Sản Lượng Thủy Sản Tháng 1/2015 Tăng 3,4% So Với Cùng Kỳ
Theo Tổng cục Thủy sản, ước tổng sản lượng thủy sản tháng 1/2015 đạt 413.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 225.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng nuôi trồng tháng 1 đạt 188.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong tháng 1/2015, do ảnh hưởng của một số đợt gió mùa nên biển động, tuy nhiên giá dầu diezel tiếp tục giảm đã thúc đẩy ngư dân vươn khơi, một số tàu làm nghề khai thác cá đáy của ngư dân các tỉnh miền Trung và Nam Bộ đạt hiệu quả khá cao. Sản lượng khai thác đạt 225.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khai thác hải sản đạt 212.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với nuôi trồng, sản lượng tháng 1/2015 đạt 188.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014. Diện tích nuôi tôm ước đạt 96.945 ha, trong đó diện tích tôm sú là 95.945 ha, diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) là 1.003 ha, sản lượng thu hoạch là 5.159 tấn (trong đó sản lượng tôm sú là 3.146 tấn, TTCT là 2.013 tấn). Diện tích nuôi cá tra ước đạt 1.675 ha, đã thu hoạch 239 ha, với sản lượng thu hoạch từ năm 2014 chuyển sang ước đạt 69.724 tấn.
Trong tháng 1/2015, Tổng cục Thủy sản đã triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ trưởng. Trong nuôi trồng thủy sản đã xây dựng quy trình tạm thời nuôi tôm an toàn trong vùng có dịch bệnh gửi các tỉnh, thành phố ben biển để chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến, nhân rộng cho người nuôi.
Hướng dẫn áp dụng VietGAP để thực hiện mục tiêu đến 31/12/2015 các cơ sở nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP, hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Để triển khai thực hiện Nghị định 36 và Nghị định 67, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản họp triển khai thực hiện Nghị quyết 101/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về việc triển khai Nghị định 36, nắm tình hình sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản.
Triển khai nhiệm vụ tháng 2/2015, Tổng cục Thủy sản đã chỉ ra một số hoạt động chính: Trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức kiểm tra tình hình chuẩn bị mùa vụ nuôi mới, khảo sát việc sản xuất kinh doanh thức ăn của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống cá tra, phối hợp Cục Chăn nuôi tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý thức ăn chăn nuôi, phối hợp triển khai Nghị định 36.
Trong lĩnh vực khai thác hải sản, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển, giá nhiên liệu, giá bán sản phẩm để tham mưu chỉ đạo kịp thời. Phối hợp với các địa phương tổ chức lễ ra quân khai thác đầu năm, chỉ đạo hướng dẫn ngư dân tham gia khai thác trên biển, thăm hỏi, tặng quà ngư dân trong dịp tết Nguyên đán 2015. Phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tập trung tổ chức triển khai Nghị định 67 theo chỉ đạo của Chính phủ…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá: trong tháng 1, các chỉ số về nuôi trồng đều tốt, chỉ riêng giá trị xuất khẩu sụt giảm, các ngành liên quan cần duy trì chỉ đạo sản xuất để không bị ảnh hưởng. Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam để đề xuất giải pháp liên quan. Dự báo năm 2015, những cảnh báo về rào cản kỹ thuật sẽ gia tăng, do đó cần chú trọng kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào.
Trong hoạt động nuôi trồng, cần tập trung vào quản lý giống, phát huy con giống chất lượng cao, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện quy hoạch chi tiết với cá tra. Với các đối tượng chủ lực khác, Tổng cục Thủy sản tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT triển khai các hoạt động nuôi trồng phù hợp.
Lĩnh vực khai thác, Tổng cục sẽ tham mưu, phối hợp các địa phương làm lễ cầu ngư trong Tết Nguyên đán, cảnh báo cho ngư dân về tình hình tai nạn chìm tàu đang diễn ra nhiều, thực hiện Nghị định 67, tháo gỡ những vướng mắc với các địa phương trong quá trình triển khai, khẩn trương hoàn thiện trình kế hoạch hành động 2015 về Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến thiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”…
Related news
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất đai, đào hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết nên vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi trong tỉnh bị bỏ ngỏ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi hơn 1,45 triệu USD cho nhập khẩu 1.656 con lợn giống, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 7 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 944.965 con giống gia cầm với tổng trị giá hơn 3,67 triệu USD.
Đặc biệt, tại huyện Đơn Dương - nơi chăn nuôi bò sữa tập trung của tỉnh Lâm Đồng, cá biệt có hộ chăn nuôi bò sữa đạt năng suất bình quân 22 lít/con/ngày (trên 6 tấn/chu kỳ/con như mức bình quân của tỉnh). Với mức thu mua 14.000 đồng/lít sữa như hiện nay, tại Lâm Đồng, bình quân mỗi chu kỳ một con bò sữa cho nông dân thu nhập khoảng 85 triệu đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản.
Mưa lớn trên diện rộng kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua không chỉ khiến tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao, mà còn làm chi phí sản xuất bị đội lên khá nhiều.