Ruộng hành hoa tươi 10ha ở vùng ven biển xứ Nghệ
Hành lá Phú Lương có lá dầy, củ tròn, mùi thơm đặc trưng, là cây trồng bản địa lâu năm của bà con xã Quỳnh Lương, tỉnh Nghệ An.
Trong ảnh: Hành lá Phú Lương là giống hành bản địa lâu đời, có mùi thơm, củ to. Ảnh: Bizmedia.
Hợp tác xã rau an toàn Phú Lương, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu hiện có có 30 hộ dân tham gia canh tác hành hoa. Bên cạnh các loại rau màu, hành lá là cây gia vị chủ lực của bà con với diện tích khoảng 10 ha. Quy trình trồng hành được thực hiện khép kín từ khâu chọn giống đến đóng gói và vận chuyển tới các địa điểm tiêu thụ.
Theo chủ nhiệm hợp tác xã, Phú Lương có giống hành lá ngon lâu đời. Do vậy, từ năm này qua năm khác, bà con luôn giữ gìn giống bản địa để trồng chứ không mua giống lai bên ngoài. Hành Phú Lương củ tròn đều, ít vỏ, khi chế biến có mùi thơm đậm đặc trưng.
Để trồng hành lá, người dân phải thực hiện nhiều công đoạn như cuốc đất, làm cỏ, lên luống cao. Sau khi gieo hạt giống, bà con tiến hành phủ rơm hoặc lá khô lên trên nhằm giữ độ ẩm cho cây và giúp đất tơi xốp. Để tăng độ phì nhiêu cho đất, người dân còn bón thêm các loại phân chuồng vô cơ và phân vi sinh. Nhờ vậy, cây hành luôn được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, cho củ đều, lá xanh đẹp mắt.
Hành lá tương đối ít sâu bệnh, do vậy, người dân chủ yếu sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật chiết xuất từ hỗn hợp gừng, tỏi, ớt để phun cho cây. Đây là các loại thảo mộc chứa axit mạnh, sẽ tác động đến các bộ phận như mắt, da của sâu gây hại. Phương pháp này không chỉ giúp xua đuổi các loại sâu bệnh, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và các loại sinh vật có lợi trong ruộng.
Thu hoạch và vận chuyển hành lá tươi tại ruộng. Ảnh: Bizmedia.
Đến thời kỳ thu hoạch, sau khi nhổ khỏi đất, hành được đặt trong giỏ chuyên dụng tránh nhiễm khuẩn. Trước khi xuất ra thị trường, bà con địa phương giũ bỏ các lớp đất cát, bụi bẩn trên thân cây. Ngoài ra, mọi chất bảo quản khác đều không được sử dụng.
Hàng năm, bà con trồng 2-3 vụ, sản lượng cả hành lá và hành củ đạt 30 tấn trên một ha mỗi vụ. Ngoài sản phẩm hành lá tươi cung cấp cho thị trường, hành củ Phú Lương cũng được thương lái thu mua để chế biến hành khô đóng hộp.
Trung bình mỗi năm, xã Quỳnh Lương xuất ra thị trường 400-500 tấn hành sản xuất theo quy trình sạch. Hiện nay, sản phẩm có mặt tại nhiều siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch ở Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế...
Related news
Ngày nay, Đông Sơn cũng là một huyện có trình độ thâm canh nông nghiệp vào loại khá của tỉnh Thanh Hóa.
Trang trại của ông Bùi Đức Luận ở khu 6, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được coi là quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện.
Thời tiết thất thường đã tác động tiêu cực đến vấn đề phát triển của cây. Theo người dân địa phương, đa phần diện tích cây ăn trái của họ đều bị ảnh hưởng.