Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rươi Và Những Điều Ngộ Nhận

Rươi Và Những Điều Ngộ Nhận
Publish date: Saturday. July 19th, 2014

Trước đây người ta cứ nghĩ rươi sinh sản vô tính, kỳ thực ra, rươi sinh sản hữu tính, tức phải có con đực và con cái mới hoài thai được ra con non.

Theo các nhà khoa học, con rươi độc đáo ở chỗ nó gần như chỉ tập trung nhiều ở các vùng nước lợ tại Việt Nam. Đây là loài động vật không xương sống thuộc nhóm giun nhiều tơ, dân gian có nơi gọi rươi là rồng đất.

Thạc sĩ Cao Văn Hạnh - Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc kể chuyện anh mê rươi, bắt đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài động vật nhiều chân này từ năm 2008. Gần đây anh Hạnh đã thử nghiệm sản xuất giống rươi thành công nhưng do kinh phí có hạn nên mới ở quy mô thí nghiệm chứ chưa đưa ra mô hình giống đại trà.

Điều thú vị là con rươi đã “chỉnh đốn” chính người nghiên cứu nó nhiều quan niệm sai lầm. Trước đây người ta cứ đinh ninh rằng rươi họ nhà giun nên chắc chắn chúng cũng sinh sản vô tính như giun bằng cách đứt đoạn để nhân ra các cá thể mới.

Kỳ thực ra, rươi sinh sản hữu tính tức phải có con đực và con cái mới hoài thai được ra con non. Rươi đực khoác trên mình “bộ cánh” màu trắng còn rươi cái khoác trên mình “bộ cánh” màu xanh, mùa giao hoan đực cái gặp nhau, xoắn vào nhau trong một cuộc luân vũ để thực hiện nghĩa vụ cao cả là duy trì nòi giống.

Trước đây người ta vẫn tưởng thứ vớt lên sau mỗi mùa nước rươi “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, “Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy” là cả thân mình con rươi nhưng đúng ra đó chỉ là… hệ thống sinh sản của chúng.

Phần đuôi chiếm đến hai phần ba cơ thể rươi mùa giao phối bị đứt đoạn nằm dưới bùn và tự hủy để hi sinh cho hệ thống sinh sản theo con nước nổi lên như một cái phao. Với con cái hệ thống đó gồm cả buồng trứng, con đực gồm cả túi tinh. Kỳ lạ là chúng vẫn di chuyển được bình thường vì có nhiều chân bơi ở hai bên và có “não” chỉ huy ở phía đầu…

Rươi có tập tính sống trong hang dưới bùn và chỉ xuất hiện vào những thời kỳ nhất định trong năm vì chúng chịu ảnh hưởng bởi thủy triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác.

Đáng buồn là nguồn lợi rươi đang được khai thác triệt để vào chính mùa sinh sản của chúng. Sản phẩm rươi đang sử dụng làm thực phẩm là những cá thể mang trứng nên càng ưa chuộng rươi loài người càng đẩy loài động vật nhiều chân này vào chỗ tuyệt chủng nếu chỉ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.

Để có thể thu lượm được những kiến thức trên, anh Hạnh đã phải xắn quần lội bùn khắp đồng trên, bãi dưới hết Tiên Lãng, An Lão (Hải Phòng) đến Tứ Kỳ (Hải Dương) lại ngược ra cửa Văn Úc (Thái Bình) khảo sát.

Những con số thống kê đau lòng! Sản lượng rươi đánh bắt được ngoài tự nhiên chỉ còn rất ít và giảm dần qua từng năm khiến giá của chúng tăng lên tới 400.000-500.000đ/kg. Từ một món ăn dân dã, rươi trở thành đặc sản cho thiểu số người tiêu dùng đủ hầu bao chi trả. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước còn có một lượng lớn rươi được các lái buôn vận chuyển bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Rươi còn có vai trò to lớn trong việc chuyển hóa các chất mùn bã hữu cơ và xác động vật chết trong chu trình trung chuyển vật chất của hệ sinh thái vùng triều, xử lý chất thải hữu cơ, tạo nên độ phì nhiêu, tơi xốp thông thoáng cho các vùng đất ngập nước.

Nhiều năm qua do việc ngăn sông, giữ đập nhất là việc dùng thuốc trừ sâu quá nhiều trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh sản và phát triển của rươi. Đã xuất hiện một số mô hình bãi thả rươi hay nói chính xác hơn là bãi giữ rươi để con người chủ động khai thác.

Mỗi khi muốn thu hoạch chủ đầm cho nước tràn vào, rươi nổi lên và trôi theo dòng nước đến chỗ đóng xăm (một loại lưới mắt nhỏ li ti) rồi bị bắt. Tôi đã từng lang thang khắp bãi rươi ở Tứ Kỳ (Hải Dương) và nhận thấy rằng do không chủ động được nguồn giống nên năng suất của các đầm nuôi rươi dạng này không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao.

Mong mỏi lớn nhất của các chủ đầm là làm như thế nào để có được nguồn giống chủ động phục vụ cho nuôi rươi thương phẩm nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.

Anh Hạnh đã thu thập những cá thể rươi tốt nhất về trung tâm để thử nghiệm sinh sản. Theo kiểu khô, anh nghiền cá thể đực và cái trộn vào nhau để trứng gặp tinh trùng thụ thai trong nước muối sinh lý rồi đem lọc, ấp.

