Rừng Tự Nhiên Ba Tơ Cần Sớm Có Định Hướng Bảo Tồn
Ba Tơ là huyện vùng cao của tỉnh, có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đặc biệt là ở 3 xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam. Đây là vùng rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao, nhưng thời gian qua các chủ rừng buông lỏng quản lý, để cho nhiều đối tượng xâm hại nghiêm trọng.
Phong phú động, thực vật
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, tại 3 xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam hiện có gần 23.168ha đất lâm nghiệp, trong đó có 15.736ha rừng tự nhiên, bao gồm chủ yếu là rừng nhiệt đới, nằm trong một vùng sinh thái rừng tự nhiên rộng lớn còn tính chất nguyên sinh và động, thực vật khá phong phú.
Trong các năm 2011, 2012 và 2013 các chuyên gia của tổ chức Wildlife At Risk đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi tiến hành các đợt điều tra đa dạng sinh học nói chung và điều tra thảm thực vật nói riêng tại những khu rừng ở Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam. Kết quả điều tra thành phần thực vật bước đầu đã ghi nhận được sự có mặt của 483 loài, 262 giống, thuộc 95 họ được phân vào 5 ngành trong giới thực vật. Trong đó có 21 loài nguy cấp quý hiếm; 115 loài có dược tính. Qua phân tích 483 loài thực vật, có 21 loài quý hiếm nguy cấp. Trong đó có 7 loài có tên trong danh lục đỏ (IUCN), 17 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Cũng tại khu vực trên, năm 2013 ông Andrew James Henderson và Nguyễn Quốc Dựng đã phát hiện ra 2 loài mới cho Quảng Ngãi. Loài thứ nhất là Calamus batoensis (mây rắc) và loài thứ hai là Calamusquangngaiensis (mây cật). Đây là hai loài đặc hữu của miền Trung Việt Nam, mới chỉ tìm thấy tại Quảng Ngãi.
Động vật ghi nhận được 494 loài thuộc 116 họ, 16 bộ, thuộc 7 lớp động vật khác nhau. Trong đó có 113 loài quý hiếm nguy cấp: Gồm 105 loài có tên trong IUCN, 11 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, các loài chim, cá, thú, bò sát lưỡng cư, bướm, chuồn chuồn... khá phong phú. Có loài thuộc diện quý hiếm thuộc loại đặc hữu Đông Dương, có tên trong phụ lục II-Cites, trong IUCN và trong Sách đỏ Việt Nam...
Thực trạng quản lý
Vùng rừng tự nhiên tại ba xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam tiếp giáp với những khu rừng lớn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) về phía tây nam; giáp khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) về phía nam và phía tây giáp khu vực rừng Kon Tum. Những khu bảo tồn này đều được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy chế quản lý rừng đặc dụng. Trong khi đó khu vực rừng tự nhiên Ba Tơ thì lại giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ khu Tây Ba Tơ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô và UBND các xã quản lý.
Phân theo chức năng, vùng rừng này có diện tích tự nhiên của 3 xã là 26.317ha. Trong đó quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp 23.168ha (nhưng chỉ quy hoạch cho 2 chức năng là phòng hộ 9.637ha và sản xuất 13.531ha mà không quy hoạch rừng đặc dụng). Trong đó diện tích rừng trung bình và giàu còn tương đối lớn 9.646ha, chiếm hơn 61% diện tích rừng tự nhiên.
Đối với diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ khu Tây huyện Ba Tơ quản lý 8.654ha đã giao khoán cho 171 hộ bảo vệ theo Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 30a. Mỗi hộ dân được nhận tối đa 30ha với định mức 200 ngàn đồng/ha/năm bằng cách thức giao khoán cho nhóm hộ chứ chưa giao đến từng hộ và chưa giao rừng ngoài thực địa. Hiệu quả của công tác khoán bảo vệ rừng không cao.
