Sản xuất lúa hè thu chật vật trong nắng nóng
Những ngày qua, trời tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, bà con nông dân huyện Núi Thành vào vụ sản xuất lúa hè thu với nhiều khó khăn...
Theo lịch thời vụ, vụ lúa hè thu bắt đầu sạ từ ngày 15.5 và kết thúc vào 31.5.2015, tuy nhiên, do nắng nóng nên hầu hết địa phương của Núi Thành, tiến độ sạ lúa hè thu đều chậm và có thể trễ so với lịch thời vụ. Ông Nguyễn Diều – cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 1 lo lắng: “Trời nắng nóng quá, nông dân không dám ngâm giống nhiều. Vụ lúa hè thu năm nay, Tam Xuân 1 sản xuất giống ngắn ngày chiếm 80%, còn lại 20% sử dụng giống trung ngày.
Đến ngày 22.5 toàn xã cày ải được 70% tổng diện tích nhưng mới sạ được 20ha, có khả năng sản xuất lúa hè thu sẽ trễ hơn lịch thời vụ 5 ngày”. Còn ông Trần Đình – cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 2 thì cho biết: “Lượng nước năm nay về tương đối đầy đủ nhưng nông dân xã Tam Xuân 2 xuống giống trễ. Vụ này Tam Xuân 2 sản xuất 700ha lúa, sử dụng chủ yếu giống ngắn ngày HT1, Khang dân... Chúng tôi rất lo lắng vì nắng nóng đang kéo dài”.
Tại xã Tam Hiệp, theo ông Trần Bá Tùng - cán bộ phụ trách nông nghiệp, đến nay xã Tam Hiệp mới làm đất 30% trong tổng số 160ha lúa hè thu chủ động nước (chưa kể 80ha không chủ động nước). Ông Tùng nói: “Do nắng nóng, đập Trà Tây thiếu nước, gàu sòng gàu dai tát nước thì không còn nên xã không thể sản xuất đúng lịch thời vụ được”.
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay huyện Núi Thành sản xuất 3.400ha. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, tiến độ sản xuất lúa ở các địa phương đều chậm. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, vụ hè thu bà con nông dân Núi Thành sử dụng giống lúa trung và ngắn ngày để gieo sạ tập trung theo trà nhằm tiết kiệm nước tưới, đảm bảo thời vụ. Trong vụ này, huyện Núi Thành rất chú ý đến phân bổ nguồn nước từ hồ chứa Phú Ninh, hồ Thái Xuân. Đối với các hồ, đập địa phương quản lý, tùy khả năng phục vụ tưới trong vụ hè thu mà bố trí sản xuất hợp lý, tránh thiếu hụt nước cho cây trồng.
Dự báo vụ hè thu năm nay thời tiết nắng nóng nên có khả năng nhiều hồ đập sẽ khô hạn, thiếu nước ở một số vùng. Ngành nông nghiệp huyện Núi Thành khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển một số diện tích lúa nước tưới bấp bênh sang sản xuất các loại cây trồng cạn như bắp, đậu các loại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh mất mùa do thiếu nước.
Ông Trần Văn A - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cho biết, để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, bà con nông dân nên thực hiện sạ cùng trà cùng loại giống trên từng cánh đồng để dễ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc và hạn chế sâu bệnh gây hại”.
Do có khả năng khô hạn thiếu nước tưới trong vụ là rất lớn nên nông dân cần thực hiện phương án tưới “ướt khô xen kẽ” theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, cần áp dụng triệt để phương pháp tưới nước tiết kiệm để đảm bảo lượng nước tưới cho cả vụ.
Một trong những khó khăn hiện nay là vào thời điểm chuyển vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường gây hại tập trung trên các trà lúa mới sạ. Theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành, biện pháp tốt nhất hiện nay là ra quân đồng loạt đào hang bắt chuột. Các địa phương cần tổ chức cho nông dân ra quân đào bắt kết hợp với hun khói, đổ nước... để diệt chuột đồng thời xây dựng kế hoạch diệt chuột cho cả vụ để chủ động phòng trừ trong từng giai đoạn…
Related news
Cá nuôi sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân ở xã Phú An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) lâm vào cảnh lao đao.
Nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có xu hướng chuyển đất lúa kém năng suất sang nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống bởi có thể tận dụng thức ăn là cám, bã tại địa phương để tăng thêm thu nhập.
Cùng với nhiều nông dân khác ở TP Cà Mau, anh Huỳnh Thanh Lãm ở khóm 7, phường 6 thành công với nghề nuôi và bán cá chình giống, được nhiều người biết đến. Anh còn thành công với mô hình thuần hoá cá chình giống bằng ao đất, tỷ lệ nuôi hao hụt dường như bằng không.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện phường 12 có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trên diện tích nuôi 59ha
Không sử dụng kích điện, chất nổ hay thuốc độc, người dân khu vực xã Trung Chải (Sa Pa) đánh bắt bằng phương pháp thủ công là dùng vợt và lưới để bắt cá.