Theo kiểu ướt, anh dùng nhiệt độ, độ mặn cho cá thể đực, cái tự vỡ ra hòa vào nhau cho trứng thụ tinh rồi ấp. Bể ấp là những thùng nhựa chứa đầy nước mô phỏng giống như điều kiện tự nhiên từ nhiệt độ đến độ mặn.

Trứng rươi trong bể ấp mất chừng 28-36 tiếng là nở và sau đó được chuyển sang bể ương. Từ khi nở đến khi rươi lớn mất sáu tháng và thêm sáu tháng nữa để chúng có thể thành thục, sinh sản được.

Theo thạc sĩ Cao Văn Hạnh, ngoài được biết đến như là một món ăn đặc sản, bổ dưỡng rươi còn được sử dụng như một thứ thức ăn đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản, nhất là để nuôi vỗ tôm sú bố mẹ và tôm thẻ chân trắng.

Các cơ sở sản xuất giống hiện nay đều sử dụng rươi vì sau khi sử dụng tỷ lệ thành thục cao, chất lượng trứng tốt. Rươi đặc biệt hợp với nuôi vỗ phát dục vì trong nó chứa một số axit béo không no chỉ có ở loài giun nhiều tơ mà thức ăn tổng hợp không hề có.

Chính nhờ khả năng tự làm sạch thủy vực nên rươi còn được một số nhà khoa học xem như là các sinh vật chỉ thị mức ô nhiễm môi trường bằng cách xác định mật độ quần thể, sản lượng và tần suất xuất hiện tại một vùng ven biển.

Việc chủ động được rươi giống được ví như là một mũi tên bắn trúng bốn đích.Thứ nhất là người dân sẽ chủ động nuôi thương phẩm thay vì vẫn phải dựa vào nguồn giống tự nhiên như hiện nay. Thứ hai là sản phẩm nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (do các vấn đề đầu vào như cải tạo ao nuôi, gây thức ăn, chế độ quản lý và chăm sóc… đều được kiểm soát).

Thứ ba là mặt hàng rươi trên thị trường không còn quá phụ thuộc vào tự nhiên (mùa vụ thường ngắn, chỉ từ 1-2 tháng/năm) do đó sẽ có một nguồn nguyên liệu cung cấp thường xuyên đến người tiêu dùng, rươi sẽ được dùng phổ biến hơn, đồng thời giá bán sẽ hạ.

Cuối cùng là nếu cung cấp được nguồn rươi thường xuyên sẽ giúp cho việc nuôi tôm bố mẹ được tốt hơn, gián tiếp thúc đẩy nghề sản xuất tôm sú, tôm thẻ chân trắng phát triển...


Related news

WB Tài Trợ 47 Tỷ Đồng Nâng Cấp Mở Rộng Cảng Cá Ở Bình Định WB Tài Trợ 47 Tỷ Đồng Nâng Cấp Mở Rộng Cảng Cá Ở Bình Định

Ông Trần Văn Vinh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ (CRSD) tỉnh Bình Định cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 47 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng cảng cá Đề Gi tại thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

Thursday. June 12th, 2014
Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện có 6 DN trả lại chỉ tiêu và 5 DN xin giảm chỉ tiêu được giao. Khi đó VFA đã nhanh chóng điều chỉnh chỉ tiêu, kết quả có 130 DN tham gia tạm trữ được 995.494 tấn gạo, đạt 99,55% kế hoạch, trong đó có 3 DN không mua đạt chỉ tiêu với số lượng 4.506 tấn.

Thursday. June 12th, 2014
Lật Tẩy Chiêu Thu Gom Bông Thanh Long Lật Tẩy Chiêu Thu Gom Bông Thanh Long

Ngày 12/6, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết nhiều thương lái đang rầm rộ thu mua bông thanh long. Theo kinh nghiệm nhiều năm làm vườn, ông nhận định đây có thể là chiêu trò lừa gạt, tận thu bông đang nở để gây thiệt hại mùa màng của bà con nông dân.

Friday. June 13th, 2014
Hơn 70% Số Hộ Thu Hoạch Tôm Có Lãi Hơn 70% Số Hộ Thu Hoạch Tôm Có Lãi

Riêng, đối với giá tôm sú vẫn ổn định, loại 20 con giá từ 199.000 - 214.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 172.000 - 182.000 đồng/kg, loại 40 con giá 142.000 - 152.000 đồng/kg, loại 50 con giá 138.000 đồng/kg… Theo số liệu thống kê, đến nay có 206 hộ thu hoạch hòa vốn, 753 hộ bị thua lỗ và hơn 2.588 hộ nuôi có lãi, chiếm 70,4% số hộ thu hoạch.

Friday. June 13th, 2014
Kỹ Sư Nguyễn Quốc Kiệt Những Sáng Kiến Bắt Nguồn Từ Thực Tế Cuộc Sống Kỹ Sư Nguyễn Quốc Kiệt Những Sáng Kiến Bắt Nguồn Từ Thực Tế Cuộc Sống

Có người sự phát minh, sáng chế đến một cách tình cờ, trong khi đối với người khác là do sự đam mê nghiên cứu. Còn anh Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công (Phường 3, TX. Gò Công - Tiền Giang) những sáng kiến của anh đều bắt nguồn từ những đòi hỏi của thực tế sản xuất và đời sống

Friday. June 13th, 2014