Đối với rừng tự nhiên sản xuất, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô quản lý gần 4.227ha. Đây là diện tích rừng giàu, trước đây được Nhà nước cho phép khai thác theo chỉ tiêu hàng năm. Từ năm 2002 trở lại đây thì thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Lâm trường chuyển qua kinh doanh trồng rừng và dịch vụ cây giống lâm nghiệp nhưng không hiệu quả. Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Công ty đang đứng trước tình trạng có thể giải thể. Do đó diện tích rừng này hiện không được đầu tư kinh phí để bảo vệ. Huyện Ba Tơ đã đề nghị tỉnh thu hồi toàn bộ đất của Công ty giao lại địa phương quản lý.
UBND xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam đang quản lý gần 2.855ha. Diện tích này nằm trong phương án giao rừng, cho thuê rừng của huyện Ba Tơ. Diện tích này chủ yếu là rừng nghèo, đang phục hồi. Và đây cũng là diện tích đất lâm nghiệp đang có nguy cơ bị xâm hại để lấy đất trồng rừng keo, trồng mì hoặc tỉa lúa rất cao.
Qua tìm hiểu vai trò của các bên liên quan trong công tác bảo vệ rừng tự nhiên Ba Tơ cho thấy, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ là cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng cấp huyện. Cơ quan quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cấp huyện là UBND huyện Ba Tơ đã quyết định phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND các xã, thị trấn.
Tuy đã phân cấp quản lý như vậy, nhưng qua khảo sát thực địa và tìm hiểu ý kiến của đồng bào địa phương đều cho rằng, các hoạt động khai thác gỗ, săn bắt động vật, phá rừng trồng keo hoặc làm nương rẫy, đào đãi vàng... là nhóm nguyên nhân có nguy cơ đe dọa đến tài nguyên rừng cao nhất. Đối tượng phá rừng làm nương rẫy hoặc trồng keo chủ yếu là người dân địa phương làm ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Định hướng bảo tồn
Ở Quảng Ngãi ít có nơi nào rừng giàu tự nhiên còn tồn tại với diện tích lớn như ở 3 xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam. Đây là vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học cao,với rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, tạo nên hệ sinh thái và sinh cảnh rừng có giá trị nổi bật về nhiều mặt. Qua thăm dò ý kiến của các cấp ngành và các địa phương hữu quan, có 85% ý kiến cho rằng cần phải thành lập khu bảo tồn để bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có này nên đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành xây dựng dự án khả thi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ.
Theo đề xuất quy hoạch, khu bảo tồn thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ có diện tích 23.168ha, bao gồm 24 tiểu khu thuộc 3 xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Nam, được chia làm 3 phân khu chức năng. Đó là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái và vùng đệm. Đây là vùng rừng tiếp giáp huyện Komplong (tỉnh Kon Tum) về phía tây và tiếp giáp với 2 huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), An Lão (tỉnh Bình Định) về phía nam.
Theo lộ trình thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Khu Tây huyện Ba Tơ thì đến năm 2017 khu này chính thức hoạt động theo hướng tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, đồng thời thực hiện việc quản lý khu bảo tồn dựa vào cộng đồng. Sau đó, tiếp tục phát triển khu bảo tồn theo hướng nâng cao giá trị bảo tồn thiên nhiên, kết hợp giữa bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, nuôi thả các loài kinh tế và bổ sung nguồn gen thích hợp, tăng tính đa dạng sinh học cho khu bảo tồn. Định hướng đến 2020, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của khu bảo tồn.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/rung-tu-nhien-ba-to-can-som-co-dinh-huong-bao-ton-2352936/
Related news
Thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi phiền hà đã làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thiệt hại nhiều do phải lưu hàng tại cảng. Có doanh nghiệp cho hay, chi phí lưu container có khi lên tới vài chục tỉ đồng mỗi năm và doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí này.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đề nghị tăng cường các biện pháp chống nóng cho vật nuôi.
Ngày 18/5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị "Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam" với sự tham gia của đại diện nhiều DN mía đường trên cả nước.
Những ngày qua, nông dân bắt đầu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Đối với những vùng trũng, thường bị ngập úng, nông dân đã chủ động gieo khô trước khi nước về.
Nhờ sáng kiến trồng rau ngót dưới tán hồ tiêu trên diện tích 7 sào đất nhà mình, ông Nguyễn Xuân Khoa, một nông dân ở ấp 3A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có thu nhập thêm mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng.