Sầu Riêng Mở Hướng Phát Triển Cho Nam Đông
Hiện nay, ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), có rất nhiều gia đình ở các xã kinh tế mới như Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Phú trồng sầu riêng, một loại cây có nguồn gốc từ Nam Bộ. Ước tính có đến gần 100 cây sầu riêng đang cho trái. Sầu riêng đang mang lại một nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình.
Gia đình bà Lê Thị Hiển, ở thôn 1, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông trồng sầu riêng gần 15 năm nay. Năm nay, vườn sầu riêng đã cho mùa trái thứ 4. Trước đây, có dịp đi đây đó và mua sầu riêng về ăn, bà Hiển nghĩ, ở nơi khác trồng sầu riêng được thì chắc mình cũng trồng được. Thế là, bà trồng thử. Ban đầu một vài cây, sau đó là khu vườn có 15 cây sầu riêng. Hiện nay, vườn sầu riêng của bà Hiển có hai loại, một loại trồng từ hạt và một loại trồng từ cây ghép.
Mỗi năm, vườn sầu riêng của bà Lê Thị Hiển chín trái từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Trái lớn nhất đạt đến 6kg, nhỏ nhất cũng 1,5kg. Ước tính mỗi cây sầu riêng của bà có thể cho đến 60kg trái/mùa. Bà Lê Thị Hiển cho biết: “Tôi thấy trồng sầu riêng hiệu quả lắm. Trừ chi phí này khác, 15 cây sầu riêng thu được khoảng 30 triệu đồng một năm”.
Ở huyện Nam Đông, ban đầu, ai cũng trồng tự phát. Khi thấy có hiệu quả kinh tế cao, nhiều người cố gắng tìm giống, mua cây con trồng thêm. Rút kinh nghiệm từ những gia đình trồng cây con từ hạt, có nhiều gia đình, trồng rút ngắn thời gian bằng cây ghép. Theo kinh nghiệm, cây trồng từ hạt tối thiểu 8 năm mới cho trái, còn cây ghép thì 4 năm đã cho trái.
Trong khoảng 100 cây sầu riêng cho trái, nhiều nhất là ở xã Hương Lộc với hơn 40 cây. Hiện nay, tổng số cây sầu riêng trên địa bàn huyện Nam Đông, tính cả lớn lẫn nhỏ, đạt khoảng hơn 2.000 cây. Đáng kể là, sự phát triển mạnh diện tích và số cây của bà con có sự hỗ trợ khá lớn từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông. Với 42 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp của chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã cử cán bộ vào tận tỉnh Vĩnh Long để tìm mua 1.500 cây con về cấp cho người dân các xã kinh tế mới.
Việc mở rộng diện tích sầu riêng của người dân huyện Nam Đông đã cho thấy sức hút của một loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Với sự hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích cây sầu riêng tăng nhanh chóng. Đáng nói là, mặc dù được trồng trên một vùng đất mới, ban đầu có tính tự phát, nhưng sầu riêng Nam Đông đã cho những kết quả đáng khích lệ mà những cây sầu riêng cho trái to, đều đặn qua các năm là một minh chứng. Cũng từ đó, cây sầu riêng đặt ra một vấn đề đó là khi có sự phù hợp và phát triển tốt, cho trái nhiều, có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác thì chính sách phát triển cho loại cây này như thế nào ?
Ông Đào Xứng ở thôn Đa Phú, xã Hương Phú, một người trồng sầu riêng và đang thu hoạch mùa quả thứ 4 cho biết: “Ban đầu, tôi trồng sầu riêng cũng là thấy thích mà trồng. Sau này, cây phát triển tốt và cho trái đều đặn, bán được giá nên tôi thấy nó có hiệu quả lắm. Chưa có loại cây nào trong vườn nhà tôi mà thu lại nhiều tiền như nó. Tôi tìm cách phát triển số cây trong vườn. Mong rằng có sự hỗ trợ hơn nữa từ các cấp để không chỉ tôi mà cả bà con lối xóm nói riêng, huyện Nam Đông nói chung phát triển loại cây sầu riêng này”.
Ông Trần Đình Việt Hùng, Phó phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cũng cho biết: “Sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy khả năng sinh trưởng và phát triển của sầu riêng trên đất Nam Đông đạt các yêu cầu kỹ thuật như ở Nam Bộ. Do đó, chúng tôi mạnh dạn trích một phần nguồn vốn đầu tư từ chương trình nông thôn mới để phát triển số cây trên địa bàn các xã kinh tế mới. Với hiệu quả kinh tế của sầu riêng trên đất Nam Đông, chúng tôi đã tìm ra loại cây có thể phát triển kinh tế vườn có hiệu quả kinh tế cao, có thể thay thế những loại cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp hiện nay trong vườn của bà con”.
Lâu nay, để cải tạo kinh tế vườn, các cấp, các ngành ở huyện Nam Đông loay hoay với những loại cây trồng mới, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Từ những vườn sầu riêng đang cho trái to, đều đặn qua các năm ở nhiều hộ dân ở các xã kinh tế mới, chìa khóa phát triển cây ăn trái chất lượng cao có thể đã mở ra cho người dân huyện Nam Đông.
Related news
Đảm bảo an toàn vùng nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh, dịch bệnh bùng phát, người nuôi tôm không sử dụng thuốc, hóa chất cấm trong nuôi tôm.
Cần chọn vùng đất thích nghi để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây mới dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường.
Thời điểm này, hơn 4 nghìn ha vải thiều sớm tập trung ở Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế (Bắc Giang) chuẩn bị cho thu hoạch.
Huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng thành công mô hình trồng bí xanh Tre Việt tại xã Thạch Châu cho thu nhập 140 triệu đồng/ha, với hiệu quả kinh tế gấp 4-5 so với trồng lạc, lúa.
Nhưng chưa khi nào giá các loại nông hải sản đồng loạt rớt như trong tháng 5 đến giờ. Tôm nuôi đang bán với giá xấp xỉ với giá thành, loại 100 con/kg là 105.000 đồng, mức giá bị rơi vào thế tuột dốc, nếu so sánh với giá tôm cùng loại của vụ trước (130.000 - 140.000 đồng/kg).