Rau VietGAP Ra Chợ
Rau VietGAP ra chợ truyền thống vừa giải quyết đầu ra cho người trồng và các HTX vừa hướng người tiêu dùng đến sử dụng sản phẩm an toàn
TP HCM hiện có 9 HTX cung ứng rau VietGAP (thực hành sản xuất sạch) cho các hệ thống phân phối, chưa kể các HTX ở Lâm Đồng, Tiền Giang, An Giang... cũng đưa hàng về TP HCM tiêu thụ.
Mở cửa hàng cạnh chợ
Ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm HTX Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết mỗi ngày, HTX cung ứng khoảng 6 tấn rau cho các siêu thị và bếp ăn tập thể. Thế nhưng, đầu ra cho sản phẩm vẫn là trăn trở lớn nhất của các xã viên. “Trong khi nhiều người sản xuất rau VietGAP không tìm được thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng không biết mua rau an toàn ở đâu thì 70% rau bán ở các chợ truyền thống là hàng trôi nổi, khó kiểm soát chất lượng. Chúng tôi rất mong có một đơn vị đứng ra phân phối rau an toàn đến chợ truyền thống” - ông Dương nêu thực trạng.
Mới tham gia thị trường rau VietGAP thời gian ngắn, Công ty TNHH XNK Nông sản an toàn đã mở 4 cửa hàng rau VietGAP ở khu vực các chợ Tân Định, Cô Giang, Trần Hữu Trang, Phạm Văn Hai. Khác với những hệ thống cửa hàng rau an toàn đã ra đời trước đây, cửa hàng của Công ty TNHH XNK Nông sản an toàn gần giống như một quầy rau ở chợ, đặt sát mặt tiền đường để khách dễ chọn mua. Ông Lương Tấn Luận, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết hiện mỗi điểm bán tiêu thụ khoảng vài chục tấn rau/ngày và bắt đầu có khách quen. Công ty vừa ký hợp đồng phân phối rau VietGAP với 5 HTX rau VietGAP ở TP HCM và Lâm Đồng, sắp tới sẽ ký thêm với một số HTX nữa. “Công ty cũng đang lập bảng so sánh giá rau VietGAP với rau chợ để từ đó làm việc với các HTX, giảm giá thành sản xuất và kéo giá rau VietGAP về bằng giá hàng chợ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ mở thêm 7 điểm bán hàng tại các chợ, đẩy mạnh bán hàng tại kênh chợ và các bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện lợi...” - ông Luận nói.
HTX Nông nghiệp Thỏ Việt đang tìm mặt bằng ở trung tâm thành phố để làm showroom và điểm tập kết rau VietGAP bán cho tiểu thương các chợ. Với sản lượng bán ra khoảng 40 - 50 tấn rau củ, trái cây VietGAP/ngày (2/3 trong đó là rau), HTX này đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 200 tấn/ngày trong năm 2014. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, cho biết tiểu thương các chợ Phạm Văn Hai, Bà Chiểu đã tham quan nông trại và trực tiếp khảo sát quy trình trồng trọt, thu hoạch nên đã chủ động đặt hàng rau VietGAP. Khi mở showroom, HTX sẽ nhận đặt hàng trực tiếp từ tiểu thương và tổ chức cho họ đến showroom lấy hàng về bán.
Không chỉ “tấn công” chợ lẻ và các tiểu thương, chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền cũng đang xúc tiến đưa rau VietGAP vào chợ đầu mối. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết đang làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM để đưa rau VietGAP vào chợ. Nếu triển khai rốt ráo, đến cuối năm, rau VietGAP sẽ có mặt ở chợ đầu mối.
Đa dạng kênh bán hàng
Hiện các đơn vị kinh doanh rau VietGAP còn đẩy mạnh kênh bán hàng online, bán hàng qua điện thoại. HTX Nông nghiệp Thỏ Việt đang áp dụng bán hàng qua điện thoại cho các đơn hàng từ 150.000 đồng trở lên. Một số khách hàng gợi ý HTX Nông nghiệp Thỏ Việt nên lên thực đơn cung cấp rau sạch cả tuần để họ tiện mua và sử dụng.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh rau VietGAP, nhu cầu của người tiêu dùng thành phố đối với các sản phẩm rau an toàn rất lớn. Các chủng loại rau VietGAP đã được đa dạng hóa với gần 70 loại rau lá, rau củ. Quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy rau VietGAP chất lượng, an toàn và hướng dẫn họ cách phân biệt rau VietGAP với rau thường. Để tạo niềm tin cho khách hàng, một số doanh nghiệp in hồ sơ chứng nhận rau VietGAP dán tại điểm bán, đóng gói bao bì có logo của HTX được chứng nhận VietGAP, địa chỉ sản xuất, tên nhà phân phối. HTX Nông nghiệp Thỏ Việt đang nhập máy bó rau. Với máy này, rau không đóng gói trong bao ni-lông mà bó bằng dây mảnh, trên dây có in tên HTX, vừa tiện lợi vừa hạn chế tình trạng người bán trộn lẫn rau chợ vào rau VietGAP (rau được bó chặt bằng máy, nếu tháo ra không thể bó lại được).
Theo các HTX và doanh nghiệp, rau VietGAP trồng bằng phân hữu cơ, không chứa chất bảo quản và thuốc tăng trọng nên có thể bảo quản lâu, ít hư hao. Ngoài ra, rau VietGAP được cắt gốc, làm sạch trước khi bán nên so ra giá bán không chênh lệch nhiều so với rau chợ. Đặc biệt, khi thị trường có biến động, tiểu thương ở chợ tăng giá rau thì rau VietGAP rẻ hơn.
Liên kết 4 nhà
Theo các doanh nghiệp, để sản phẩm rau VietGAP sống được ở chợ, từng bước thay đổi thói quen người tiêu dùng, người kinh doanh và hướng đến sản xuất rau an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có sự liên kết của 4 nhà. Trong đó, nhà sản xuất kết hợp nhà nông nuôi trồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để giảm giá thành; nhà phân phối giảm lãi để bán hàng; nhà nước gia tăng hỗ trợ thông qua việc sớm có logo sản phẩm VietGAP thống nhất để người sản xuất và người tiêu dùng nhận biết, có chính sách tuyên truyền cho tiểu thương, người tiêu dùng về rau an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là siết chặt kiểm tra, xử lý những vi phạm liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm trên rau.
Related news
Sò huyết, đặc sản đầm Ô Loan, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên gần như bị cạn kiệt và đứng trước nguy cơ biến mất do mất cân bằng sinh thái.
Chiều 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã tiếp và làm việc với ông Tai Kun Stai, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh học biển Long Điền, Đài Loan.
Hiện nay, người tiêu dùng thường lo ngại về an toàn thực phẩm và mong muốn có thông tin nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu, dự án “Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành nông nghiệp và PTNT" (MESMARD-2) đã hỗ trợ Tổng cục Thủy sản xây dựng một ứng dụng phần mềm trên cơ sở nền tảng CSDL báo cáo tiến độ cá tra trước đây.
Bộ NN & PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt hơn 80% số hộ nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc áp dụng VietGAP tại hộ nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang rất phổ biến, đa dạng... Đây là một mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình khác.