Sẽ có cách giúp người mua nhận dạng thịt heo VietGAP chuẩn
Đây là sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt của nền chăn nuôi khi có sự kết hợp giữa Bộ NNPTNT với Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp và nông dân.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Trung- Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM.
Thưa ông, dự án này thực hiện với mục tiêu nào?
- Trước nay, thành phố luôn đặt vấn đề hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho ổn định và bền vững.
Các sản phẩm làm ra không tồn đọng mà lại an toàn. Nhiều năm qua Sở NNPTNT đã tổ chức tập huấn cho nông dân không chỉ quy trình kỹ thuật mà còn có biện pháp phòng chống dịch bệnh, canh tác an toàn.
Thế nhưng, thịt heo của ta chưa đạt chuẩn VietGAP.
Vì thế chủ đầu tư là Bộ NNPTNT vay vốn Ngân hàng Thế giới, triển khai tại 12 tỉnh thành, với mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm.
Các cơ sở và HTX chăn nuôi ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo được chứng nhận VietGAP tại Củ Chi, TP.HCM.
Dự án này sẽ tạo chuỗi liên kết từ thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ và phân phối.
Qua đó giúp người nuôi giảm chi phí trung gian, giảm chi phí đầu tư, an tâm hơn khi có nơi thu mua ổn định. Điều quan trọng nữa là người tiêu dùng sẽ sử dụng những sản phẩm thịt heo có chất lượng an toàn, uy tín, có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng.
Để thực hiện, người chăn nuôi, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì?
- Trong dự án, luôn có các chương trình huấn luyện kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi an toàn để đạt VietGAP, theo đúng quy định của Bộ NNPTNT. Hiện thành phố đã triển khai được 848 hộ ở 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn. Trong đó có 646 hộ đã đạt chuẩn của dự án, những hộ còn lại đang dần hoàn thiện các tiêu chuẩn.
" Dự án chính thức ra mắt cách vài ngày chúng ta ký TPP là trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại có ý nghĩa quan trọng.
Thực hiện dự án thịt heo VietGAP, chúng ta sẽ có nguồn thịt sạch, giá tốt để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn”.
Ông Nguyễn Phước Trung
Các hộ này chia thành 40 nhóm, họ sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kiến thức.
Các diễn biến, thông tin về dịch bệnh, giá cả luôn được cập nhật thường xuyên giữa các thành viên trong nhóm để mọi người có kiến thức và chủ động trong sản xuất.
Bằng việc liên kết sản xuất, các hộ dân sẽ được giới thiệu mua thức ăn ở những công ty lớn có uy tín thay vì đại lý nhỏ, giá thành có thể giảm từ 8-13%.
Mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng để sửa chữa chuồng trại đạt yêu cầu, cũng như hỗ trợ 200USD để xây hầm biogas.
Dự án còn đầu tư nâng cấp về đường sá, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, quầy sạp, tủ… của 25 chợ trên toàn thành phố với 1.257 quầy sạp bán thịt.
Các lò giết mổ được hỗ trợ thiết bị nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh như nước nóng, vòi cao áp… Điều này tạo nên một cơ sở vật chất đồng bộ, có sẵn, để chủ động về sau, khi thịt heo chuẩn VietGAP được nhiều người tin dùng, quy mô mở rộng.
Người tiêu dùng lo ngại nhầm lẫn giữa thịt heo đạt chuẩn VietGAP với heo không đạt. Làm cách nào để mọi người phân biệt để mua đúng, thưa ông?
- Đây là vấn đề rất quan trọng, dự án có thành công hay không phụ thuộc vào người tiêu dùng.
Vì vậy, định kỳ chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo cấp huyện, thành phố.
Các đơn vị trong dự án theo thời điểm sẽ đi kiểm tra quy trình chăn nuôi tại các hộ trong dự án. Họ sẽ lấy mẫu huyết thanh, nước tiểu, thức ăn để đánh giá chất lượng.
Đặc biệt, dự án quan tâm tới chỉ số hàm lượng kháng sinh, nấm độc, kim loại nặng, chất tăng trọng, các chỉ số môi trường trong các mẫu để quản lý chặt chẽ.
Do đó, chúng tôi vẫn tự tin khi thịt heo VietGAP được tung ra thị trường.
Đã có một doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp này thu mua và có cơ sở giết mổ đạt chuẩn, có sạp với thương hiệu riêng, và sẽ bán thịt heo VietGAP đầu tiên tại chợ Hòa Bình, quận 5 vào ngày 9.10 này.
Trong thời gian tới, khi nhu cầu tiêu dùng thịt heo VietGAP lên cao, chúng tôi sẽ có những cách nhận dạng thịt heo riêng để người mua không nhầm lẫn và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Trong trường hợp các bên vi phạm sẽ có các biện pháp xử phạt và tẩy chay triệt để.
Nhưng điều này hiếm khi xảy ra vì để đạt chuẩn thịt heo VietGAP, tất cả đều phải nỗ lực suốt mấy năm liền và tất cả đều thấy cái lợi luôn lớn hơn.
Xin cảm ơn ông.
Related news
Tại hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc” diễn ra hôm 4-12, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, nếu dự án này được triển khai rộng rãi thì người dân sẽ được lợi nhiều mặt.
Ngoài ra, để góp phần vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, các ngành hữu quan đã xây dựng nhiều mô hình quản lý rầy nâu bằng biện pháp sinh học kết hợp công nghệ sinh thái, mô hình sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ...
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2013-2014 bắt đầu triển khai xuống giống trà 1 vào ngày 25/12. Thế nhưng, nhiều nông dân huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam vẫn loay hoay với nỗi lo thiếu giống và tình hình vật tư nông nghiệp tăng cao.
Thời gian gần đây, cây mít Thái được trồng ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) bị bệnh sâu đục trái, gây thối nhũn làm giảm năng suất, chất lượng trái. Đồng thời giá mít rớt mạnh gây thiệt hại nặng về kinh tế cho nông dân.
Thời điểm này, người dân trong tỉnh Bình Phước đang vào mùa thu hoạch mì nhưng giá lên xuống thất thường đang là nỗi lo của nhiều nông dân. Hiện giá mì tươi chỉ khoảng 1.200-1.300 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm từ 300-500 đồng/kg.