Rau, Củ Dồi Dào, Giá Vẫn Cao
Thời điểm này, mặt hàng rau củ đổ về Đà Nẵng tăng 50% so với những tháng hè, nhưng giá bán lẻ không giảm, thậm chí còn tăng.
Vì sao có sự chênh lệch về giá từ gốc đến ngọn, bất chấp việc giảm giá xăng dầu tới 15 lần như vậy?
Hàng rau củ ngập chợ
Rảo quanh các chợ, ngoài những mặt hàng phục vụ Tết như bánh mứt, thực phẩm khô, các loại rau, củ được bày bán ngập chợ.
Điều này thấy rõ qua việc chủ các quầy hàng cơi nới, bày biện ra cả lối đi. Nhiều loại từ hai miền Bắc - Nam như cà rốt, khoai tây, su hào, súp lơ, củ cải, bắp cải, cà chua… ồ ạt theo các xe tải về chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố.
Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, những ngày gần đây, lượng hàng hóa về chợ rất dồi dào, tuy sức mua chưa “căng” như những ngày Tết nhưng tiểu thương vẫn nhập hàng để sẵn. Lượng hàng ước tính tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. Theo những người lấy hàng bán lẻ, cứ nhìn vào số xe vận chuyển là biết ngay cung đang dôi hơn cầu.
Theo nhận định, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc gieo trồng các loại rau, củ. Vì thế, sản lượng mặt hàng này ở cả ba miền đều lớn.
Phòng NN&PTNN huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, thời tiết miền Trung năm nay khá thuận lợi, trời không mưa, không nắng gắt nên các vùng rau chuyên canh phát triển mạnh. Mấy năm trước, các loại giống rau đều do người dân dự trữ từ giống cũ, năm nay là giống F1 nên cho sản lượng cao hơn. Ghi nhận tại các vùng rau chuyên canh cho thấy, các loại rau ngắn ngày đã bắt đầu lên xanh và cho thu hoạch gối đầu thường xuyên.
Bà Ngô Thị Hạnh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho hay: Diện tích vụ đông xuân 2014 - 2015 huyện có 79 hecta, chủ yếu tập trung ở 4 vùng rau chuyên canh các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong. Trong đó, các giống cây ngắn ngày như cải, xà lách, tần ô, ngò, rau muống hạt, bí đao, dưa leo… được bà con trồng nhiều. Vụ rau năm nay mỗi sào ước thu từ 600 - 700kg tùy theo loại, đáp ứng 20 - 25% thị trường rau toàn thành phố.
Bà Lê Thị Lan (trú thôn 1, xã Hòa Phong) cho hay, giá rau hiện tại do đúng vụ nên không quá cao so với hồi đầu năm 2014. Cụ thể, xà lách trơn 40.000 đồng/chục (10 kẹp), xà lách búp giảm từ 60.000 đồng xuống 40.000 đồng/chục, đậu cô-ve 12.000 đồng/kg...
Trung gian ăn lãi
Những vùng rau phía Bắc và Đà Lạt vào vụ đáp ứng thị trường và có lúc rớt giá thảm hại ngay tại nơi thu mua. Chẳng hạn như hồi tháng 9, 10, giá cà chua tại vườn người nông dân ở Lâm Đồng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, cải thảo 700 - 1.000 đồng/kg. Trong khi qua tầng nấc trung gian, giá bán lẻ đến người tiêu dùng tăng gấp 10 lần.
Nhìn từ giá rau, củ từ nơi sản xuất đến các chợ địa phương như Túy Loan, Đầu mối Hòa Cường mới thấy giá cả đến tay người tiêu dùng là “một trời một vực”.
Bà Đinh Thị Lương (buôn từ chợ Đầu mối Hòa Cường về chợ Hòa Khánh) nói: Với kiểu tăng giá theo nấc hiện nay là không hợp lý, lời lãi chênh lệch quá nhiều. Bởi thông thường, mỗi một mặt hàng người buôn sỉ cấp 1 và người lấy lại cấp 2 chỉ tăng vài trăm đồng thôi, chứ tăng cả chục ngàn đồng như hiện nay là điều khó chấp nhận.
Rau, củ được mùa, cộng với giá xăng giảm tới 15 lần từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015 là điều kiện tốt cho giá hàng hóa giảm theo. Tuy nhiên, như đã đề cập, giá xăng dầu giảm nhưng ít có mặt hàng nào giảm theo. Đến nay, nhiều mặt hàng vẫn bị bỏ ngỏ về giá trên thị trường, thương lái tự định đoạt về giá.
Theo các cán bộ Sở Tài chính và Công thương phân tích, những mặt hàng không nằm trong danh mục phải kê khai giá thì không thể buộc họ quay trở lại với giá mà người tiêu dùng trông đợi, nhất là vào thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán.
Related news
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có thông báo chính thức về kết quả làm việc với Đoàn thanh tra EU sau chuyến thanh tra tại Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP đối với sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.
Dự án Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 được khởi công xây dựng vào tháng 2-2014, trên diện tích 34,3 ha, tại xã Phú Nhuận (Như Thanh - Thanh Hóa); tổng mức đầu tư của dự án gần 230 tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng cho việc chăn nuôi 2.000 con bò vắt sữa với quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...
Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.
Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 thứ 4 xảy ra trên đàn vịt tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A (H5N6) lây sang người.