Sầu riêng rụng quả non hàng loạt
Hiện nay, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa và cũng là mùa cây sầu riêng cho quả. Điều đáng chú ý, đó là nhiều vườn sầu riêng có hiện tượng rụng quả hàng loạt khiến người trồng không khỏi lo lắng về năng suất, sản lượng.
Sau mỗi cơn mưa, vườn sầu riêng của bà con nông dân bị rụng quả non hàng loạt.
Ở Tây Nguyên, cây sầu riêng được đánh giá là một trong những loại cây trồng cho thu nhập cao, vì vậy diện tích loại cây này đã tăng lên đáng kể. Hiện tỉnh Đăk Lăk có gần 3.000ha sầu riêng quy đổi, tập trung tại các huyện Krông Păc, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin, TP Buôn Ma Thuột…
Tại Đăk Nông, diện tích sầu riêng hơn 1.000ha, trong đó sầu riêng trồng tại Đăk Mil có diện tích và năng suất vượt trội, bởi trái sầu riêng có mùi vị thơm ngon, cơm vàng, hạt lép. Riêng tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn ha sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là huyện trồng nhiều sầu riêng nhất tỉnh.
Điều đáng lưu ý, đó là hiện nay nhiều vườn sầu riêng có hiện tượng bị rụng quả non hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân. Chỉ chúng tôi nhìn vào một gốc sầu riêng, chị Lê Thị Hồng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, chia sẻ: Mấy ngày hôm nay chiều nào cũng mưa, sau những cơn mưa, vườn sầu riêng của gia đình tôi bị rụng quả non khá nhiều. Nếu cứ rụng như thế này thì sẽ chẳng thu được bao nhiêu cả.
Cũng như chị Hồng, chị Đỗ Thị Quyên ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, cũng lo lắng: Nhà tôi có khoảng 70 cây sầu riêng đang ra quả, thời điểm hiện tại quả to bằng quả vải rồi. Tuy nhiên, mấy ngày qua, cứ sau mỗi cơn mưa là những chùm quả sầu riêng non lại rụng, khiến gia đình sốt ruột, lo lắng vô cùng. Riêng trận mưa gần đây đã rụng gần 50% lượng quả.
Theo một số chuyên gia nông nghiệp, quả sầu riêng non bị rụng hàng loạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể do thời tiết biến đổi thất thường, như nắng hạn gay gắt kéo dài, nhất là nhiều diện tích trồng sầu riêng không đủ nước để tưới. Sầu riêng ra quả khi trời nắng hạn, đến khi gai trên trái chưa bung nở mà gặp mưa thì bị “sốc”, khiến trái non rụng.
Hơn nữa, ở Tây Nguyên cây sầu riêng được bà con nông dân trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu… Cây sầu riêng không được áp dụng đồng loạt quy trình chăm sóc kỹ thuật đúng cách, nhiều khi chịu ảnh hưởng, tác động của việc chăm bón cà phê, hồ tiêu... Đặc biệt là việc bón phân cho cà phê, hồ tiêu…, trong khi cây sầu riêng trồng xen hút các chất dinh dưỡng từ việc bón phân, khi có một số loại phân bón không thích hợp với cây sầu riêng cũng dẫn đến bị rụng quả non.
Ngoài ra, cây sầu riêng ra hoa tạo quả là thời kỳ các bệnh thán thư, bệnh nấm hồng tấn công cũng khiến trái sầu riêng non bị rụng. Những bệnh này thường xuất hiện trên quy mô nhỏ, nhưng nếu không phát hiện sớm và khống chế kịp thời, bệnh sẽ bùng phát ra diện rộng và khó lường hơn.
Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, nông dân cần mua các dòng phân bón vi lượng phun cho cây sầu riêng đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển thuận lợi. Cắt tỉa những cành sát mặt đất cho thông thoáng, tránh sâu bênh gây hại. Khi mưa nhiều cần phải làm rãnh thoát nước để không ảnh hưởng đến bộ rễ cây. Tùy theo cây lớn hoặc bé mà cắt tỉa bớt lượng quả cho thích hợp để bảo đảm chất dinh dưỡng nuôi quả.
Cây sầu riêng ở Tây Nguyên đang dần trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cây sầu riêng được đánh giá là loại cây khó tính, dễ sâu bệnh đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư nhiều công sức vào các khâu chăm sóc, phòng bệnh. Trong khi đó, nhiều người chưa hiểu rõ đặc tính, kỹ thuật chăm sóc loại cây này.
Related news
Để cây sầu riêng đạt năng suất cao, việc phòng ngừa sâu bệnh hại cho cây là vô cùng quan trọng.
Dùng phân bón hữu cơ trên cây ăn trái là biện pháp giúp cây phục hồi nhanh sau thu hoạch, cho nông sản an toàn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với mức độ chịu mặn thấp, chỉ từ 0,5‰ - 1‰, sầu riêng được xếp vào loại cây mẫn cảm với hạn, mặn.