Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang)
Trong khi nông dân trồng lúa, rau màu nhiều nơi đang gặp khó khăn bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì nông dân xã Lương Phi (Tri Tôn - An Giang) phấn khởi với mô hình trồng rau tần dày lá – một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là mô hình triển vọng do bà con được cung cấp giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá cả ổn định và đảm bảo có lãi.
Anh Bùi Văn Cuộc (ấp An Ninh), một trong những hộ dân tiên phong trong việc trồng rau tần dày lá, cho biết, thấy giá cả rau màu lên xuống thất thường, anh muốn chuyển sang loại cây trồng khác, nhưng chưa biết trồng cây nào phù hợp. Bấy giờ, xã mời tham dự hội thảo mở vùng chuyên canh dược liệu của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.
Anh Cuộc nhớ lại: “Toàn xã chỉ có vài người đăng ký trồng tần dày lá này thôi. Tôi đăng ký trồng trên 1,5 công đất trong sự bất ngờ của bà con xung quanh, bởi loài cây này chỉ để nấu canh chua, chứ trên thị trường chẳng tiêu thụ được. Lúc đó, tôi cũng thấy lo lo, nhưng cứ bạo dạn làm thử…”.
Theo anh Cuộc, mỗi công đất cần từ 250kg – 270kg cây giống, sau 4 tháng trồng có thể thu hoạch, bà con chở ra xưởng sơ chế của công ty đặt tại ấp Tà Dung (xã Lương Phi) bán với giá 2.700 đồng/kg. Công ty hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho mỗi công đất, cho mượn máy cày, máy bơm nước, máy phun thuốc… tạo điều kiện canh tác.
Hiện nay, diện tích trồng tần dày lá của anh Cuộc đang thu hoạch, năng suất ước trên 4 tấn/công, trừ chi phí sản xuất khoảng 6 triệu đồng, còn lãi trên 4 triệu đồng.
Đó là chưa kể khoản thu từ việc bán cây giống, cung cấp giống cho các thành viên trong tổ hợp tác. Anh Cuộc nói: “Sau khi trồng khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch bán giống, năng suất trên 2,5 tấn/công, giá 7.000 đồng/kg”. Cùng ở ấp An Ninh, chú Nguyễn Văn Keo hồ hởi: “Thấy trồng rau tần dày lá cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đến tham quan, học tập kinh nghiệm và tiến hành trồng thử trên 1 công đất. Loại cây này được công ty thu mua, bao tiêu giá nên cũng vững bụng phần nào”.
“Cây rau tần thích hợp với vùng đất pha cát, không chịu được đất phèn. Vì đây là loại không chịu nước nên cần phải xẻ rãnh thoát nước, chống ngập úng vào mùa mưa. Nếu cây bị ngập nước thì sẽ bị oi nước, vàng lá không phát triển được” - anh Cuộc chia sẻ kinh nghiệm. Loại cây này trồng trên nền đất ở xã Lương Phi rất tốt, tỉ lệ tinh dầu cao hơn so với khu vực TP. Cần Thơ gấp 4 lần.
Chủ động được nước tưới đầy đủ, một năm có thể trồng 2 vụ và xen với một loại cây trồng khác để tránh dịch bệnh phát sinh. Nhờ có cán bộ của công ty và Hội Nông dân xã Lương Phi phối hợp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nông dân yên tâm canh tác tần dày lá.
Hiện tại, xã Lương Phi đã thành lập “Tổ hợp tác trồng rau tần dày lá”, với 33 hộ tham gia, diện tích 167.800m2. Vào thời điểm này, có 24 hộ đã đặt cây giống, 9 hộ đang làm đất chuẩn bị xuống giống tiếp tục. Diện tích trồng nhiều ở ấp Tà Dung, An Ninh...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi Nguyễn Ngọc Hậu, cho biết, đây là mô hình mới và hiệu quả trong việc chuyển đổi cây trồng, mang lại lợi nhuận cao cho hội viên và nông dân, nhất là đối với những vùng đất không canh tác được cây lúa và rau màu năng suất thấp.
“Cây rau tần dày lá phát triển mạnh vào mùa khô trên nền đất đủ ẩm, tơi xốp, giàu hữu cơ, thoát nước tốt. Cây có khả năng tái sinh mạnh, cho ra rễ dễ dàng từ thân non, đọt, rất dễ trồng”.
Related news
Mô hình nuôi gà đen lấy thịt được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Mường Báng và xã Sính Phình của huyện Tủa Chùa. Với quy mô 1.150 con, 28 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc thú y. Chi phí chuồng trại và công chăm sóc do người dân tự đóng góp.
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiêm túc thực hiện.
Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000 m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.
Sáng 1-4, tại phía trên đập thủy điện Sơn La, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với tỉnh Sơn La và Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức lễ thả cá giống xuống hồ thủy điện Sơn La.
Sau 6 tháng triển khai, đến nay, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở xã Lộc Nga (Lâm Đồng), được thực hiện tại 15 hộ với số lượng 60 kg cá giống, do Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã triển khai, đã đem lại hiệu quả khá cao.