoạch hạn chế được lây nhiễm mầm bệnh từ nơi khác, tuy nhiên ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con các khu vực này không nên tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm, nhất là khi dịch bệnh trên tôm chưa có dấu hiệu dừng lại, ông Trần Hoàng Dũng, trưởng phòng NN& PTNT huyện Trần Đề cho biết: “Đối với huyện Trần đề diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch không nhiều, đây là những diện tích có nuôi tôm nước lợ trước đây.
Ngành khuyến cáo bà con thận trọng trong diện tích này vì chưa đảm bảo được điều kiện cơ bản cho nuôi tôm. Tuy nhiên hằng năm, chúng tôi có khuyến cáo về lịch thời vụ, tập huấn tuyên truyền một số biện pháp kỹ thuật cơ bản để xử lý đối với điều kiện ao nuôi của bà con. Khuyến cáo bà con không nên mở ra ngoài vùng quy hoạch vì các điều kiện cho nuôi tôm hiện không đảm bảo, rất dễ bị thiệt hại”.
Về lâu dài, việc nuôi tôm trong vùng nước ngọt sẽ tác động lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, đặc biệt gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh, tác động không tốt đến tình hình nuôi và phát triển thủy sản.
Do đó ngành nông nghiệp huyện Trần Đề cũng đặc biệt lưu ý nông dân cần thận trọng khi lựa chọn mô hình sản xuất, để thu được lợi nhuận cao nhất trên diện tích đất của mình bằng mô hình phù hợp nhất.
Related news

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất giống thủy sản chuẩn bị cải tạo ao, bể ương, lấy nước dự trữ ương nuôi giống, xác định nhu cầu con giống của các địa phương và các vùng lân cận. Xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm, để kịp thời cung ứng giống phục vụ người nuôi bảo đảm kịp thời vụ.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, tỉnh Bình Định đã quyết định loại 4 tàu cá của ông La Tình, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn ra khỏi mô hình khai thác, thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi, đồng thời thu hồi 4 bộ thiết bị câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản đã lắp đặt trên 4 tàu cá của ngư dân này.

Năm 2014, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chuyển giao cho nông dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để nhân rộng cần có sự quan tâm nhiều hơn của ngành chức năng.

Dựa vào tán rừng, anh Đỗ Văn Tài (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đã khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi nai theo hình thức bán hoang dã, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây được xem là cách làm giúp các chủ rừng nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.