Home / Cây lương thực / Trồng sắn

Rệp sáp bột hồng hại khoai mì

Rệp sáp bột hồng hại khoai mì
Author: Ths. Huỳnh Kim Ngọc
Publish date: Wednesday. March 18th, 2020

Tên gọi rệp sáp bột hồng vì cơ thể rệp sáp được bao phủ bởi một lớp bột trắng, nhưng ở cây mì lớp bột lại có màu hồng (tên tiếng Anh: Cassava pink mealybug).

Cây sắn nhiễm bột sáp rệp hồng.

Rệp sáp bột hồng hại khoai mì (sắn/mì) có tên khoa học là Phenacoccus manihotii có nguồn gốc phát sinh ở Nam Mỹ (Paraguay), gây hại nhiều nơi trồng mì trên thế giới nhất là các nước Châu Phi như Congo, Zaire, Senegal, Gambia… gần đây gây hại nhiều tại Thái Lan, Campuchia, Lào...

Ở Việt Nam thời gian gần đây rệp sáp bột hồng đã xuất hiện và gây hại thành dịch ở các vùng chuyên canh mì như ở Tây Ninh (2013), Đắk Lắk, Đắc Nông, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An... Đây là loài rệp chuyên ký sinh và hại cây mì, gây hậu quả rất lớn, thất thoát năng suất có thể lên đến trên 80%.

Tác hại của rệp sáp bột hồng:

Rệp sáp bột hồng phát sinh và gây hại ngay dưới ngọn lá, nhất là nơi tiếp giáp giữa cuống lá với phiến hay thân, rệp gây hại bằng cách chích hút nhựa ở thân non, lá, cuống… gây hiện tượng chùn ngọn, cây chậm sinh trưởng, thân cong queo và cây lùn, nếu nhiễm nặng, cây bị héo khô, toàn bộ lá sẽ rụng.

Rệp sáp bột hồng sống cộng sinh với một số loài kiến và sinh sản đơn tính nên phát triển mật số rất nhanh. Rệp lây lan nhanh qua nhiều đường: hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và trên các phương tiện vận chuyển… do cơ thể rệp được bao bọc trong một lớp phấn bột và thường đóng dầy đặc ở nơi kín như kẽ lá, mặt dưới lá nên việc phun thuốc thường có kết quả khá hạn chế.

Rệp sáp bột hồng có vòng đời khá dài khoảng từ 1 – 3 tháng. Sau khi mùa vụ kết thúc, theo các nghiên cứu, rệp có thể chuyển sang sống trên các chồi non của cây cao su để gây hại qua các mùa sau.

Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng: Khi làm đất cần tiêu hủy tàn dư cây trồng vụ trước và cỏ dại ven bờ.

+ Chọn hom giống sạch bệnh không bị nhiễm rệp sáp.

+ Không trồng dầy, bón phân chăm sóc tốt để cây sinh trưởng phát triển mạnh.

+ Biện pháp hóa học: Pha hỗn hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC với thuốc Sec Saigon 25EC, Okun 80WG, Brimgold 200WP, Sago super 20EC phun kỹ vào ngọn cây, chú ý phun mặt dưới lá, chỉnh bét phun mịn hạt, phun nhiều nước, nên phun sáng sớm hay chiều mát. Sau 5 – 7 ngày sau, có thể phun thêm lần 2. Kinh nghiệm của nông dân, có thể pha các thuốc trên với Butyl 10WP.

Để tránh hiện tượng kháng, nên dùng luân phiên.


Related news

Thâm canh cây sắn dây Thâm canh cây sắn dây

Tại Hải Dương, cây sắn dây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Sau đây là một số kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây sắn dây:

Thursday. March 28th, 2019
Hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn dây cho năng suất cao Hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn dây cho năng suất cao

Sắn dây là một loài cây dể trồng, không kén đất và có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài công dụng y học, sắn dây còn là nguồn phân xanh và làm thức ăn cho gia súc.

Friday. March 29th, 2019
Bệnh khảm lá trên khoai mì Bệnh khảm lá trên khoai mì

Bệnh do virus SLCMV (Sri Lanka Cassava Mosaic Virus) gây ra. Bệnh lan truyền qua hom giống và qua côn trùng môi giới (bọ phấn).

Thursday. January 9th, 2020