Bệnh khảm lá trên khoai mì
Bệnh do virus SLCMV (Sri Lanka Cassava Mosaic Virus) gây ra. Bệnh lan truyền qua hom giống và qua côn trùng môi giới (bọ phấn).
Mì nhiễm khảm lá
Qua hom giống: Do mầm bệnh virus có trong dịch nhựa ở thân, lá, củ, nên nếu lấy hom cây bệnh làm giống cho vụ sau, thì bệnh sẽ xuất hiện ngay sau khi cây mọc và củ sót lại trên ruộng sau thu hoạch, là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau.
Qua bọ phấn (côn trùng môi giới): Khi cây lớn, nếu rầy chích hút nhựa cây bệnh, virus qua kim chích, đi vào cơ thể rầy và sau đó rầy chích sang cây lành, truyền virus sang và mầm bệnh sẽ mất ít thời gian để nhân số lượng và triệu chứng cũng thể hiện một thời gian ngắn sau đó.
Đặc tính sinh học của bọ phấn
Bọ phấn có tên khoa học: Bemisia tabaci, thuộc bộ nửa cánh (Hemiptera), có nhiều kiểu hình, phổ ký chủ rất rộng, ký sinh trên 900 loại cây trồng trên toàn thế giới (ngoại trừ Nam cực), cũng là dịch hại quan trọng trong nhà kiếng và là môi giới truyền bệnh cho hàng trăm loài virus. Bọ phấn được xem là dịch hại quan trọng nhất trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, ngoài khoai mì, bọ phấn thấy phổ biến trên các loại cây họ cà như cà chua, cà pháo, thuốc lá, ớt, rau cải họ bầu bí, dưa hấu, dưa leo, khoai tây, cả trên cây ăn trái và hoa kiểng.
Bọ phấn trưởng thành nhỏ, dài khoảng 1 mm, hai cánh trước và sau dài bằng nhau, thân và cánh phủ lớp phấn bột trắng. Ruộng nhiễm nặng, khi vào vườn, bọ phấn tung bay như một đám bụi phấn. Vòng đời bọ phấn khoảng 1 tháng, tuy nhiên tùy vào điều kiện nhiệt độ, cây trồng, tập quán canh tác có thể kéo dài hơn, có khi đến cả năm, gồm 4 giai đoạn: Trứng – Sâu non (ấu trùng) có 3 tuổi - Nhộng (có tài liệu nói không có giai đoạn nhộng) và Trưởng thành.
Mỗi bọ phấn cái có thể đẻ 200 trứng trong suốt vòng đời của mình. Ấu trùng nở có màu vàng nhạt, mới nở có chân, bò dưới mặt lá, rồi trú ẩn vào một chỗ dưới mặt lá, sau khi lột xác, sang tuổi 2 thì không còn chân. Cả ấu trùng và thành trùng sống và gây hại mặt dưới lá, đều có thể chích hút nhựa cây và tiết nước bọt trong có chứa virus lan truyền bệnh khảm. Do trong nước bọt có nhiều carbohydrate nên tạo điều kiện cho nấm bồ hống phát triển. Cây bệnh khảm tuy không chết ngay, nhưng kém phát triển, còi cọc, nếu nhiễm nặng, cây suy kiệt và chết.
Bọ phấn thích hợp thời tiết khô, ẩm độ thấp (dưới 80%), nhiệt độ cao (trên 27 độ C), ruộng nhiều dư thừa thực vật sót lại vụ trước, thường xuyên phun thuốc trừ sâu phổ rộng, phun nhiều lần, bọ phấn dễ bột phát.
Biện pháp phòng trừ
Tiêu hủy cây bệnh: Theo quy định của Cục BVTV, nếu ruộng khoai mì bị nhiễm trên 70% tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy toàn bộ (cây, lá, rễ, củ). Nếu nhiễm dưới 70%, tiến hành nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh (bao gồm của củ) và mang đi tiêu hủy.
Không sử dung hom giống từ cây bệnh.
Dùng giống kháng hay hom sạch bệnh.
Luân canh (nếu có thể): Chú ý không trồng các cây ký chủ của bọ phấn (thuốc lá, bông vải, cà chua, bầu bí, khoai tây, ớt…).
Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.
Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch.
Ruộng cần thông thoáng, sạch cỏ dại, không trồng mật độ quá dầy, tỉa bớt lá gốc.
Chăm sóc cây khỏe.
Sử dụng các hoạt chất được khuyến cáo: Pymetrozine, Imidaclroprid, Dinotefuran, Buprofezin… Osago 80WG (Pymetrozin + Nintenpyram), Butyl 10WP (Buprofezin), Brimgold 200WP (Dinotefuran + Imidacloprid). Các sản phẩm này có thể dùng đơn hay pha với dầu khoáng PSO như SK Enspray 99EC để tăng hiệu quả.
Kết quả thí nghiệm với Chi cục BVTV Bình Phước (tháng 8/2018) cho thấy, Osago 80WG và Brimgold 300WP cho kết quả phòng trừ tốt bọ phấn khi phun giai đoạn 25 ngày sau đặt hom, mật số cây nhiễm bệnh lô xử lý rất thấp và có khác biệt rõ so với lô đối chứng.
Tương tự, nông dân ở Phú Yên, phối hợp Brimgold 200WP với dầu khoáng SK Enspray 99EC, cũng ghi nhận ruộng có phun thuốc, khoai mì sạch bệnh khảm so với ruộng đối chứng không phun.
Chú ý cần phun lúc sáng sớm do lá còn ướt sương và bọ ít di chuyển, phun nhiều nước và phun ướt đều lên tán lá, phun kỹ mặt dưới lá nơi bọ phấn cư trú và gây hại. Cần luân phiên thuốc để hạn chế tính kháng.
Related news
Giống sắn siêu năng suất 13sa05 chỉ dành cho chế biến, đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống sản xuất thử từ tháng 12/2018.
Tại Hải Dương, cây sắn dây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Sau đây là một số kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây sắn dây:
Sắn dây là một loài cây dể trồng, không kén đất và có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài công dụng y học, sắn dây còn là nguồn phân xanh và làm thức ăn cho gia súc.